Nền kinh tế Liên minh châu Âu đã rơi vào trì trệ trong suốt 6 năm qua sau khủng hoảng nợ công Hy Lạp, và giờ đây việc phải cáng đáng thêm một con nợ khác còn lớn hơn như Italia dường như đang trở nên quá sức, nhất là khi EU đang phải ra sức hàn gắn các vết thương do sự ra đi của nước Anh (Brexit) gây ra.
Một cơn giông tố mới đang xuất hiện trên đầu Liên minh châu Âu (EU) sau sự ra đi mớiđược hơn một thángcủa nước Anh, và đang có nguy cơ tước đi của EU thêm một thành viên nữa, màlại là một trong số các nước thành viên sáng lập ra liên minh: Italia. Nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực eurozone đang đối mặt với một trong những nguy cơ lớn nhất có thể tàn phá hoàn toàn nền kinh tế của đất nước, tương tự như những gì Hy Lạp đã phải hứng chịu cách đây 6 năm: khủng hoảng nợ; chỉ khác ở chỗ với Hy Lạp là khủng hoảng nợ công, còn với Italia là khủng hoảng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Việc phải cáng đáng thêm một con nợ khác còn lớn hơn, như Italia, dường như đang trở nên quá sức với Liên minh châu Âu, nhất là khi EU đang phải ra sức hàn gắn các vết thương do sự ra đi của nước Anh (Brexit) gây ra. Có lẽđể Italia ra đi theo gót Anh ở thời điểm hiện tạicũng không phải là một giải pháp tồi. Sau Brexit sẽ là Italeave?
Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Italia hẳn sẽ phải khiến tất cả các nhà lãnh đạo của EU cảm thấy điên đầu. Dù là nền kinh tế có quy mô lớn thứ ba trong khu vực eurozone, và lẽ ra phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết EU sau sự ra đi của Anh, thì Italia lại đang trở thành một quả bom nổ chậm trên con thuyền EU vốn đang thủng một lỗ khá to ở đáy do Brexit. Những gì đang xảy ra trong nền kinh tế của Italia cũng gần giốngnhư những gì đã xảy ra ở Mỹ cách đây 8 năm. Hai trong số các ngân hàng lớn nhất Italia đã mấp mé ở bờ vực của sự sụp đổ, đó là Ngân hàng Vicenza và nhất là Ngân hàng Siena – ngân hàng lớn thứ ba và cũng đồng thời là ngân hàng lâu đời nhất trên thế giới. Đây là hai trong số những ngân hàng quan trọng nhất trong nền kinh tế của Italia, nơi có mối liên hệ mật thiết với hàng trăm ngàn công ty trên khắp đất nước hình chiếc ủng. Một sự sụp đổ của Ngân hàng Vicenza và Siena cũng đồng nghĩa với một thảm họa tương tự như sự sụp đổ của Lehman Brothers với kinh tế Mỹ hồi năm 2008.
Trên thực tế, việc hai trong số những ngân hàng lớn nhất Italia là Vicenza và Siena đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ lại không phải là một ngoại lệ. Đó chỉ mới là hai cái cây lớn nhất bị cơn bão quật đổ trước tiên mà thôi. Thực tế là cả hệ thống ngân hàng của Italia đang phải đối diện với một cơn bão khủng khiếp lànợ xấu. Theo thống kê, các ngân hàng Italia đang gánh khoản nợ xấu lớn nhất châu Âu, lên tới 360 tỉ euro (khoảng400 tỉ USD), tương đương 20% GDP của Italia, và chiếm 1/3 tổng nợ xấu của toàn khu vực châu Âu.
Đây là hệ quả tích tụ trong một thời gian dài kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, sự kiện đã khiến cho GDP của Italia giảm 10%, phần lớn các khoản vay được các ngân hàng Italia thực hiện để hồi phục nền kinh tế đều không thực sự có hiệu quả, vừa khiến kinh tế Italia rơi vào trì trệ lại vừa khiến gánh nặng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng trưởng phi mã. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất tại Italia đã giảm khoảng 50%, và cơn bán tháo đang khiến giá trị của các cổ phiếu sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía chính phủ Italia cũng như Liên minh châu Âu, thì sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và đi liền với đó là nền kinh tế Italia là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, kể cả khi EU giúp Italia vượt qua cuộc khủng hoảng nợ xấu hiện nay (với một cái giá rất đắt), thì lại dẫn tới một nguy cơ khác cũng không kém phần đe dọa: Italia có thể rời khỏi EU theo gót Anh. Để có thể cứu các ngân hàng của mình, chính phủ Italia sẽ phải chấp nhận giải pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng này bằng ngân sách nhà nước; tuy nhiên theo quy định của EU nếu chính phủ Italia sử dụng biện pháp đó thì các trái phiếu ngân hàng đang được sở hữu bởi rất nhiều người dân Italia sẽ không còn giá trị. Nói cách khác, cái giá để chính phủ Italia cứu được các ngân hàng là phải chấp nhận việc rất nhiều người dân Italia sẽ tay trắng. Theo thống kê, tại Italia 200 tỉ euro trái phiếu ngân hàng hiện đang nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu là người dân. Nếu chính phủ Italia chấp nhận cứu các ngân hàng bằng ngân sách, rất nhiều người trong số những người sở hữu 200 tỉ euro trái phiếu ngân hàng kia sẽ mất sạch.
Điều này gần như chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào nỗi bất bình và bất mãn được người dân Italia tích tụ bấy lâu nay do tình hình kinh tế trì trệ. Dễ dàng kể ra những yếu kém vốn xuất hiện nhan nhản trong nền kinh tế Italia vài năm trở lại đây: nợ công quốc gia lên tới 33% GDP, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 11%, hiệu suất và tăng trưởng đầu tư thấp kỷ lục, tỷ lệ người trưởng thành có việc làm ở Italia thấp hơn tất cả mọi nước châu Âu khác ngoại trừ Hy Lạp. Sự trì trệ này của kinh tế Italia được Quỹtiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, bất cứ một động thái nào hỗ trợ các ngân hàng của chính phủ Italia cũng có thể khiến tỷ lệ ủng hộ các phe đối lập chủ trương tách khỏi EU tăng lên đáng kể, thậm chí có thể khiến Italia theo chân Anh rời khỏi EU.
Nói cách khác, Italia đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ và EU, hệ thống ngân hàng Italia gần như chắc chắn sẽ sụp đổ và kéo theo nền kinh tế của nước này. Một sự sụp đổ kinh tế chắc chắn sẽ khiến người dân Italia đòi rời khỏi EU. Còn nếu như chính phủ Italia và EU hỗ trợ hệ thống ngân hàng nước này để tránh rơi vào cảnh sụp đổ, thì nó lại cũng làm gia tăng sự bất mãn của người dân Italia – những người chịu thiệt hại nặng nề do mất đi số trái phiếu ngân hàng lên tới 200 tỉ euro. Sự bất mãn này cũng có thể kéo theo sự gia tăng ủng hộ các đảng cực hữu chủ trương rời khỏi Liên minh châu Âu. Có lẽ, đã đến lúc các nhà lãnh đạo EU cần tính tới phương án chấp nhận để Italia rời khỏi EU – Italeave, để tránh những nguy cơ tiềm ẩn lớn có thể hủy diệt Liên minh châu Âu vốn đã trở nên yếu hơn rất nhiều sau sự ra đi của Anh.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF, Nghiencuuquocte)