Sáng 20.10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập trong suốt 3 năm nay.
Tự chủ đại học - Miếng bánh khôngngon nên chưa ai muốn "cắn"
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết việc tự chủ đại học là quá rình đầy khó khăn, thách thức, nên thực hiện tự chủ ĐH cần có lộ trình phù hợp. Khi Bộ khuyến khích các trường ĐH công lập tự chủ về nguồn lực để giảm áp lực chi cho ngân sách nhà nước là việc làm khá khó khăn. Hiện nay các trường vẫn đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học tự chủ quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng lao động sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Mặc dù, tự chủ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực đối với các cơ sở GDĐH nhưng vẫn chưa tạo nên sự chuyển biến có tính hệ thống. Nhất là vấn đề các trường tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu dẫn đến chất lượng chưa bảo đảm.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm học 2013-2014 quy mô đào tạo giáo dục ĐHcả nước là hơn 1,67 triệu sinh viên, đã tăng lên 1,75 triệu trong năm học 2015-2016. Trong đó có nhiều trường quy mô sinh viên năm học 2015-2016 lớn như: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là 27,5 nghìn sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 32,4 nghìn, Trường ĐH Vinh 41 nghìn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân 42 nghìn...
Chia sẻ với phóng viên, PGS, TS Bùi Anh Tuấn Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, quá trình tự chủ giúp trường bước đầu ổn định quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tính đến cuối năm 2016, trường đã gửi 110 giảng viên học tập, nghiên cứu trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH có uy tín nước ngoài và có 12 giảng viên của nhà trường được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Đầu ra của nhà trường trong những năm qua tăng trưởng nhanh hơn so với các nguồn lực đầu vào, điều này dẫn đến những lo ngại về chất lượng đào tạo. Trong khi đó, các quy định cụ thể của Nhà nước dành cho các trường tự chủ còn thiếu hoặc không có. Do đó, vấn đề đặt ra là cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo khi nguồn lực đầu vào chưa có sự thay đổi đáng kể.
Chia sẻ riêng với báo điện tử Một Thế Giới - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam khẳng định: "Các trường vẫn chưa muốn nhả miếng bánh cơ chế, nhận ngân sách của nhà nước vì lo sợ thiếu thốn cơ sở vật chất hoặc không tuyển được sinh viên nếu như tự chủ.
Vì tự chủ phải tự tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo viên...mà điều đó thì không phải trường nào cũng thực hiện được hoặc đủ can đảm để thực hiện. Tôi cho rằng Bộ cần phải xiết chặt đầu ra bằng chất lượng đào tạo, như vậy mới đúng được nhu cầu đào tạo, nhu cầu cần người lao động của xã hội. Chứ hiện nay chúng ta cứ xiết chặt đầu vào, và thả nổi đầu ra hệ quả là chất lượng đào tạo không đảm bảo, sinh viên ra trường khó kiếm việc làm…".
Giao quyền tự chủ cho các trường ĐH là một bước tiến mới của ngành giáo dục
Sau 3 năm triển khai tự chủ ĐH chỉ có 23 trường đăng ký tự chủ
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các trường ĐH công cũng được tự chủ quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)...
Những bất cập này đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đưa ra những mục tiêu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai thời gian qua để từ đó thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề ra kế hoạch, lộ trình triển khai đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Sau ba năm triển khai, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7.2017.
Chia sẻ chung về những ý kiến đóng góp nâng cao sự tự chủ của các trường, khuyến khích các trường lập đề án tự chủ, các chuyên gia giáo dục đều khẳng định Bộ GD-ĐT đã đến lúc buông cơ chế bao cấp để thu hút các sinh viên tài giỏi. Và để kiểm định chất lượng sinh viên sau khi ra trường thì nên thành lập cơ quan kiểm định độc lập, hoặc các trường đại học nào có uy tín kiểm định. Điều này sẽ góp phần nâng cao sự tự chủ và sự lựa chọn của các sinh viên khi chuẩn bị bước vào các trường ĐH hàng đầu tại Việt Nam.
Dạ Thảo