Sau khi ăn cua 2 ngày, bé trai 8 tuổi ở Kiên Giang đã diễn biến xấu, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thở mệt, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân.

Sau 2 ngày ăn cua, bé trai bị nhiễm trùng huyết toàn thân nguy kịch

Hồ Quang | 15/05/2023, 17:10

Sau khi ăn cua 2 ngày, bé trai 8 tuổi ở Kiên Giang đã diễn biến xấu, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thở mệt, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân.

Ngày 15.5, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho hay đã kịp thời cứu sống bé trai T.N.S (8 tuổi, quê Kiên Giang) bị loét sưng nề tiến triển các lỗ tự nhiên cơ thể (môi, mũi, hốc tai, vùng kín, hõm nách, bẹn…), thở mệt và nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân sau khi ăn cua.

sau-khi-an-cua-be-trai-8-tuoi-bi-nhiem-trung-huyet-toan-than-nguy-kich-hinh-anh(1).png
Bé trai T.N.S đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố - Ảnh: BVCC

Theo người nhà, cách nhập viện 22 ngày, bé S. có ăn cua biển. Ngay sau khi ăn, bé bị dị ứng, phát ban khắp người, mắt bị kết mạc đỏ, môi hơi sưng, các thuốc kháng dị ứng không đáp ứng. Ngày hôm sau, môi và niêm mạc miệng bệnh nhi bắt đầu loét rộp.

Gia đình đưa bé nhập viện địa phương trong tình trạng hốc mũi, bộ phận sinh dục cũng bắt đầu lở loét. Các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị hội chứng Steven Johnson và chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết, khi nhập viện, bệnh nhi đã loét sưng nề tiến triển các lỗ tự nhiên cơ thể (môi, mũi, hốc tai, vùng kín, hõm nách, bẹn…). Bệnh nhi thở mệt và nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân nên được hỗ trợ thở máy, kháng sinh, Immunoglobulin tiêm truyền và chăm sóc vô trùng tuyệt đối.

Bệnh nhi phải ăn qua ống sonde dạ dày do môi miệng bị loét nặng không thể ăn bình thường. Việc vệ sinh rất khó khăn, bé bị ngứa và đau, thị lực giảm. Các bác sĩ hội chẩn các chuyên khoa mắt, niệu, da liễu, chỉnh hình, phục hồi chức năng. Các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc từng bước khống chế nhiễm trùng, đã dần có da non, cải thiện dần các giác quan cho trẻ.

“Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã từng bước khống chế nhiễm trùng, hồi phục làn da khô, cải thiện dần 5 giác quan cho bệnh nhi. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi được xuất viện”, bác sĩ Tiến cho biết.

Theo bác sĩ Tiến, chứng bệnh dị ứng tôm-cua, thậm chí là thuốc uống… rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Phụ huynh cần hết sức thận trọng khi con em bị dị ứng với bất kỳ thuốc, thực phẩm nào. Khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến bệnh viện khám ngay, ngăn chặn biến chứng nặng.

Hội chứng Steven Johnson là tình trạng dị ứng nặng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thuốc, nhiễm siêu vi, vi trùng. Biểu hiện đặc trưng bởi những nốt phồng nước ngoài da, kèm lở loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể như ở mắt, miệng, bộ phận sinh dục.

Biến chứng của bệnh sẽ rất nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải, biến chứng tại mắt: khô mắt, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù, và biến chứng nặng nhất là có thể gây tử vong.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 2 ngày ăn cua, bé trai bị nhiễm trùng huyết toàn thân nguy kịch