Nhà máy giấy này sẽ xả nước thải ra kênh Năng (xã Tân Lập 1, H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Kênh Năng là tuyến đường thủy chảy vào Đồng Tháp Mười, ra sông Bảo Định, kênh xáng Nguyễn Tấn Thành.

Sắp có nhà máy giấy của Trung Quốc xả nước thải ra Đồng Tháp Mười

Hùng Anh | 05/12/2016, 11:30

Nhà máy giấy này sẽ xả nước thải ra kênh Năng (xã Tân Lập 1, H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Kênh Năng là tuyến đường thủy chảy vào Đồng Tháp Mười, ra sông Bảo Định, kênh xáng Nguyễn Tấn Thành.

Theo ông Phạm Văn Trọng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án nhà máy giấy Đại Dương (NMG Đại Dương) được nhà đầu tư là Công ty Chang Yang Holding Limited Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị đầu tư vào KCN Long Giang từ đầu năm 2016.

Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã giao cho các cơ quan hữu trách tiếp xúc làm việc với nhà đầu tư và đề xuất UBND tỉnh thẩm định dự án. Nhà máy có công suất tối đa hơn 400.000 tấn/năm, được đầu tư thành 3 giai đoạn, trong giai đoạn đầu công suất 175.000 tấn/năm.

Tổng vốn đầu tư của nhà máy lên đến 220 triệu USD (khoảng hơn 4.900 tỉđồng), là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Tiền Giang, thời hạn hoạt động của dự án là 41 năm.

Sản phẩm chủ yếu của nhà máy là giấy Duplex, giấy Kraft trắng (dạng giấy cuộn), giấy Duplex xám (carton xám), giấy Kraft gợn sóng, giấy gia dụng, thị trường tiêu thụ là Việt Nam, Đài Loan và một số nước khác. Về nguyên liệu sản xuất, công ty sử dụng giấy vụn trong đó 50% mua tại Việt Nam, còn lại nhập khẩu. Trong trường hợp nguồn giấy vụn không đủ, nhà đầu tư sử dụng bột giấy dự phòng được nhập khẩu 100%.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định hiện nay Ban Quản lý các KCN và các sở, ngành chuyên môn của tỉnh chỉ mới thẩm định các nội dung về đầu tư và nhà đầu tư đang ở giai đoạn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, UBND tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, phản biện nội dung báo cáo này. Sau đó, tổ chức phiên họp chính thức của Hội đồng thẩm định, mời các nhà khoa học chuyên ngành giúp Hội đồng thẩm định chặt chẽ, khách quan đối với báo cáo ĐTM của dự án. Trong trường hợp báo cáo ĐTM của dự án không đảm bảo theo quy định, UBND tỉnh sẽ không chấp thuận cho triển khai dự án.

Nhưng điều kỳ lạ là hiện nay dự án NMG Đại Dương đã được Ban Quản lý các KCN Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 15.3.2016. Ngay sau đó, Công ty TNHH NMG Đại Dương đã ký hợp đồng thuê 8 lô đất với diện tích 227.530m2 tại KCN Long Giang và xây dựng văn phòng tạm.

Kỳ lạ hơn, Công ty TNHH NMG Đại Dương còn được UBND tỉnh “ưu ái” cho hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp hằng năm 10% trong 15 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ dự án (thuế suất năm 2016 là 20%). Đồng thời, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.

Thông tin từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, công nghệ sản xuất giấy phải sử dụng rất nhiều nước. Tùy theo công nghệ sản xuất và sản phẩm, lượng nước cần thiết để sản xuất 1 tấn giấy dao động từ 200m3 đến 500m3, sử dụng để rửa nguyên liệu, tẩy, xeo giấy, sản xuất hơi nước và hầu như tất cả lượng nước đưa vào sử dụng sẽ là lượng nước thải ra, mang theo rất nhiều hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Nếu NMG Đại Dương cần tối thiểu 200m3 nước để sản xuất ra 1 tấn giấy thì ước tính nhà máy phải sử dụng khoảng 35 triệu m3/năm trong giai đoạn 1 (hơn 95.000m3/ngày đêm) và con số này sẽ là 82,6 triệu m3/năm (khoảng hơn 226.000m3/ngày, đêm) khi nhà máy chạy hết công suất.

Chính ông Trọng cũng thừa nhận, nếu lượng nước xả thải của nhà máy Đại Dương không được xử lý nghiêm túc thì chắc chắn sẽ trở thành vấn nạn của môi trường.

Nhà máy giấy này sẽ xả nước thải ra kênh Năng (xã Tân Lập 1, H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Kênh Năng là tuyến đường thủy chảy vào Đồng Tháp Mười, ra sông Bảo Định, kênh xáng Nguyễn Tấn Thành.

Nhưng đại diện Công ty TNHH NMG Đại Dương cho rằng họ sử dụng giấy phế liệu để tái chế nên mỗi ngày nhà máy chỉ cần khoảng 6.000m3 nước mặt lấy từ sông để phục vụ sản xuất (hơn 2 triệu m3/năm), trong đó lượng nước xả thải chỉ khoảng 5.000m3 (hơn 1,8 triệu m3/năm). Và phía công ty cam kết sẽ sử dụng công nghệ hiện đại nhất từ châu Âu để xử lý nước thải. Với những thông số trên thì NMG Đại Dương chỉ cần sử dụng… hơn 12,5m3 nước để sản xuất ra 1 tấn giấy?

Tuy nhiên đại diện NMG Đại Dương cũng thừa nhận dù nước thải sẽ đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định của Bộ TN-MT nhưng vẫn có hàm lượng COD và BOD cao hơn nguồn nước mặt. Khi nước thải hòa vào nước sông, nước thải sẽ được làm sạch tự nhiên (!?).

Trong khi đó, 1 giáo viên chuyên ngành hóa sinh ở Tiền Giang cho rằng, tỉ lệ 12,5m3 nước cho 1 tấn giấy là con số cực kỳ lý tưởng, nhưng khó thuyết phục. Bởi lẽ giấy phế liệu rất bẩn, sản xuất giấy từ nguồn giấy phế liệu vẫn cần rất nhiều nước với nhiều loại hóa chất độc hại đểngâm mềm, đánh tơi, tẩy rửa chất bẩn, mực in, màu sắc…

Ngọc Hùng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp có nhà máy giấy của Trung Quốc xả nước thải ra Đồng Tháp Mười