Bản tin 6h sáng ngày 2.8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19, trong số này có 2 ca liên quan đến Đà Nẵng (TP. Hồ Chí Minh 1, Quảng Ngãi 1) và 2 ca cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hoà Bình.

Sáng 2.8, thêm 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó TP.HCM 1, Quảng Ngãi 1

02/08/2020, 06:04

Bản tin 6h sáng ngày 2.8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19, trong số này có 2 ca liên quan đến Đà Nẵng (TP. Hồ Chí Minh 1, Quảng Ngãi 1) và 2 ca cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hoà Bình.

CA BỆNH 587-588 (BN587-588): ngày 17.7, cả 2 người từ Liên bang Nga về Sân bay Vân Đồn lúc 5h15 trên chuyến bay VN5062 (trước đó có 21 ca dương tính trên chuyến bay này), được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hoà Bình, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính, kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 1/8 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

CA BỆNH 589 (BN589): Bệnh nhân nam, 42 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh, đã đi du lịch Đà Nẵng (Nam Hội An và quận Thanh Khê).

Qua giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

CA BỆNH 590 (BN590): Bệnh nhân nam, 40 tuổi, ở Quảng Ngãi, tiếp xúc gần BN517 (bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng).

Qua giám sát, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã cách ly tập trung và lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả xét nghiệm ngày 1/8 của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại cơ sở 2 Bình Sơn - Dung Quất, Quảng Ngãi.

Như vậy đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 590 ca bệnh, trong đó 306 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25,7 đến nay: 144 ca.

- Tính từ 18h ngày 01.8 đến 6h ngày 02.8: 4 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 94.216, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 920

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.249

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 79.047

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

Đến thời điểm này đã có 373/586 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Tính đến sáng ngày 2.8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 14 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 200 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực tham gia xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.

Ngày 1,8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn khẩn số 4109/BYT-DP gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chi đạo của Thủ tướng Chinh phủ về việc tăng cường thực hiện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.

Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.

Các đơn vị có đủ năng lực phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá, thẩm định.

Công văn của Bộ Y tế cũng nói rõ: Các đơn vị muốn thực hiện xét nghiệm khẳng định liên hệ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận.

Các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định không cần gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý phối hợp với các đơn vị y tế thuộc tuyến Trung ương, các Bộ ngành khác để lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Thành lập Tổ COVID-19 tại cộng đồng dân cư để giám sát dịch bệnh tại Đà Nẵng

Làm việc trực tuyến với Bộ “Chỉ huy tiền phương Bộ Y tế” - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng sáng ngày 1.8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định. Đồng thời triển khai thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.

Sáng ngày 1.8, ngay sau khi chủ trì tại hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu tại về nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với Bộ “Chỉ huy tiền phương Bộ Y tế” - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hiện đang có mặt tại BV Đà Nẵng phụ trách.

Mở đầu buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chuyển lời động viên, chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ tới cán bộ, nhân viên y tế trong toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục có điện, gửi lời động viên cho nhân viên y tế toàn ngành. Thủ tướng nói rằng làm thế nào để lần này toàn ngành cùng nhau hành động, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau quyết tâm và cùng nhau chiến thắng. Đặc biệt Thủ tướng gửi gắm nhiều tình cảm vào Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – người chỉ huy trực tiếp chiến dịch ở khu vực miền Trung cùng các anh chị em đang ở tuyến đầu chống dịch" - Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã biểu dương tinh thần của đội ngũ các cán bộ y tế Trung ương hỗ trợ Đà Nẵng, đánh giá cao ngành Y tế Đà Nẵng, đặc biệt các đơn vị trung ương hiện nay đang ở Đà Nẵng, với 150 cán bộ y tế Đại học Y dược Huế, Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng, các giáo sư, chuyên gia của Bênh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh,…

Đang tích cực thực hiện giãn cách bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng

Từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Dã chiến có thể thu dung 2.000 bệnh nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay Bộ Chỉ huy tiền phương sẽ họp giao ban hàng ngày, phân công nhiêm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đội, gửi báo cáo lãnh đạo Bộ.

Về công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay của Đà Nẵng, báo cáo của Th.S Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Đội trưởng Đội Điều trị cho biết, hiện đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Đối với việc giãn cách bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân thường đang được tiếp tục thực hiện.

38 bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.

Bên cạnh kíp do TS.BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực- Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách còn có thêm 1 kíp đang hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng.

Báo cáo từ điểm cầu Bệnh viện Đà Nẵng, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – hiện là Đội trưởng Đội Điều tra giám sát dịch đã đề xuất cách ly tập trung đối với các trường hợp F1. Đồng thời, PGS.TS Dương cũng đề xuất thành lập các Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng, thành viên là cán bộ tổ dân phố có mối quan hệ tốt trên địa bàn dân cư.

Hàng ngày các cán bộ này sẽ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở tuyên truyền các gia đình thực hiện tốt Chỉ thị 16 và hỏi han, quan sát, phát hiện người dân có dấu hiệu gì bất thường để báo cho cơ quan chức năng về y tế quản lý. Các gia đình thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.

Giải phóng nhanh, giảm mật độ tại Bệnh viện Đà Nẵng

Lắng nghe ý kiến của Ban thường trực và các chuyên gia, phát biểu từ điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhất trí kiến nghị trong tiểu ban điều trị, đồng thời yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này

Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng yêu cầu phải giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện nhân viên y tế ở đây quá nhiều, phải giảm số lượng nhân viên y tế ở đây, đưa ra ngoài cách ly khách sạn. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng vấn đề này.

Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ bố trí xe, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây.

“Bệnh nhân có bệnh lý nền cũng chuyển bớt vì Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm; nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực, khoa, Hô hấp, Tim mạch cần giải phóng bệnh nhân.

Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – chống độc, hô hấp, tim mạch – là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào đây điều trị nữa, đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải chỉ đạo quyết liệt chuyện này”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa tạo thông khí cho bệnh viện, tránh việc môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng cũng đồng ý với việc Bệnh viện C Đà Nẵng phải xét nghiệm lần 2, sau đó tiếp nhận điều trị nhưng phải phân luồng, phân tuyến rất kỹ. Với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, phải coi bệnh viện là sạch, đưa bệnh nhân nặng vào đó. Với Bệnh viện Hoà Vang (công suất 200 giường), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (công suất 100 giường) sẽ tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Điện Bàn

Đồng thời, GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, đối với bệnh nhân thận nhân tạo, cần tách riêng bệnh nhân dương tính với virus SARC-CoV-2 ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm không thì không bao giờ cứu được bệnh nhân. Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh việc Bộ chỉ huy tiền phương dưới sự điều hành chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn toàn quyết quyết định những vấn đề tại khu vực này. Bắt đầu từ ngày mai (2/8), Bộ Y tế sẽ giao ban định kỳ với Giám đốc các Sở y tế tỉnh thành phố.

Rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ

Nhất trí hoàn toàn với đề suất của PGS.TS Trần Như Dương, GS.TS Nguyễn Thanh Long cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định. Đồng thời triển khai thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, hiện có đến 40% ca bệnh COVID-19 không có triệu chứng nên không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ. Các Tổ này cần được tập huấn để phát huy hiệu quả tại cộng đồng dân cư.

Đối với việc lấy mẫu tại cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị TP Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế.

Hiện năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã đáp ứng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày. Theo thống kê có khoảng 11.000 người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong giai đoạn này, do đó các địa phương và chính quyền địa phương phải quản lý các đối tượng này.

Về thẩm định Phòng xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thẩm định xét nghiệm với quan điểm các phòng xét nghiệm có máy PCR và đảm bảo an toàn sinh học là được phép xét nghiệm sàng lọc.

“Cần phải huy động tổng lực cho xét nghiệm”- GS.TS Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Với việc lấy mẫu xét nghiệm ở Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, lấy mẫu thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành bao vây ngay.

Về việc thành lập bệnh viện dã chiến, Quyền Bộ trưởng lưu ý phải kiểm tra rất kỹ, đảm bảo an toàn, phòng vô khuẩn, phòng cách ly…

Lưu ý Đà Nẵng là điểm nóng nhưng không được quên Quảng Nam cũng là nguy cơ cao, Quyền Bộ trưởng đề nghị Bộ chỉ huy tiền phương phải rà soát, kiểm tra khu vực này. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, sẽ cùng các chuyên gia vào Quảng Nam trong ngày mai để cùng trao đổi, bàn thảo về công tác phòng chống dịch của địa phương này.

Theo SK&ĐS

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 2.8, thêm 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó TP.HCM 1, Quảng Ngãi 1