Bản tin 6h sáng ngày 10.4 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Cho đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.683 ca bệnh, trong khi thế giới đã hơn 135,2 triệu ca. Đến nay, trên 58.000 người Việt Nam đã tiêm vắc xin COVID-19, có 8 tỉnh kết thúc tiêm đơt 1.

Sáng 10.4, không có ca mắc COVID-19, Bộ Y tế nêu ý kiến về 'hộ chiếu vắc xin'

SK&ĐS-TTXVN | 10/04/2021, 05:59

Bản tin 6h sáng ngày 10.4 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Cho đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.683 ca bệnh, trong khi thế giới đã hơn 135,2 triệu ca. Đến nay, trên 58.000 người Việt Nam đã tiêm vắc xin COVID-19, có 8 tỉnh kết thúc tiêm đơt 1.

Có thêm 1.678 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19

Tính đến 16 giờ ngày 9.4.2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 58.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Chi tiết 1.678 người được tiêm tại 7 tỉnh/TP trong ngày 9.4.2021 như sau: Hà Nội: 278 người; Quảng Ninh: 29 người; Hải Phòng: 136 người; Bắc Ninh: 336 người; Hòa Bình: 19 người; Hà Giang: 72 người; P. Hồ Chí Minh: 808 người.

Thêm 2 tỉnh kết thúc đợt 1 là Hòa Bình và Hà Giang. Như vậy đã có tổng cộng 8 tỉnh kết thúc tiêm đợt 1 là Tây Ninh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình và Hà Giang.

Bộ Y tế nêu ý kiến về phương án 'hộ chiếu vắc xin'

Chiều 9.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 9.4, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 15 không ghi nhận ca mắc mới trong nước. Đến nay, tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.669, trong đó có 1.570 ca trong nước. Hiện nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát. Tỉnh Hải Dương cũng đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19.  

Tại cuộc họp, đề cập phương án áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện tại, các trường hợp khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất hai lần; trong đó, lần thứ nhất vào ngày đầu tiên khi cách ly, lần thứ hai vào ngày thứ 14 trước khi hết cách ly: Công dân Việt Nam thuộc diện được đưa về nước do có hoàn cảnh đặc biệt (giải cứu) cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc cách ly tại khách sạn; chuyên gia, người nhập cảnh theo diện chuyến thăm, làm việc mục đích ngoại giao, công vụ cách tại khách sạn có trả phí; nhập cảnh theo diện cách ly ngắn ngày cũng đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 và tiến độ tiêm vắc xin trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về “hộ chiếu vắc xin” phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 theo khuyến cáo của WHO và Việt Nam đủ mũi, đúng lịch, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Theo đó, các công dân này phải được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất hai tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vắc xin cuối.

Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “Hộ chiếu vắc xin ” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin ngừa COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về phương án cách ly, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được phép nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định, xét nghiệm hai lần (lần thứ nhất vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh vào cơ sở cách ly, lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính, tiếp tục chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày, thực hiện xét nghiệm lần thứ ba vào ngày thứ 14; nếu âm tính, kết thúc quá trình cách ly.

Theo ông Đặng Quang Tấn, bên cạnh các thuận lợi khi triển khai áp dụng “Hộ chiếu vắc xin”, vẫn còn một số bất cập. Ông Tấn cho rằng, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới.

“Hiệu lực bảo vệ của các vaccine cũng rất khác nhau từ 66%-96% người được tiêm có hiệu lực bảo vệ, do đó còn tỷ lệ cao những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền bệnh”, ông Tấn cho biết. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của các vaccine chưa rõ nên khó khăn cho việc xác định áp dụng thời gian hiệu lực của “Hộ chiếu vaccine”.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với một loại bệnh truyền nhiễm, việc tiêm vắc xin là rất quan trọng và cần thiết, do đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đặc biệt là tại các địa phương.

Cũng đề cập đến quy trình cách ly cho các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nêu đề xuất, đối với những trường hợp nhập cảnh ngắn ngày nên có hướng giãn cách tần suất xét nghiệm COVID-19 thay vì tần suất xét nghiệm hai ngày/lần như hiện nay. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ngoại giao cũng như các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Đối với những trường hợp nhập cảnh dài hạn, quy định hiện nay là bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đề xuất phương án cách ly tập trung 7 ngày và giám sát tại nơi cư trú 7 ngày tiếp theo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác,thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống COVID-19 như biện pháp “5K” cho từng cá nhân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tại những nơi tập trung đông người, cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiến độ đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho những đối tượng được ưu tiên; chú trọng quá trình thực hiện xét nghiệm COVID-19, tìm hiểu, đưa vào triển khai công nghệ xét nghiệm mới có độ chính xác cao, tiết kiệm chi phí…

Trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan tìm phương án, xây dựng lộ trình mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, trong đó chú trọng khách đến từ các nước đã kiểm soát được dịch COVID-19. Khu vực đón khách du lịch cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 10.4, không có ca mắc COVID-19, Bộ Y tế nêu ý kiến về 'hộ chiếu vắc xin'