"Sản phẩm OCOP là giá trị, bản sắc Việt Nam, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường".
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu ngày 31.10. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã và đang đóng vai trò chủ lực trong việc khẳng định giá trị của các sản phẩm nông thôn, giúp các sản phẩm từ khắp mọi miền tổ quốc không chỉ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm OCOP không chỉ mang nét đặc trưng về văn hóa và truyền thống mà còn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với lợi thế và tiềm năng đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng..., Việt Nam không chỉ thành công về xuất khẩu nông sản thế mạnh, mà còn là một quốc gia có nhiều bản sắc với các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa địa phương, thể hiện rõ nét nhất là hình ảnh các sản phẩm OCOP Việt Nam. Đó là những sản phẩm thể hiện giá trị, tinh hoa văn hóa Việt Nam qua từng câu chuyện sản phẩm, ở đó thể hiện những khát vọng, hình ảnh của người nông dân gắn với từng miền quê Việt Nam.
Sau hơn 6 năm triển khai, Việt Nam đã có hơn 14.000 sản phẩm OCOP của gần 8.000 chủ thể, sản phẩm OCOP đã từng bước tiếp cận thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền để phát triển kinh tế nông thôn. "Đây cũng là thời điểm cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn, khẳng định những giá trị văn hóa Việt Nam qua từng sản phẩm OCOP để hướng đến thị trường xuất khẩu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Có thể thấy, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, như: góp phần thay đổi về tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của địa phương; Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; Chương trình góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ; Chương trình OCOP giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh những kết quả đó, sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhiều yêu cầu cần hoàn thiện, để có thể vươn xa hơn vào thị trường quốc tế.
"Sản phẩm OCOP là giá trị, bản sắc Việt Nam, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua "câu chuyện tạo ra sản phẩm", do vậy, câu chuyện càng đặc biệt thì giá cả càng khác biệt, càng dễ truyền thông và quảng bá sản phẩm đến thị trường. Vì thế, câu chuyện cần phải được xây dựng bằng các giá trị khác biệt về văn hóa, tri thức bản địa, phải được thể hiện trên bao bì, nhãn mác; câu chuyện không chỉ tạo cảm xúc cho người tiêu dùng, mà còn nâng cao niềm tự hào về quê hương, xứ sở. Đó phải là yếu tố tiên quyết và là khát vọng để các chủ thể xây dựng và hoàn thiện sản phẩm OCOP", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chủ thể OCOP cần phải chuẩn bị và sẵn sàng về hành trang để hội nhập, bên cạnh những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực và sự chủ động thương mại, các yêu cầu để tham gia vào chuỗi phân phối (xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, năng lực logistic,...), các chủ thể OCOP cần linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và thiết kế sản phẩm, đó là câu chuyện về bao bì, cách đóng gói phù hợp với từng đối tượng khách hàng và yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, các chủ thể OCOP cần thay đổi tư duy, thói quen thương mại, đó là uy tín, là trách nhiệm đối với đối tác và người tiêu dùng.
"Tôi mong muốn các chủ thể OCOP hãy tận dụng những cơ hội, không gian này để tiếp tục làm tốt hơn, hoàn thiện hơn nữa, để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. Để các chủ thể có thể vươn xa hơn, đề nghị các cơ quan thương mại, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thông tin, quảng bá và kết nối thương mại cho các sản phẩm OCOP, bởi đó không chỉ là câu chuyện về kinh tế, nó còn là sự quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới", người đứng đầu cơ quan quản lý ngành nông nghiệp nhấn mạnh thêm.
Hiện nay, có nhiều sản phẩm OCOP 5 sao được biết đến như: Miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), Cà phê bột nguyên chất Bích Thao (Sơn La), Chè đinh cao cấp Hoài Trung (Phú Thọ), Chè Hảo Đạt (Thái Nguyên), Trà hoa vàng Quy Hoa (Quảng Ninh), Hạt điều Hà My (Bình Phước), Bánh đậu xanh (Hải Dương), Hạt Sen sấy (Đồng Tháp), Mây Tre Đức Chung (Nghệ An), Gia vị hoàn chỉnh Bún bò Huế (Thừa Thiên Huế), Mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa),...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: "Với tinh thần đổi mới sáng tạo, các chủ thể OCOP sẽ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu và từng bước chinh phục những thị trường khó tính nhất trên thế giới, khẳng định sản phẩm truyền thống của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài cả về chất lượng lẫn mẫu mã".