Tình trạng sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục xảy ra tình trạng nghẽn lệnh thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản trị của HOSE.

Sàn HOSE bị nghẽn lệnh do năng lực quản trị yếu kém

Tuyết Nhung | 10/03/2021, 15:27

Tình trạng sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục xảy ra tình trạng nghẽn lệnh thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản trị của HOSE.

Trong suốt 3 tháng qua, sàn HOSE liên tục chịu tổn thương khi hệ thống giao dịch thường xuyên xảy ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể biết được quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua bán chứng khoán. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ngày 10.3 cho biết điều này đã thể hiện năng lực quản trị điều hành HOSE rất yếu kém vì chưa làm chủ được công nghệ vận hành trong suốt 20 năm qua. Theo VAFI, đây không phải lần đầu tiên mà trước đó đã xảy ra một vài trường hợp nghiêm trọng bị sập sàn chứng khoán nhưng vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm.

VAFI cũng cho rằng khâu giám sát thị trường của HOSE cũng chưa hiệu quả vì còn xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng lừa đảo thao túng chứng khoán ngày càng nhiều đã tạo ra cổ phiếu rác...

Để sàn HOSE chấm dứt tình trạng trên, VAFI đề xuất cần phải thuê nhân sự giỏi nước ngoài, nhanh chóng cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. Hai đơn vị này sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập.

"Luật chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. Hy vọng rằng Bộ Tài chính sẽ sớm tiến hành việc này để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng", VAFI đề xuất.

Trước tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Để không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư, Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng Chính phủ với các nhà doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE, FPT đã đưa ra 2 phương án: Rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật, hoặc triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức.
Trong đó, FPT nghiêng về phương án thứ 2 nhiều hơn bởi phương án này sẽ đáp ứng tốt hơn về tính chủ động, sự an toàn cũng như các quy định liên quan tới pháp lý.

Đại diện FPT cho biết đơn vị đang trong quá trình trao đổi cụ thể với các bên liên quan về lộ trình cũng như phương thức triển khai cuộc "giải cứu" này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sàn HOSE bị nghẽn lệnh do năng lực quản trị yếu kém