Dưới thời kỳ ông Hùng là lãnh đạo, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn dính nhiều sai phạm được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tp. HCM chỉ rõ trong các kết luận...

Sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn khi ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc

07/07/2019, 16:44

Dưới thời kỳ ông Hùng là lãnh đạo, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn dính nhiều sai phạm được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tp. HCM chỉ rõ trong các kết luận...

Ông Lê Tấn Hùng (giữa) - Ảnh từ Internet

Ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vừa bị khởi tố và bắt tạm giam theo tin tức phát đi ngày 6/7 của Bộ Công An. Ông Hùng sinh năm 1963 và là em trai của ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí Thư Thành uỷ Tp. HCM, bị khởi tố với tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trước khi làm Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ông là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong Tp.HCM.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành lập năm 1996, trực thuộc UBND Tp. HCM sở hữu nhiều dự án nông nghiệp với quy mô đất lên tới các chục nghìn ha. Năm 2010, tổng công ty chuyển thành công ty TNHH MTV, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh.

"Xẻ thịt" gần 2.000 ha đất công

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 ha. Trong 24 khu đất này có 16 cơ sở nhà, đất do tổng công ty quản lý, hai khu đất do Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM quản lý, một khu đất do Công ty TNHH MTV Cây trồng Tp.HCM quản lý và năm cơ sở nhà, đất do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản quản lý.

Trong số hơn 1.900 ha đất nói trên, Tổng công ty đã bàn giao đất và tài sản trên đất với diện tích 590ha cho doanh nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND Tp.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Việc này là không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND Tp.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp. HCM. Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND Tp.HCM có quy định là "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cuối năm 2017, Tổng công ty đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với giá trị ghi sổ kế toán là hơn 1.000 tỷ đồng (bao gồm: 5 công ty con, 11 công ty liên kết và 9 doanh nghiệp khác) nhưng có 9/25 doanh nghiệp kinh doanh lỗ; 10/25 doanh nghiệp lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2017 với số lỗ là hơn 380 tỷ đồng. Trong đó có công ty ngưng hoạt động (Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa ngưng hoạt động từ năm 2014), chưa đi vào hoạt động (Công ty Cổ phần Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc)...

Tổng công ty cũng ký 3 hợp đồng vay ngoại tệ và một hợp đồng vay VND để vay bổ sung vốn lưu động nhưng lại đem số tiền vay được đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác, không đúng mục đích vay và lỗ hơn 12 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, việc tổng công ty ký hợp đồng 60 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Đức Nguyên để triển khai trồng 4.000ha cao su tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) và đã chi 12 tỷ đồng (20%) nhưng đến năm 2015 dự án vẫn chưa triển khai. Đức Nguyên không có khả năng thực hiện đúng hợp đồng.

Đi nước ngoài "ảo" tính tiền thật

Theo Thanh tra Tp. HCM, ông Lê Tấn Hùng khi còn làm Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn có nhiều sai phạm. Cụ thể, năm 2016 tổng công ty ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (tổng giá trị hơn 13,3 tỷ) tới các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal...với Công ty Thương mại dịch vụ Hòa Bình quốc tế và Công ty Du lịch Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, có đến 22 người không tham gia chuyến đi.

Khi xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tp. HCM, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, Thanh tra thành phố kết luận việc tổng công ty không thực hiện các chuyến đi học tập nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13,3 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán được quy định tại khoản 4 điều 6 Luật Kế toán năm 2003 "phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính", nếu không phát hiện kịp thời, có khả năng ngân sách nhà nước sử dụng không đúng mục đích.

Vụ việc được Thanh tra cho rằng có dấu hiệu cấu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật. Trách nhiệm này thuộc về Tổng giám đốc và Kế toán trưởng công ty.

Chuyển nhượng đất vàng "giá bèo"

Kết luận thanh tra công bố mới đây nhất của Thanh tra Tp.HCM cũng có thấy nhiều sai phạm về chuyển nhượng đất đai của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Cụ thể, Tổng công ty đã bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2.

Về vụ việc này, người đại diện vốn của Tổng công ty tại Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) biểu quyết chuyển nhượng hơn 3,6ha đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã vi phạm quy định, đồng thời vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang. Theo hợp đồng có quy định "không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba…".

Năm 2016, Tổng công ty đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, quận 9 cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Tổng công ty đã sử dụng 3,75ha đất hợp tác khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, Tổng công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ 78%.

Kết luận thanh tra chỉ rõ Tổng công ty đã chuyển nhượng vốn góp là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú "nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường".

Anh Minh/ VnEconomy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn khi ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc