Sài Gòn những ngày cận Tết có tất tần tật các thứ cảm xúc trộn lẫn vào nhau. Nôn nao, và vội vã. Nhớ nhung và dùng dằng, đắn đo. 

Sài Gòn ngày cuối năm – nôn nao, vội vã

Một Thế Giới | 16/01/2014, 08:36

Sài Gòn những ngày cận Tết có tất tần tật các thứ cảm xúc trộn lẫn vào nhau. Nôn nao, và vội vã. Nhớ nhung và dùng dằng, đắn đo. 

Sáng Sài Gòn ngày cuối năm trời se lạnh. Ấy vậy mà thật ít người có hứng thú ngủ nướng như mọi ngày. Chắc là do “ngày hết tết đến”. Công việc thì bề bộn, nỗi lo về tiền bạc lại lần nữa ngân dài thành điệp khúc cũ.

Sài Gòn chiều cuối năm cũng tất bật hơn, từ ngoài xa lộ vào đến cơ quan, từ giảng đường leo lên tận… facebook. Ngoài đường, từng dòng người hối hả chạy đua cùng thời gian để hoàn tất những công việc của năm cũ, nhận tháng lương cuối năm để còn thu xếp về quê sum họp với gia đình.

Những quán hủ tiếu thân thiết với tụi sinh viên cũng đóng cửa gần hết. Cô chủ quán vừa múc nước lèo vào tô vừa nói cho nhóm khách biết hôm nay cô bán bữa cuối, mai về Trung ăn Tết với gia đình.

Giới sinh viên thì khỏi phải nói, số ít đã được ăn cơm nhà, số còn lại thì nôn nao và ta thán vì cái lịch thi “trời ơi đất hỡi”: môn thi cuối cùng là ngày 20.

Facebook lại thêm phần nhộn nhịp và rôm rả. Những “hội kín” bắt đầu hoạt động với những lời rủ rê, hú hí, hẹn hò nhau đi tất niên, lên lịch họp mặt năm mới… người hồ hởi vì sắp được về nhà, kẻ “rầu rĩ” vì vẫn chưa mua được vé xe, thi cử không tốt, lương làm thêm chưa nhận,… đủ thứ cảm xúc trộn lẫn vào nhau.

Sài Gòn những tối cuối năm, các dãy trọ trở nên vắng lặng, kí túc xá cũng không còn nhiều ánh điện xuyên đêm. Các phiên chợ công nhân, sinh viên đông đúc người ở các gian hàng “sale off”.

Ở một góc khác, có chút lặng lẽ và suy tính, “nửa ở nửa về” của cặp vợ chồng công nhân trong một khu chế xuất. Về là mất toi gần 2 tháng lương công nhân. Còn không về thì nhớ nhà phải biết vì đã 4 năm rồi chưa đón Tết cùng ông bà nội ngoại.

Sài Gòn những ngày cận Tết có tất tần tật các thứ cảm xúc trộn lẫn vào nhau. Nôn nao, và vội vã. Nhớ nhung và dùng dằng, đắn đo.

Chàng sinh viên năm nhất sẽ hội ngộ với gia đình vào ngày 25 tháng chạp. Cô chủ quán hủ tiếu sẽ ra bến xe vào chiều mai. Ông giám đốc nọ cũng sẽ bay về nhà đón Tết cùng mẹ hiền ngoài quê vào đêm 29…

Tết thì phải về nhà. Về với mẹ già, với em nhỏ. Về với cái lành lạnh của tiết trời và ấm áp của tình thương. Về để anh em còn ngồi hơ tay, thủ thỉ với nhau bên bếp than hồng vào đêm giao thừa.

Đường Sài Gòn sẽ vắng lắm. Kí túc xá cũng chẳng còn ai. Chốn này có thể tấp nập, đông vui vào ngày thường nhưng làm sao đủ đầy, chở che nổi mình vào đêm 30 nơi đất khách? 

Còn gì mà phải lặng im, suy tính. Nào, về nhà đón Tết thôi!

Gia Đỗ

Bài liên quan
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sài Gòn ngày cuối năm – nôn nao, vội vã