Ngày 14.7, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp chỉ đạo giới chức Mỹ đình chỉ hoặc hủy bỏ cơ chế đối xử đặc biệt quy định bởi Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992.

Sắc lệnh tước cơ chế đặc biệt dành cho Hồng Kông đem lại thay đổi gì?

17/07/2020, 08:36

Ngày 14.7, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp chỉ đạo giới chức Mỹ đình chỉ hoặc hủy bỏ cơ chế đối xử đặc biệt quy định bởi Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992.

Hồng Kông đánh mất cơ chế đối xử đặc biệt mà Mỹ trao cho, vì chính quyền Bắc Kinh áp đặt luật an ninh - Ảnh: SCMP

“Nay không còn đặc quyền, không quy chế thương mại đặc biệt, không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Hồng Kông giờ đây sẽ bị đối xử như đại lục”, Tổng thống Trump tuyên bố mạnh mẽ.

Sắc lệnh làm dấy lên lo ngại về hạn chế cấp thị thực. Theo sắc lệnh, Mỹ bỏ ưu tiên dành cho người nắm giữ hộ chiếu Hồng Kông so với người dùng hộ chiếu đại lục.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) chỉ ra rằng ngay hiện tại quy trình xin cấp lẫn thời hiệu thị thực của hai trường hợp dường như chẳng có gì khác biệt. Người Hồng Kông có quyền xin thị thực nhập cảnh nhiều lần, thời hiệu 10 năm do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại đặc khu. Người đại lục cũng xin được thị thực tương tự, nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh hay Lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán, Thẩm Dương.

Khác biệt nằm ở thị thực cấp cho nhà báo. Nhà báo Hồng Kông xin được thị thực 5 năm nhập cảnh nhiều lần còn nhà báo đại lục chỉ có thể xin thị thực 3 tháng nhập cảnh một lần.

Chính quyền đặc khu nhiều năm qua luôn cố gắng thuyết phục phía Washington đưa đặc khu vào danh sách hưởng chương trình miễn thị thực – cho phép đến Mỹ du lịch hoặc công tác không cần thị thực trong 90 ngày. Tính đến cuối năm 2019, Cơ quan Di trú Mỹ (USCIS) đã cấp thị thực cho 12,39 triệu hộ chiếu Hồng Kông.

Tài sản tại Mỹ của người Hồng Kông và người đại lục

Cá nhân/tổ chức nước ngoài mà Ngoại trưởng Mỹ “điểm mặt” sẽ bị chặn không cho đầu tư, chuyển nhượng, xuất khẩu, rút hoặc giao dịch bất kỳ tài sản hay quyền lợi nào từ tài sản tại Mỹ. Đó có thể là tài sản thực, tài khoản ngân hàng, đầu tư, bất động sản.

Đối tượng chịu hạn chế là quan chức Hồng Kông tham gia phát triển và thực thi luật an ninh quốc gia, người làm suy yếu sự phát triển dân chủ của đặc khu hay kiểm duyệt/ xử phạt tự do ngôn luận, người hỗ trợ vật chất, tài chính hoặc công nghệ cho hai đối tượng trước. Tất cả - cùng vợ/chồng con của họ - đều bị xem như thành phần làm tổn hại lợi ích Mỹ nên không được phép nhập cảnh vào nước này.

Xuất khẩu Mỹ - Hồng Kông

Thuế quan Mỹ áp đặt với hàng hóa đại lục nay cũng có hiệu lực với hàng hóa Hồng Kông, kể cả thuế ban hành lúc thương chiến.

Giấy phép miễn trừ cho xuất khẩu hoặc tái xuất đến Hồng Kông rồi chuyển qua đại lục đều bị thu hồi, xuất khẩu mặt hàng quân sự bị cấm.

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp - An ninh (BIS) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, ở giai đoạn 2016 - 2018 Mỹ xuất 400 - 500 triệu USD hàng thuộc diện kiểm soát xuất khẩu sang Hồng Kông mỗi năm (chủ yếu là sản phẩm viễn thông và bảo mật thông tin, thiết bị điện tử).

Mỹ nằm trong số đối tác thương mại hàng đầu của đặc khu. Năm 2019 tổng giao dịch hàng hóa song phương đạt gần 67 tỷ USD.

Về hàng quân sự, một nguồn tin cho biết cảnh sát Hồng Kông không chỉ dựa vào nguồn cung Mỹ. Vũ khí họ sử dụng đến từ nhiều nguồn trong đó có đại lục.

Mỹ nằm trong số đối tác thương mại hàng đầu của đặc khu - Ảnh: SCMP

Hợp tác giáo dục và nghiên cứu

Chính quyền Washington sẽ từng bước chấm dứt chương trình trao đổi Fulbright cho phép sinh viên từ Hồng Kông lẫn đại lục sang Mỹ và ngược lại. Từ năm 1996 đến nay đã có 173 người Hồng Kông tham gia.

Viện Khoa học tín hiệu Trái Đất - Vũ trụ thuộc đại học Trung văn Hồng Kông (ISEIS) cũng không được hưởng đối xử đặc biệt nữa. Sắc lệnh hành pháp viết rằng hợp tác nghiên cứu khoa học Trái Đất giữa ISEIS với Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đã kết thúc. Đại học Trung văn cho biết bản ghi nhớ hợp tác vừa hết hạn tháng 11 năm ngoái và họ không gia hạn.

Thỏa thuận dẫn độ

Chắc chắn sẽ bị đình chỉ. Theo số liệu chính thức, Sở Tư pháp Hồng Kông giai đoạn 2015 - 2018 nhận 7 yêu cầu dẫn độ từ Mỹ (giải quyết 2 yêu cầu).

Liệu Mỹ có trao cơ chế tị nạn cho người Hồng Kông?

Chính quyền Washington từng cam kết đón nhận một số lượng nhất định người Hồng Kông xin tị nạn, số này nằm trong hạn ngạch tối đa được thiết lập bởi cơ chế thường niên gọi là Quyết định của Tổng thống (dựa trên quan ngại về nhân đạo). Nhưng mọi chuyện còn tùy thuộc vào tính khả thi và nhất quán với luật hiện hành.

Dưới thời Tổng thống Trump, hạn ngạch này bị cắt giảm mạnh: Từ 110.000 năm 2017 xuống còn 18.000 năm 2020.

Sau khi Tổng thống Trump ra sắc lệnh hành pháp, chính quyền Washington có 15 ngày để sửa đổi các quy định.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắc lệnh tước cơ chế đặc biệt dành cho Hồng Kông đem lại thay đổi gì?