Nhà thờ Cù Lao Giêng là nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên. Công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1879, là 1 trong những giáo xứ lớn và lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ. Và đây cũng chính là điểm đến thu hút người dân trong đêm đón giáng sinh hàng năm.

Rộn ràng không khí đón giáng sinh ở nhà thờ cổ Cù Lao Giêng

Tô Văn | 22/12/2020, 12:44

Nhà thờ Cù Lao Giêng là nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên. Công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1879, là 1 trong những giáo xứ lớn và lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ. Và đây cũng chính là điểm đến thu hút người dân trong đêm đón giáng sinh hàng năm.

Ngày Lễ Giáng sinh đang đến gần, không khí hân hoan, rộn ràng, đang tràn ngập khắp xứ đạo Cù lao Giêng (ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang). Khắp các nẻo đường nơi đây trở nên sạch đẹp, đâu đâu cũng chăng đèn, treo cờ hoa lộng lẫy. Xung quanh nhà thờ Cù Lao Giêng được trang trí ngập tràn những bông tuyết kim tuyến lấp lánh, đèn nhấp nháy với đầy đủ sắc màu hòa cùng tiếng nhạc của những bài hát giáng sinh khiến không khí trở nên rộn ràng hơn.

1.jpg
Nhà thờ Cù Lao Giêng - ngôi thánh đường đầu tiên của xứ Nam Kỳ được trang trí ngập tràn những bông tuyết kim tuyến lấp lánh, đèn nhấp nháy với đầy đủ sắc màu - Ảnh: Minh Lê

Trong khuôn viên nhà thờ, thu hút người dân đến cầu nguyện và chụp ảnh là những hoạt cảnh do các giáo dân địa phương tự tay trang trí như “Tiệc cưới tại Ca na”, “Làng Na-da-ret”, “Hang Balem nơi Chúa sinh”... Các hoạt cảnh này đều mang ý nghĩa nói về sự sinh ra, các hoạt động lớn lên, thời niên thiếu của Chúa Giesu để người dân hiểu thêm về lễ Giáng sinh.

Chị Lê Kim Anh (29 tuổi, ngụ xã Tấn Mỹ, H.Chợ Mới) cho biết, người theo đạo có đức tin vào sự màu nhiệm trong ngày Thiên chúa Giáng sinh. “Vì vậy trong 2 ngày sắp tới, dù bận nhiều việc nhưng cũng tranh thủ về quê để cùng người thân đến nhà thờ cầu nguyện cho gia đình và cộng đồng có 1 mùa giáng sinh an lành, hạnh phúc”, chị Anh bộc bạch.

Đứng chụp ảnh cùng gia đình phía trước khuôn viên nhà thờ Cù Lao Giêng, anh Trương Kỉnh Nhơn (48 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) chia sẻ: “Mặc dù ở xa nhưng gia đình tôi vẫn sắp xếp công việc đến đây từ rất sớm để được chiêm ngưỡng nét đẹp của nhà thờ Cù Lao Giêng về đêm và cảm nhận không khí đón giáng sinh nơi đây”.

2.jpg

Nhà thờ Cồn Phước, xã Mỹ An, H.Chợ Mới, quê hương của cha Phanxico - Trương Bửu Diệp cũng trang trí không thua kém - Ảnh: Minh Lê

Một cán bộ xã Tấn Mỹ, H.Chợ Mới cho biết, những năm gần đây, đời sống của bà con giáo dân tại đây ngày càng được nâng lên. Tình hình an ninh trật tự trong giáo xứ luôn được giữ vững. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển kinh tế.

“Ngày Lễ Giáng sinh là dịp vui chung không chỉ của riêng đồng bào công giáo mà là ngày vui chung của người dân địa phương. Ai ai cũng đều tự nguyện tham gia các công việc chung của giáo xứ để chuẩn bị cho ngày đặc biệt này. Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Lễ Giáng sinh là 1 ngày lễ lớn để các gia đình đoàn tụ, tình đoàn kết lương giáo được thắt chặt thêm”, người này nói.

Nhà thờ Cù Lao Giêng còn có tên gọi khác là Thánh đường Cù Lao Giêng hay Thánh đường Đầu Nước, là 1 nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên. Đây là công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo đẹp nhất xứ Nam Kỳ và lâu đời nhất Việt Nam. Đó là cầu nối giữa các cha truyền đạo bên đất Cao Miên (Campuchia) và Việt Nam.

Đây cũng là trạm trung chuyển các vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt và truyền đạo bằng ghe đò lên miền thượng sang Campuchia. Theo tài liệu còn lưu lại, khoảng năm 1879, dưới triều vua Tự Đức, linh mục Gazignol khởi công xây dựng nhà thờ Cù Lao Giêng.

Đến 10 năm sau (1889) - dưới triều vua Đồng Khánh, công trình được thiết kế theo kiến trúc Roman này mới hoàn thành, trước nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) đúng 3 tháng. Thời linh mục Louis Dũng trông nom giáo xứ, nhà thờ Cù Lao Giêng đã được trùng tu và hoàn thành vào năm 2003. Hiện nay hầm mộ cha Gazignol vẫn ở phía dưới lối đi bên trong nhà thờ.

Còn tại H.Châu Thành, không khí tại ấp Bình An 2, xã An Hòa cũng không thua kém. Trên tuyến đường khoảng hơn 2 km, các nhà dân treo trước nhà kim tuyến lấp lánh, đèn nhấp nháy với đầy đủ sắc màu hòa, nhưng nổi bật nhất là “hang Balem nơi Chúa sinh” được trang trí bắt mắt khiến mọi ánh mắt khi đi ngang qua đây cảm thấy thích thú, hưng phấn.

Tại nội ô TP.Long Xuyên các nhà thờ, các cửa hàng, siêu thị, khu giải trí đều làm hang đá, cây thông, treo đèn nhấp nháy để du khách tận hưởng không khí đêm Giáng sinh sắp đến...

3.jpg
Nhà thờ Năng Gù tại ấp Bình An 2, xã An Hòa, H.Châu Thành như 1 bức tranh tuyệt đẹp - Ảnh: Kỉnh Nhơn

Theo Công an tỉnh An Giang, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, trong đêm Noel sắp đến, công an tỉnh ứng trực 100% quân số, huy động tối đa lực lượng làm xuyên đêm. Trong đó tập trung tuần tra, kiểm soát ở những tuyến địa bàn trọng điểm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn giao thông để giúp người dân đón đêm Giáng sinh vui vẻ, an toàn và tràn ngập hạnh phúc. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộn ràng không khí đón giáng sinh ở nhà thờ cổ Cù Lao Giêng