Đối với khán giả yêu môn nghệ thuật cải lương, NSƯT Giang Châu là một hình tượng lớn của sân khấu cải lương. Ông không có ngoại hình đẹp kiểu như Minh Phụng, Thành Được nhưng giọng ca vọng cổ của ông được người am hiểu xem như là truyền nhân của danh ca Minh Cảnh – rất khỏe và quyến rũ. Chưa dừng lại ở đó, lối diễn suất đầy sáng tạo đã biến ông thành một nghệ sĩ rất đặc trưng không lẫn lộn với bất kỳ một ai khác.

Rơi nước mắt với tuổi già bất hạnh của 'Trùm Sò' Giang Châu

nguyen huy | 06/07/2016, 07:00

Đối với khán giả yêu môn nghệ thuật cải lương, NSƯT Giang Châu là một hình tượng lớn của sân khấu cải lương. Ông không có ngoại hình đẹp kiểu như Minh Phụng, Thành Được nhưng giọng ca vọng cổ của ông được người am hiểu xem như là truyền nhân của danh ca Minh Cảnh – rất khỏe và quyến rũ. Chưa dừng lại ở đó, lối diễn suất đầy sáng tạo đã biến ông thành một nghệ sĩ rất đặc trưng không lẫn lộn với bất kỳ một ai khác.

Vai diễn Trùm Sò trong vở tuồng Ngao Sò Ốc Hến là một ví dụ điển hình cho phong cách ca diễn độc và lạ của Giang Châu. Từ đây, cuộc đời nghệ thuật của ông gắn chặt với cái tên Trùm Sò cho dù trước đó ông rất thành công với vở Tiếng hò sông hậu, và Tìm lại cuộc đời. Trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, ông từng có cuộc sống rất dư dả và thư nhàn. Thế nhưng khi bước qua tuổi 60 cuộc đời ông gặp nhiều sóng gió mà nếu không mạnh mẽ có khi ông đã ngã quỵ.

Từ đứa chăn trâu trở thành anh kép hát

Nghệ sĩ Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu. Ông sinh năm 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Vì nhà nghèo nên từ nhỏ ông đã đi chăn trâu, làm mướn để mưu sinh. Nhưng đồng thời ông sớm thể hiện năng khiếu thiên ca hát bẩm sinh.Tầm 14-15 tuổi, ông bỏ việc chăn trâu mà chuyển sang làm tài công lái tàu cho chủ tàu là ông Hai Đực, một người biết đờn. Từ đây ông bắt đầu làm quen với bài bản đờn ca tài tử. Ông được thầy khen có giọng hát hay như Minh Cảnh.

Sau Tết Mậu Thân 1968, nhân một bữa đội văn nghệ quận về hát tại ấp nhà, một người bạn giới thiệu Giang Châu lên hát mấy bài vọng cổ. Người có trách nhiệm văn thể mỹ có mặt trong buổi văn nghệ ấy khoái giọng ca của ông, đã tuyển chọn ông hát ở đội văn nghệ quận. Đó là lần đầu tiên Giang Châu chính thức trở thành người ca hát có lương. Sau đó, ông trốn nhà theo đoàn hát cải lương Phước Châu (gốc là đoàn hát bội của bầu Nhàn ở miệt Trà Ôn). Thời gian sau ông đầu quân cho nhiều gánh hát khác. Thời điểm này giọng hát vang khỏe và hơi dài của ông tạo ấn tượng đặc biệt với công chúng, nhưng Giang Châu vẫn chưa trở thành một cái tên lớn.

Năm 1968, ông theo gánh hát cải lương Hương Mùa Thu. Tại đây ông bắt đầu được giao những vai quan trọng. Đến năm 1975, gánh hát Hương mùa thu ngưng hoạt động, tạm thời giải tán như tất cả các đoàn hát tư nhân lúc bấy giờ. Giang Châu và vợ ông là nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền về quê tạm rời xa sân khấu. Đến cuối năm 1975, Giang Châu gia nhập đoàn cải lương Saigòn 2. Ở đây, nhờ có lối ca vọng cổ dài hơi và lối diễn xuất sống động nên ông nổi tiếng qua vai Trần Hùng trong tuồng cải lương Tìm lại cuộc đời.

Sau đó, nghệ sĩ Giang Châu lại thành công rực rỡ qua vai Thừa trong tuồng Tiếng hò sông Hậu. Giang Châu đã diễn vai một người nông dân bộc trực, đi chân đất, mặc áo không cài nút, hút thuốc rê vấn như một người nông dân chính hiệu. Dáng dấp cục mịch, lời ăn tiếng nói nghe rặc giọng nói của người miền quê sông nước, cùng giọng ca vọng cổ mùi mẫn ông đã làm khán giả say mê.

Đến vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến cái tên Giang Châu vụt sáng thành một ngôi sao trên bầu trời cải lương. Với lối diễn quá lạ và quá độc đáo, ông khiến cho khán giả vừa ghét cái tính ích kỷ keo kiệt và ác độc, lại vừa cười lăn cười bò trước những tình huống hài duyên dáng. Vai diễn này thành công đến mức, cho đến hiện chưa có ai đóng thế vai Trùm Sò mà khiến khán giả hài lòng như Giang Châu.

Nhớ lại thời hoàng kim của mình, Giang Châu hồi tưởng: “Thập niên 1980 cải lương rất thịnh và vở Ngao Sò Ốc Hến được xem là một trong những vở tuồng ăn khách nhất trong thời điểm đó. Tôi chạy show lu bù không có ngày nghỉ. Thậm chí tết nhứt cũng đón năm mới trên sân khấu. Đời sống của nghệ sĩ cải lương vì thế mà rất dễ thở, có của dư của để”.

NSƯT Giang Châu (trái) trong vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến

Đi hát đám ma,hội chợ lôtô

Đến đầu thập niên 1990 cải lương sa sút. Cái tên Giang Châu dần dần ít được nhắc đến. Ông gom góp tiền hùn với nghệ sĩ Dương Thanh mở quán rượu mưu sinh. Nghe Giang Châu mở quán khán giả hâm mộ và đồng nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Quán đông khách nhưng được một thời gian đóng cửa vì ai đến cũng muốn được cụng ly với nghệ sĩ mà họ yêu mến. Thời gian đầu ông còn hăng hái, nhưng sau tiếp rượu nhiều quá sức khỏe ông sa sút. Chịu không thấu tình cảm kiểu này ông nhường quán lại cho nghệ sĩ Dương Thanh.

Cả cuộc đời làm nghệ thuật ông không biết làm gì khác để mưu sinh. Để nuôi gia đình ông chấp nhận đi hát show đám cưới. Khoảng thời gian đầu tiên đối với ông thực sự là một sự đấu tranh nội tâm khủng khiếp. Ông tâm sự: “Người nghệ sĩ nào cũng muốn được hát trên thánh đường sân khấu, và tôi đã sống dưới hào quang của nghệ thuật đã lâu nên khi hát trong không gian người ta ăn uống là chính mà nghe hát là phụ, tôi tủi thân. Nhưng nếu không hát thì lấy gì nuôi con”.

Sự khó khăn chất chồng nên ông nhận thêm show hát sinh nhật và đám ma. Nghệ sĩ tên tuổi mà hát trong khung cảnh buồn thảm như đám tang khỏi phải nói cay đắng đến mức nào. Lạ thay khi hát đám tang ông có phần an ủi hơn đám cưới. Bởi vì, trong hoàn cảnh này chủ gia chú ý và trân trọng tiếng hát của ông. Vì thế mà Giang Châu có câu trào lộng về đời nghệ sĩ qua thời hoàng kim rằng “hát đám ma vui hơn đám cưới”.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn chấp nhận lời mời đi hát ở các hội chợ, lôtô tổ chức ở các tỉnh. Ai cũng hiểu nơi tổ chức hội chợ là những bãi đất trống, hoặc là sân banh địa phương. Nơi mà khán giả đến tham quan vui chơi trong không khí khá xô bồ, ồn ào và mất trật tự. Ngôi sao từng đứng trên sân khấu lớn nhất mà hạ mình hát ở những chổ như thế còn nỗi đau nào hơn. Nhận ra mình không thể vì mưu sinh mà đánh đổi tư cách của một người nghệ sĩ đã được khán giả yêu mến, ông đã từ giã loại hình này sau khi gắn bó với nó vài năm. Từ đó, ông chỉ nhận show là những đám tiệc mà khách mời phải là những người thực sự yêu quý nghệ thuật cải lương. Ông an phận trong vai trò này cho đến hiện tại.

NSƯT Giang Châu và cháu ngoại

Cú sốc cuộc đời và tuổi già không bình yên

Cuộc sống mưu sinh tuy có khó khăn nhưng bù lại Giang Châu có hai con ngoan và hiền. Người con trai Thế Sơn thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha đã sớm bộc lộ tài năng. Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, anh luôn được giao những vai tính cách mà ở đó anh bộc lộ được duyên hài khiến khán giả yêu thích. Khi sự nghiệp nghệ thuật đang bắt đầu chớm nở thì Thế Sơn đột ngột ra đi vì căn bệnh ung thư não. Trong đám tang của con, nghệ sĩ Giang Châu tỏ ra bình tĩnh. Giọng nói của ông vẫn rổn rảng như bình thường. Nhưng sâu thẳm bên trong cái vẻ ngoài bình tĩnh đó, ai cũng hiểu ông đang trong tận cùng nỗi đau. Nỗi đau của người cha, người tóc bạc khóc tiễn kẻ tóc xanh.

Sự mất mát này đã khiến nghệ sĩ Ngọc Hiền – vợ NSƯT Giang Châu phải tìm cửa Phật để quên thực tại nghiệt ngã. Nỗi buồn mất đi người con truyền nhân chưa hết thì nỗi buồn khác lại đến. Con gái lớn của ông vốn cũng dấn thân vào nghệ thuật trong vai trò đạo diễn. Sau này, chị chuyển sang làm kinh doanh. Vì non kinh nghiệm nên số tiền vốn gần 3 tỷ đồng đã tan thành mây khói. Ở tuổi ngoài 60, cái tuổi lẽ ra phải vui thú điền viên. Hơn nữa đây là giai đoạn show diễn không còn nhiều như trước nhưng NSƯT Giang Châu phải cố gắng đi hát kiếm tiền để nuôi 3 cháu ngoại còn thơ trẻ.

Nếu là một người khác có lẽ những cú sốc liên tiếp ập đến như thế rất có thể khiến họ quỵ ngã. Nhưng với NSƯT Giang Châu ông vẫn xem mọi thứ là một cơn gió thoảng. Ông bộc bạch :“Tôi biết nhiều người nhìn vào tôi thương cảm cho tôi lắm. Nhưng tôi thấy mình cần phải đứng vững vì con, vì cháu. Nếu bây giờ tôi ngã quỵ thì các cháu sẽ rất khổ”.

Ý chí này đã giúp ông đứng vững. Thậm chí càng về sau này, Giang Châu càng tôn trọng cái nghiệp nghệ sĩ mà ông đã vươn mang hơn 40 năm. Cho dù không có show diễn nhưng ông bầu hay đạo diễn nào mời ông tham gia chương trình, ông đều bàn thảo cụ thể. Nếu phù hợp ông mới nhận lời, còn không thì xin khất. Lý do xuất phát từ việc ông được mời tham gia các trích đoạn mà ông đã từng thành danh. Nhưng lối tư duy nghệ thuật của lớp nghệ sĩ trẻ không phù hợp với tố chất của ông. Ông không hài lòng với vai diễn của mình trong cảm giác cách làm mới đã đánh mất cái hay vốn có của nó.

Đối với ông, nếu được mời đóng tuồng lớn mà không hay thà là đi hát show đám cưới còn hơn. Bởi như thế khán giả không thất vọng với chính hình ảnh thần tượng của mình. Giờ đây, ông chỉ mong rằng mỗi tháng ông được mời từ 3 đến 4 show đám tiệc. Chừng đó thôi cũng có thể giúp ông nuôi 3 cháu ngoại đủ ăn, tiền đi học. Giấc mơ ấy chắc chắn chỉ là một giấc mơ bình dị nếu không muốn nói là khiêm tốn của một nghệ sĩ lớn. Thế nhưng với NSƯT Giang Châu: Biết đủ là đủ, và biết chấp nhận để cuộc sống nhẹ nhàng hơn....

Bài và ảnh: Nguyễn Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rơi nước mắt với tuổi già bất hạnh của 'Trùm Sò' Giang Châu