Các cuộc đàm phán đang tăng tốc, về việc giao tàu tuần tra hải quân Ấn Độ cho Việt Nam. Một quan chức Ấn nói đây là cuộc chuyển giao quân sự đầu tiên có ý nghĩa cho Việt Nam cải thiện khả năng phòng thủ trên biển Đông, nơi mà Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc (TQ).

Reuters: Ấn Độ sắp giao 4 tàu tuần tra cho VN để phòng thủ trên biển Đông

Một Thế Giới | 28/10/2014, 16:02

Các cuộc đàm phán đang tăng tốc, về việc giao tàu tuần tra hải quân Ấn Độ cho Việt Nam. Một quan chức Ấn nói đây là cuộc chuyển giao quân sự đầu tiên có ý nghĩa cho Việt Nam cải thiện khả năng phòng thủ trên biển Đông, nơi mà Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc (TQ).

Theo hãng tin Reuters, 4 tàu tuần tra sẽ được cấp cho Việt Nam, cũng là cách để chính phủ Ấn tạo đối trọng với tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khu vực Nam Á, bằng cách Ấn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Ngày 28.10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Narendra Modi. Đây  là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, từ khi ông Modi nhậm chức hồi tháng 5 với lời hứa chuyển hóa Ấn thành một cường quốc về kinh tế và quân sự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói hợp tác quốc phòng với Ấn Độ sẽ là trọng tâm trong mối quan hệ chiến lược song phương.

Khi trả lời câu hỏi của báo Economic Times của Ấn, về kế hoạch mở rộng hợp tác an ninh của ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp:

“Trong chuyến thăm này, tôi sẽ nói chuyện với lãnh đạo Ấn về các đường hướng chính, các biện pháp cụ thể để quảng bá hợp tác song phương”.

Một quan chức Ấn Độ nói các cuộc đàm phán để giao nhận số tàu tuần tra biển đang tăng tốc, từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ hồi tháng trước, đã tuyên bố cho Việt Nam vay 100 triệu USD để chi phòng thủ.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đạt tiến bộ sớm khi các cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa Việt Nam và phía cung ứng quốc phòng của chúng tôi”, theo quan chức tham gia các cuộc nói chuyện song phương này.

Reuters nêu Việt Nam muốn có các tàu này để tuần tra vùng biển và quanh các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông, nơi Việt Nam đang xây dựng lực lượng đề phòng TQ bằng các tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất.

Hiện TQ dang ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông giàu tài nguyên, khiến xảy ra tranh chấp với Việt Nam và Pilippines, Brunei, Đài Loan và Malaysia.

Bắc Kinh từng đưa trái phép giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 vào vùng độc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, buộc Việt Nam phải đưa tàu cảnh sát biển ra yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi EEZ của Việt Nam, nhưng mỗi lần như thế, tàu Việt Nam đều bị tàu TQ lớn hơn lao đến đâm va, thậm chí đâm chìm ít nhất một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.

Ngày 27.10, Việt Nam-TQ hàn gắn quan hệ, các quan chức cấp cao đồng ý sử dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp hiện có để tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh chấp biển đảo.

Ấn-Việt từ lâu có quan hệ phòng thủ nhưng chỉ ở các cuộc giao lưu quân sự, huấn luyện, bảo trì phần cứng quân sự do hai nước đều sử dụng nhiều khí tài quân sự gốc Liên Xô.

Công tác huấn luyện đã được nâng cao hơn, từ khi hải quân Việt Nam tiếp nhận hai chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo từ Nga.

Hiện Ấn đang huấn luyện chiến đấu dưới biển cho thủy thủ tàu ngầm Việt Nam, tại tàu ngầm huấn luyện INS Satavahana ở thành phố Vishakapatnam (nam Ấn) kể từ tháng 10.

Hải quân Ấn đã từng sử dụng lớp tàu ngầm này hồi những năm 1980.

Theo Reuters, TQ trước đây chỉ trích Ấn hợp tác với Việt Nam về mảng dầu khí, nói công ty nhà nước ONGC của Ấn hoạt động thăm dò trong vùng biển Việt Nam là phi pháp.

Việc Ấn-Việt hợp tác phòng thủ mạnh hẳn sẽ càng khiến TQ lo ngại hơn.

Nhưng các quan chức quân sự Ấn nói Bắc Kinh cũng cung cấp vũ khí cho các láng giềng của Ấn, từ Pakistan đến Sri Lanka, gần đây cho cả quần đảo Maldives.

Bên cạnh đó, họ nói việc Ấn giao tàu tuần tra biển cho Việt Nam không nguy hiểm cho bằng việc  TQ giao tên lửa cho Pakistan.

Cựu thiếu tướng P.K. Chakravorty, từng là tùy viên quân sự ở Sứ quán Ấn tại Hà Nội, nói: “Các tàu tuần tra biển này thật sự có mục đích kép. Bạn có thể sử dụng chúng để chống hải tặc cũng như vì các mục đích quân sự”. 
>>Trung Quốc nuôi tham vọng đóng tàu sân bay hạt nhân
>>Trung Quốc xuống nước với Việt Nam, nhưng chỉ nói mà không làm
Trần Trí (theo Reuters) 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Reuters: Ấn Độ sắp giao 4 tàu tuần tra cho VN để phòng thủ trên biển Đông