Đó là lời khẳng định của bí thư chi bộ thôn Nhân Nam (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) và các thợ lặn.

Rạn san hô khổng lồ ở Quảng Bình đã chết

1 | 07/05/2016, 08:14

Đó là lời khẳng định của bí thư chi bộ thôn Nhân Nam (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) và các thợ lặn.

“Rạn san hô đã bị phá hủy trong các đợt cá chết vừa qua. San hô là nhà của các loài thủy, hải sản biển. San hô chết, nhiều loài khác chết theo” - chiều 6-5, ông Hồ Văn Sơn, Bí thư chi bộ thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, buồn bã nói với chúng tôi.

Trưởng thôn Nhân Nam, ông Phạm Văn Khiển, cho biết thêm: Các ngư dân lặn biển phát hiện xác cá nằm dày đặc dưới đáy biển trước thôn. Lượng cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình trong ba đợt vừa qua cũng không nhiều bằng.

Để chứng minh thông tin trên, các thợ lặn ở thôn Nhân Nam đã mời một số PV ra vùng biển cách bờ khoảng 2-3 hải lý, nơi có rạn san hô khổng lồ phía dưới. Thợ lặn Phạm Văn Thùy nhảy ùm xuống nước, chừng ba phút sau đã đưa lên hơn chục xác cá đang phân hủy. “Đây chỉ là một lượng rất ít xác cá còn nguyên vẹn, số còn lại bị phân hủy nhiều. Tôi cũng thấy nhiều ốc biển, vẹm biển chết dưới đó” - anh Thùy mô tả.
Trên hành trình từ bờ ra tới khu vực lặn, chúng tôi đi qua nhiều vùng nước có mùi hôi thối rất khó chịu. Anh Thùy cho hay chưa bao giờ biển có mùi như vậy, ra tới đây thả lưới một lát là cá, tôm đầy ghe. Nhưng nay thả lưới xuống toàn dính xương cá hoặc cá chết, họa hoằn lắm mới được vài con cá chai, cá đục còn sót lại.

Ra cách chỗ lặn đầu tiên chừng 200 m, các thợ lặn xuống biển một lát rồi đưa lên nào nhím biển, vẹm biển, ốc biển, cá biển đủ loại và cả san hô đã chết, bốc mùi thối nồng nặc. Thợ lặn Phạm Văn Quy thở dài: “Cả vùng san hô rất rộng nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng một loài sinh vật biển nào còn hoạt động. Khung cảnh trông như một nghĩa địa khổng lồ dưới đáy biển”.

Ông Nguyễn Hơn, thôn Khối, xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nói thêm rạn san hô này nằm cách bờ 1-6 hải lý, kéo dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Khu vực này trước kia nước trong vắt còn bây giờ có màu rất lạ, mùi nước thối và tanh, bùn cũng khác trước kia. Các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần cho lấy mẫu nước ở đó để xét nghiệm nhằm có câu trả lời rõ ràng.

Đáng chú ý, nhiều ngư dân cho hay lưới đánh cá thả ở vùng rạn thường rất bẩn, đen sì. Nhưng vừa rồi, họ thả lưới xuống khu vực này chừng một đêm, khi kéo lên thì lưới trắng tinh như vừa được ngâm trong chất tẩy rửa (!?).

Trước những thông tin trên, ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết đã chỉ đạo UBND tỉnh cho các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan trung ương, các tổ công tác trung ương tiến hành lấy mẫu nước, sinh vật chết đem đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Từ đó kịp thời có biện pháp vệ sinh tổng thể môi trường biển.

Minh Quê - Pháp luật TP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rạn san hô khổng lồ ở Quảng Bình đã chết