Những thiết bị di động rẻ tiền hết dùng, thậm chí nhỏ nhất là những chiếc SIM điện thoại khuyến mãi cũng sẽ là thảm họa môi trường.

Rác công nghệ và hiểm họa từ những chiếc SIM giá rẻ

1 | 24/07/2016, 08:05

Những thiết bị di động rẻ tiền hết dùng, thậm chí nhỏ nhất là những chiếc SIM điện thoại khuyến mãi cũng sẽ là thảm họa môi trường.

Trên những vỉa hè TP xuất hiện các điểm bán SIM di động với những tấm bảng khuyến mãi đập vào mắt ông đi qua bà đi lại “Mua 1 SIM 199.000 đồng, tặng 1 chiếc điện thoại di động”. Mặt phải của những chiếc điện thoại di động rẻ tiền và những chiếc SIM khuyến mãi là giúp cho người có thu nhập thấp giờ cũng có thể a lô tưng bừng. Còn mặt trái của chúng là nguy cơ của ô nhiễm môi trường, của những mối nguy hiểm tới sự an toàn và sức khỏe con người.

Hiểm họa từ những món hàng giá rẻ

Rác điện tử là một trong những mặt trái của thời đại công nghệ. Việc xử lý rác điện tử là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là ở các nước kém phát triển. Và vấn đề đang ngày càng lớn, càng nguy cấp hơn. Bởi lẽ ngày nay rác điện tử không còn chỉ là xác những loại thiết bị điện tử cũ bị thải loại hay những món thiết bị đã qua sử dụng (second hand), mà bao gồm cả các loại thiết bị điện tử rẻ tiền đang tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm, có mặt trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Nói một cách đơn giản là cứ mỗi thiết bị điện tử được xuất xưởng, thế giới lại có thêm một nguy cơ cho môi trường sống.

Tất cả thiết bị điện tử khi còn hoạt động được đem lại nhiều lợi ích cho con người, hoặc giúp đỡ đần tay chân trong công việc, hoặc cung cấp những phương tiện giải trí, vừa làm cho công việc được thoải mái hơn. Nhưng từ chỗ là bạn đồng hành thậm chí đầu ấp tay gối, chúng quay ngoắt thành kẻ thù của con người khi không còn sử dụng được nữa, trở thành rác điện tử. Các thiết bị cao cấp do những hãng lớn sản xuất với vật liệu và công nghệ chuẩn mực thì còn đỡ hơn. Mối nguy lớn nhất đến từ những thiết bị rẻ tiền, đặc biệt của các nhà sản xuất cấp… “tổ dân phố”.

Ở đây chúng tôi chỉ sơ sơ “chào hàng” vài món thông dụng để chúng ta có thể hình dung ra nguy cơ của những thiết bị điện tử không còn sử dụng được nữa. Những chiếc đèn hình (cathode ray tube) trong tivi, màn hình máy tính,… thường được xử lý bằng cách đập vỡ rồi vùi lấp. Hậu quả là chì, barium và những kim loại nặng khác ngấm xuống mạch nước ngầm và thải ra chất phốtpho độc hại. Những chiếc bản mạch in (PCB) thường được gỡ con chip ra rồi bẻ gãy, đốt bỏ hay “tắm” acid để lấy các loại kim loại. Hậu quả là gây ô nhiễm không khí, đầu độc các dòng sông bởi bụi kính, thiếc, chì, brominated dioxin, beryllium cadmium, thủy ngân,… Những con chip xử lý và những linh kiện được mạ vàng thường được xử lý bằng hóa chất để thu hồi vàng hay đốt bỏ. Hậu quả là những chất PAH, kim loại nặng,… gây ô nhiễm không khí và khi được thải trực tiếp vào các dòng sông thì gây acid hóa đầu độc thủy sản và các thảm sinh vật. Thiếc và chì làm ô nhiễm mặt đất và nước ngầm. Nhựa của vỏ thiết bị, bàn phím,… thường được nấu chảy để tái sử dụng. Hậu quả là gây ô nhiễm với những chất độc hại như brominated dioxin, hydrocarbon, kim loại nặng,… Dây cáp, dây điện thường được đốt hay xử lý lấy đồng. Hậu quả là thải các chất ô nhiễm PAH vào không khí, nước, đất cát,… Nói chung là bất cứ thứ gì trong các thiết bị điện tử cũng đều nguy hại khi trở thành rác thải.


Những công trường rác thải

Theo một báo cáo chuyên đề về rác điện tử của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), số lượng rác điện tử, bao gồm điện thoại di động và máy tính, có thể tăng tới 500% trong vòng một thập niên tới ở một số nước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất thế giới (chiếm tới 2,6 tỉ người trong tổng số 7,4 tỉ dân hành tinh) cũng đồng thời là hai đại công xưởng gia công hàng điện tử cho toàn cầu, vừa là nguồn rác điện tử, vừa là bãi rác điện tử lớn nhất. Ước tính mỗi năm có 50 triệu tấn rác điện tử thải ra trên thế giới. Mỹ đứng đầu bảng thải rác điện tử, khoảng ba tấn/năm. Trung Quốc đứng thứ nhì (năm 2010 ước khoảng 2,3 triệu tấn). Chẳng hạn, theo từ điển bách khoa Wikipedia, mỗi năm Mỹ thải bỏ khoảng 30 triệu chiếc máy tính, châu Âu xả rác khoảng 100 triệu chiếc điện thoại di động.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) ước tính chỉ có 15%-20% rác thải là được tái chế. Phần còn lại được chôn lấp hay chất đống trên mặt đất hoặc đốt bỏ.

Điều mà nhiều năm nay thế giới vẫn báo động là tình trạng các nước phát triển “đổ rác điện tử” ở các nước đang phát triển. Rác thải điện tử vốn đòi hỏi quy trình xử lý đặc biệt, vừa phức tạp trong các phương pháp xử lý, vừa tốn kém trong đầu tư. Vấn đề trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm khi các nước đang phát triển nói chung là không đáp ứng được các yêu cầu xử lý rác điện tử. Hậu quả là rác điện tử được xử lý theo kiểu thủ công, xử lý thô giống như rác thông thường.

Thử nhìn sang Trung Quốc. Mặc dù nhà nước đã có lệnh cấm nhập khẩu rác điện tử, nước này thực tế vẫn là một bãi rác điện tử chính cho các nước phát triển. Thị trấn Quý Tự (Guiyu) ở tỉnh Quảng Đông từ nhiều năm nay được gọi là “thủ phủ rác điện tử của thế giới”. Từ một nơi làm nông nghiệp, vào giữa thập niên 1990, Quý Tự trở thành một trung tâm tái chế rác điện tử với hơn 75% số gia đình tham gia. Nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lao động tứ xứ đổ tới. Tất nhiên, rác thải điện tử được xử lý thô. Hậu quả là gây ô nhiễm môi trường kinh khủng và người dân bị nhiễm độc nặng nề.

Những trung tâm xử lý rác thải điện tử “lầy” như Quý Tự cũng có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới như Nigeria, Ghana, Ấn Độ, Philippines,…

Doanh nghiệp phải tham gia xử lý rác thải

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, có hiệu lực kể từ 15-7-2015. Theo đó các nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;... Người tiêu dùng cũng có trách nhiệm tự chuyển rác điện tử đến địa điểm tập kết hoặc giao các sản phẩm thải loại cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý theo quy định....

Phạm Hồng Phước (Pháp luậtTP.HCM)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rác công nghệ và hiểm họa từ những chiếc SIM giá rẻ