Bộ Công Thương sẽ không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối và tiếp tục đề xuất làm hơn 2.360 MW điện mặt trời.

Quy hoạch điện 8: Loại 6.800 MW nhiệt điện than, làm tiếp 2.360 MW điện mặt trời

Tuyết Nhung | 17/10/2022, 11:00

Bộ Công Thương sẽ không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối và tiếp tục đề xuất làm hơn 2.360 MW điện mặt trời.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình 6328 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Theo đó, Bộ này đã không đưa 6.800 MW nhiệt điện than của 5 dự án nhiệt điện vào cân đối. 5 dự án này đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).

nhiet-dien-than-1006(1).jpg

Bộ Công Thương đã làm việc với 5 chủ đầu tư các dự án trên và yêu cầu chủ đầu tư các dự án nêu trên nếu không dừng dự án, phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất 30.10.2022. Tuy nhiên, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, Bộ Công Thương cho rằng việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn.

Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối. Nhưng để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng, chấm dứt các dự án.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.

Cụ thể từng dự án, Bộ này cho biết, dự án Sông Hậu 2 (2.000 MW) được Chính phủ giao Tập đoàn Toyo In Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư từ tháng 3.2013. Các hợp đồng của dự án đã được ký kết vào tháng 12.2020, đã có hiệu lực pháp lý. Chủ đầu tư đã thanh toán cho UBND tỉnh Hậu Giang 343,25 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, dự án chưa hoàn thành thu xếp vốn, đang đề nghị được gia hạn ngày đóng tài chính bắt buộc thêm 12 tháng, đến tháng 6.2023.

Dự án Vĩnh Tân III có quy mô công suất 1.800 MW, chủ đầu tư là tổ hợp gồm OneEnergy Ventures Limited (Hồng Kông, Trung Quốc), sở hữu bởi Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và CLP Holdings Ltd. (Hồng Kông), Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific).

Thủ tướng đã đồng ý đề xuất của tổ hợp nhà đầu tư về việc Pacific xin rút khỏi dự án, tuy nhiên thủ tục chưa hoàn thành. Dự án đã được phê duyệt FS và các tài liệu dự án đã được ký tắt vào tháng 12.2020, đang tìm phương án thay đổi các cổ đông sở hữu và đàm phán thu xếp vốn.

Dự án điện than Nam Định 1 (1.200 MW) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4.2017, hiện cũng tìm nhà đầu tư mới thay thế sau khi một cổ đông ngoại rút vốn.

Khó khăn nhất là dự án điện than Quảng Trị (1.200 MW), được Chính phủ giao cho chủ đầu tư - Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) từ tháng 8.2013. Tuy nhiên, dự án này gặp khó về thu xếp vốn, nên đang dừng đàm phán các hợp đồng triển khai.

Dự án nhiệt điện Công Thanh (600MW) không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị chuyển đổi sang sử dụng LNG, tăng công suất lên 1.500 MW. Bộ Công Thương cho biết, dự án này không được cân đối trong cơ cấu nguồn điện than của Quy hoạch điện 8, nhưng vẫn giữ trong danh mục. Việc chuyển đổi dự án này sang điện khí LNG sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lại đề nghị chấp thuận nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW. Điều kiện được tiếp tục triển khai là các dự án đó phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng… Nếu vi phạm, sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ dự án theo quy định pháp luật.

Đồng thời, các dự án này cũng chỉ được phép triển khai phù hợp hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của toàn hệ thống điện quốc gia (Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán kiểm tra từng dự án).

Hiện còn khoảng 6.565 MW điện mặt trời có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhưng chưa vận hành. Một số dự án có trong quy hoạch đã được chấp thuận nhà đầu tư, triển khai thực tế, công suất 2.428 MW. Hồi tháng 8, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện tiếp số dự án này tới năm 2030. Số còn lại chưa có nhà đầu tư, trên 4.136 MW, thì chưa triển khai tiếp trước 2030.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20.8 vừa qua, Tổng thanh tra Chính phủ nêu ý kiến chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện 8 những dự án đã hoàn thành nhưng chưa xác định giá bán điện, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang thi công... với tổng công suất 636 MW.

Bài liên quan
Liên doanh nước ngoài làm nhiệt điện than hơn 2 tỉ USD tại Nam Định
Dự án BOT Nhiệt điện Nam Định 1 do Công ty TNHH Điện Lực Nam Định thứ Nhất làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch điện 8: Loại 6.800 MW nhiệt điện than, làm tiếp 2.360 MW điện mặt trời