Hãng tin AP nhận định Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) sẽ gây xáo trộn thị trường cà phê toàn cầu. Một số quốc gia như Việt Nam, Brazil sẽ hưởng lợi.
Lê Văn Tâm chẳng lạ gì với biến động bất thường của thương mại toàn cầu có thể quyết định vận mệnh của nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ. Ông bắt đầu trồng cà phê trên một mảnh đất bên ngoài thành phố Buôn Ma Thuột từ năm 1995. Trong nhiều năm nông dân này chú trọng số lượng thay vì chất lượng, nhưng giá cả toàn cầu mới quyết định kết quả kinh doanh của ông.
Đến năm 2019, nông dân Tâm hợp tác với Aeroco Coffee (đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm hữu cơ sang châu Âu và Mỹ) và áp dụng phương pháp trồng trọt bền vững hơn, biến vườn của mình thành khu rừng ngập nắng. Cây cà phê mọc cạnh cây me để bổ sung ni tơ cho đất cũng như hỗ trợ cây tiêu đen. Cỏ giúp giữ ẩm cho đất và xen canh góp phần ngăn chặn sâu bệnh. Cây tiêu còn đem lại thêm thu nhập.
“Sản lượng không tăng nhưng giá trị nông sản tăng”, nông dân Tâm chia sẻ.
Vào những năm 1990, hàng nghìn nông dân Việt Nam trồng hơn 1 triệu héc ta cà phê (chủ yếu là robusta) để hưởng lợi từ giá toàn cầu cao. Đến năm 2000 nước này trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Cà phê đóng góp 1/10 thu nhập từ xuất khẩu cho Việt Nam.
Sắp tới Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa với Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Từ ngày 30.12.2024, công ty lớn không thể chứng minh ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, cao su hoặc gia súc của mình không liên quan đến nạn phá rừng thì không được phép bán ở thị trường lục địa già. Hạn chót cho công ty nhỏ là tháng 7.2025.
Phá rừng là nguồn phát thải carbon lớn thứ hai sau nhiên liệu hóa thạch. Ở nhiều nước thường xảy ra tình trạng phá rừng lấy đất trồng nông sản xuất khẩu. Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Global Canopy Helen Bellfield nhận định EUDR nếu được áp dụng tốt có thể giúp cải thiện tình hình, đặc biệt khi tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn trở thành “bình thường mới”.
Tuy nhiên vẫn có khả năng các công ty đem nông sản không đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu sang thị trường khác bán. Nông dân nhỏ lẻ không thể cung cấp dữ liệu trồng trọt mới là đối tượng bị tổn thương. Vì vậy mức độ hiệu quả của EUDR phụ thuộc vào việc liệu quốc gia và công ty có chịu tuân thủ hay không. Các quốc gia cần xây dựng hệ thống đảm bảo truy xuất được nguồn gốc hàng xuất khẩu, nếu không công ty chỉ đành thu mua từ đồn điền lớn đủ sức cung cấp dữ liệu.
Hiện tại đơn đặt hàng cà phê trồng tại Ethiopia đã giảm. Peru cũng khó lòng chứng minh số cà phê và ca ca trồng tại vùng rừng Amazon thuộc nước này đáp ứng tiêu chuẩn.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu cà phê số 1 của Việt Nam, tiêu thụ 40% lượng hàng xuất khẩu. Sáu tuần sau khi EUDR được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai kế hoạch quốc gia về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nơi trồng lẫn cơ chế truy xuất nguồn gốc. Tháng 8 năm ngoái họ khẳng định Việt Nam từ lâu đã thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định EUDR có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Nông dân Tâm cùng Aeroco Coffee rất nhanh chóng thích nghi. Giám đốc Aeroco Coffee Lê Đình Tư cho biết dù chi phí tăng thì họ vẫn có được mức giá tốt nhờ cà phê chất lượng cao. Công ty ông sở hữu nhiều chứng nhận quốc tế về nông nghiệp bền vững, đảm bảo đáp ứng EUDR.
Không dễ để khoảng nửa triệu nông dân nhỏ lẻ tại Việt Nam (chiếm 85% tổng sản lượng) có thể thu thập và cung cấp dữ liệu trồng trọt. Một số gặp khó khăn trong việc sử dụng điện thoại thông minh thu thập tọa độ địa lý. Theo chuyên gia Loan Lê (công ty tư vấn International Economics Consulting) thì đơn vị xuất khẩu nhỏ cần thiết lập hệ thống ngăn chặn hàng không đạt bị trộn chung vào cà phê đạt chuẩn, nông dân cũng cần tài liệu chứng minh bản thân tuân thủ luật pháp quốc gia về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và đảm bảo điều kiện lao động. Hơn nữa chuỗi giá trị từ trồng lấy hạt, thu hoạch đến chế biến đòi hỏi hệ thống kỹ thuật số đảm bảo dữ liệu truy xuất không gặp lỗi.
Giám đốc Bellfield cho rằng quốc giá xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil cũng sẽ hưởng lợi từ EUDR, vì cà phê nước này được trồng ở vùng cách xa rừng và có chuỗi cung ứng tương đối tốt. Một nghiên cứu vừa thực hiện năm nay chỉ ra đa số cà phê Brazil đang xuất khẩu sang châu Âu, Brazil có ít nông dân nhỏ lẻ hơn, khoảng 1/3 diện tích trồng cà phê của nước này sở hữu chứng nhận nông nghiệp bền vững.