Liên quan đến hoạt động của quỹ bình ổn giá xăng dầu và cách điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian gần đây, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long về vấn đề này.
Ngày 7.7 giá xăng vừa tăng lên 418 đồng/lít. Theo lý giải của Bộ Tài chính thì lẽ ra phải tăng 918 đồng/lít, nhưng đã trích quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít và chỉ tăng có 418 đồng. Vậy, với việc trích quỹ bình ổn như vậy người dân thực sự có lợi không, thưa ông?
Người tiêu dùng không có lợi gì cả. Bởi vì quỹ bình ổn chính là tiền của người tiêu dùng đóng vào trước để khi có biến động giá xảy ra thì sử dụng quỹ này để bù đắp lại, không cho giá tăng lên. Có thể hiểu đây chính là tiền tạm ứng trước, sau đó bù vào nên về phía người dân thì không có lợi.
Nếu người dân không có lợi thì tại sao chúng ta vẫn phải duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, thưa ông?
Duy trì quỹ bình ổn xăng dầu là nhằm mục tiêu bình ổn giá, để cho giá xăng dầu không tăng quá cao, từ đó góp phần kiềm chế giá của các mặt hàng khác.
Tuy nhiên, với đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây có thể chỉ khiến CPI tăng một chút, nhưng chúng ta vẫn cần phải tính đến tâm lý của thị trường, vì nhiều mặt hàng sẽ nhân cơ hội này mà tăng theo. Cho nên tăng giá xăng ở bất kỳ thời điểm nào cũng cần phải tính toán cho đủ hết các tác động của nó.
Hiện nay, có rất nhiều quốc gia không có quỹ bình ổn giá nhưng giá xăng dầu của họ vẫn rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như giá xăng dầu ở Mỹ rẻ hơn tại Việt Nam khoảng 4.000 đồng. Tại sao lại có sự trái ngược này, thưa ông?
Tại Mỹ, thị trường xăng dầu là thị trường cạnh tranh thực sự cho nên doanh nghiệp nào cũng phải ép giá bán lẻ xuống sát với giá thành. Còn ở Việt Nam vẫn chưa tạo được thị trường cạnh tranh thực sự nên mới dẫn đến việc giá xăng dầu cao hơn.
Nguyên nhân chúng ta không tạo được thị trường cạnh tranh là bởi vẫn còn một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn. Chẳng hạn như tính đến cuối năm 2013, thị phần của Petrolimex là 47%, PV Oil là 28%, Saigon Petro trên 9%. Điều đó đồng nghĩa với việc một số ít doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường xăng dầu, hay còn gọi là độc quyền nhóm. Từ đó dẫn đến giá xăng dầu hầu như bị chi phối nhiều từ nhóm có thị phần lớn này và bên chịu thiệt đương nhiên là người tiêu dùng.
|
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Vậy chúng ta phải làm thế nào thì mới có thể tạo được thị trường cạnh tranh, thưa ông?
Nếu muốn tạo được sự cạnh tranh thì phải cổ phần hóa lại các "ông lớn", làm cho thị phần của những doanh nghiệp này giảm xuống. Hiện nay, chúng ta rất muốn làm như vậy nhưng vẫn phải làm từng bước một. Trước đây chúng ta chỉ có 13 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng bây giờ đã tăng lên 21 đầu mối, mặc dù chỉ có 10 đầu mối nhập khẩu. Cho nên từ đầu năm đến nay có 9 lần điều chỉnh giá, trong đó có 5 lần tăng, 4 lần giảm mà lần nào cũng tăng nhiều, giảm ít.
Liệu điều này có đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải gánh giá xăng dầu cao ngất ngưởng cho đến khi Việt Nam thực sự tạo được thị trường cạnh tranh xăng dầu, thưa ông?
Hiện giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vẫn được tính dựa trên giá cơ sở. Thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn đang ở mức cao,18%, trong khi Nhà nước có thể giảm khoảng 2% để đảm bảo tính bình ổn giá. Đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay thì cơ chế điều hành phải san sẻ giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tôi cho rằng, cần phải điều chỉnh lại lợi nhuận định mức dựa trên các nghiên cứu dự báo giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải san sẻ gánh nặng quỹ bình ổn giá chứ không nên đặt cả lên vai người tiêu dùng
Để giá xăng dầu giảm thấp hơn, chúng ta cần phải giảm thuế, bởi thu thuế cao nhằm mục đích tăng nguồn thu ngân sách thì chính người dân phải gánh. Hoặc chúng ta cũng có thể giảm giá xăng bằng cách đổi nhà nhập khẩu xăng dầu để giảm chi phí nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên