Tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030, theo hướng cơ bản mở rộng về phía bắc, phía nam và xuống phía biển.
Ngày 1.10, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh, thành phố Quảng Ngãi và đơn vị tư vấn là Công ty CP phát triển Angkora để nghe báo cáo và cho ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030.
Tại cuộc họp, sau khi đánh giá sơ lược về hiện trạng đô thị thành phố Quảng Ngãi, dựa trên ba nền tảng chính là Non (Núi Ấn) - Nước (sông Trà) - Người, đơn vị tư vấn đã đề xuất mục tiêu của thành phố sẽ hướng đến tổng hòa trên 3 lĩnh vực gồm: kinh tế - một nơi chốn thịnh vượng, một vùng đất hấp dẫn, tạo ra sự giàu có; xã hội - một mái nhà, một công việc và một môi trường sống an toàn; và môi trường - bảo tồn đa dạng giống loài, tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng cho tương lai.
Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằngthành phố Quảng Ngãi cần phát triển một cách hài hòa dựa trên 3 cấu phần chính đó là: Cấu phần không gian kinh tế để thu hút các hoạt động kinh doanh và vốn đầu tư; cấu phần không gian sống có khả năng cung cấp các điều kiện tiện ích tốt hơn cho 300.000 cư dân bằng cách tối ưu hóa không gian đô thị để bảo tồn cho tương lai; và cấu phần không gian phát triển du lịch cân bằng dựa trên tự nhiên, văn hóa, lịch sử và tất cả các dịch vụ được cung cấp.
Sự phát triển của 3 cấu phần này kết hợp với hệ thống các dịch vụ công cộng hiệu quả sẽ tạo điều kiện sống và làm việc thuận lợi cho mỗi cư dân của Quảng Ngãi, như một mô hình phát triển bền vững cho tất cả các thành phố tại miền Trung Việt Nam.
Đơn vị tư vấn và các kiến trúc sư tại buổi làm việc
Đồ án đề xuất phát triển trên 3 lớp không gian đô thị: Đô thị mật độ cao bao gồm phần đô thị lịch sử và phần mở rộng về phía nam và phía bắc sông Trà Khúc, được phân chia với các phần còn lại bởi hệ thống giao thông vành đai.
Phần đô thị biển - du lịch phát triển tuyến theo dọc mặt biển từ Tịnh Kỳ đến hết xã Nghĩa An, đây là một dải đô thị đặc sắc xen kẽgiữa các không gian phát triển du lịch là các không gian đô thị biển đặc thù của Quảng Ngãi, dựa trên các di sản thiên nhiên và các di sản văn hóa (làng chài).
Phần không gian nằm giữa 2 lớp đô thị nói trên chính là đô thị xanh phát triển dựa trên nền tảng không gian nông nghiệp hữu cơ, các điểm dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống. Lớp đô thị này không chỉ đóng vai trò dự trữ phát triển cho tương lai, mà còn là một không gian để phát triển các loại hình du lịch mới, các trung tâm R+D (nghiên cứu và phát triển). Cùng các lớp đô thị khác tạo nên 3 sắc diện cho một thành phố Quảng Ngãi, trong đó sông Trà Khúc là nền tảng chủ đạo để định hình sự kết nối của 3 “đô thị” này cũng như sự phát triển của hai bên bờ sông…
Tại cuộc họp, sau khi nghe tư vấn và các kiến trúc sư trình bày đồ án,ông Nguyễn Tăng Bính cho rằng quy hoạch này nhằm điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Quảng Ngãi trước đây, do vậy đồ án quy hoạch phải gắn với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với các nghị quyết của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, dịch vụ… cũng như phù hợp với các nghị quyết, các quy hoạch của Trung ương.
Ông Bính đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật đầy đủ các quy hoạch hiện hành và tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở ngành, địa phương để hoàn chỉnh đồ án; trong đó lưu ý lý giải những nội dung cần phải điều chỉnh sao cho có tính thuyết phục; nghiên cứu phát triển hợp lý đô thị 2 bên bờ sông; vấn đề tiêu thoát lũ và công viên xanh.
Lê Đình Dũng