Việc Quảng Ngãi tuyên bố kiên quyết loại bỏ dự án thép 3 tỷ USD diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về môi trường của các dự án thép, đặc biệt là từ nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), đang lên cao trước nghi vấn nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển miền trung, khiến cá biển chết hàng loạt dọc từ bờ biển Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế tháng trước.

Quảng Ngãi bỏ dự án thép của người Đài Loan sau nghi vấn Formosa xả thải làm cá chết

báo Nhân Dân | 06/06/2016, 05:40

Việc Quảng Ngãi tuyên bố kiên quyết loại bỏ dự án thép 3 tỷ USD diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về môi trường của các dự án thép, đặc biệt là từ nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), đang lên cao trước nghi vấn nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển miền trung, khiến cá biển chết hàng loạt dọc từ bờ biển Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế tháng trước.

Tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện Dự án thép Guang Lian Dung Quất. Hiện đã có đủ điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án này.

Dự án chậm đầu tư

Nằm ở trung tâm Khu kinh tế Dung Quất được cho là “đất vàng” có nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu và chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, nhưng Dự án thép Guang Lian Dung Quất triển khai ì ạch. Sau năm lần Chính phủ điều chỉnh giấy phép đầu tư với tổng vốn lên đến 4,5 tỷ USD vẫn kéo dài gây lãng phí đất trên 700 ha (bao gồm mặt nước cảng biển) đã khiến người dân bức xúc.

Phó Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất Lê Văn Dũng cho biết: Dự án thép Guang Lian Dung Quất khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan-Trung Quốc) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Đến đầu năm 2012, Tập đoàn JFE (Nhật Bản) đã quyết định liên doanh với E-United xây dựng nhà máy thép giai đoạn đầu có vốn 4,5 tỷ USD, công suất hơn bảy triệu tấn sản phẩm/năm. Năm 2013, Tập đoàn JFE đề nghị tỉnh Quảng Ngãi trình Chính phủ cho chính sách ưu đãi như bổ sung 210 ha mặt nước biển để nâng tổng diện tích dự án lên hơn 700 ha. Ngoài ra, JFE còn yêu cầu tỉnh này bảo đảm đủ nước công nghiệp cung cấp 200.000 m3/ngày, kết nối mạng lưới điện quốc gia, hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ dự án. Tập đoàn JFE cũng đã xin lùi dự án thép Dung Quất đến tháng 7-2014 khởi công (thay vì tháng 7-2013 theo kế hoạch ban đầu mà Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với nhà chức trách Việt Nam). Song, đến nay đã quá hạn mà dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Có thể nói, số phận của Dự án thép Guang Lian Dung Quất, vốn đầu tư hiện tại là 3 tỷ USD (sau lần điều chỉnh mới đây) sẽ sớm được định đoạt, với việc UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chính thức ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án này. Một trong những kết luận quan trọng nhất, xét về mặt tổng thể Dự án, đến thời điểm tháng 6-2016 là “đủ điều kiện để Nhà nước thực hiện thu hồi hết diện tích đất đã cho thuê và không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Cùng với đó, đến tháng 5-2016, nếu nhà đầu tư vẫn không có khả năng thực hiện Dự án theo tiến độ đã đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định thì cũng “đủ điều kiện để Nhà nước đơn phương chấm dứt hoạt động Dự án”. Nghĩa là xét cả về phương diện quản lý, sử dụng đất lẫn tiến độ thực hiện, thì Dự án thép Guang Lian Dung Quất đã đến hồi “khai tử” và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để ra quyết định này.

Bỏ đất hoang phí và hệ lụy đến người dân

Suốt gần 10 năm qua, Dự án thép Guang Lian Dung Quất “đứng bánh” với hàng trăm ha đất sạch mà tỉnh Quảng Ngãi ưu ái chi ngân sách đền bù, giải tỏa bàn giao cho nhà đầu tư đã bị bỏ hoang phí làm nơi cho đàn bò gặm cỏ. Chúng tôi đi trên khu “đất vàng” dự án trong trưa hè chói chang của một ngày đầu tháng 6 này đã chứng kiến cảnh lãng phí đất ở đây vô cùng lớn. Với hàng trăm ngôi nhà của dân xã Bình Đông, Bình Thuận đã đập phá, di dời để giao đất cho dự án. Những cánh đồng lúa phì nhiêu, người dân sản xuất hai vụ lúa ăn chắc trong năm thì đang bị tường rào của dự án chắn ngang đành bỏ hoang suốt gần chục năm qua. Nhiều hộ dân trong vùng dự án phải dời nhà, dời làng đi nơi khác ở để nhường đất cho chủ đầu tư làm nhà máy.

Theo UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, toàn xã có khoảng 300 hộ dân đã giao hơn 300 ha đất cho Dự án thép Guang Lian Dung Quất. Hiện người dân vào sống ở các khu tái định cư không có việc làm, thiếu đất sản xuất. Còn xã Bình Thuận với hàng trăm hộ bị giải tỏa, giao hơn 200 ha vườn, ruộng cho dự án. Tất cả người dân ở hai xã này bị giải tỏa hiện giờ phải bươn chải làm đủ mọi nghề “ai kêu gì làm nấy” để mưu sinh nuôi sống gia đình.

Trong khi hàng trăm ha đất của người dân địa phương đã giao cho chủ đầu tư thì bỏ hoang, lãng phí hết năm này đến năm khác vì dự án thép chậm triển khai. “Nếu tính mỗi năm hai vụ lúa, một mùa khoai lang, trung bình mỗi sào lúa (500 m2) thu hoạch khoảng 500 kg lúa, mỗi sào khoai lang thu khoảng một tấn thì gộp lại 10 năm qua không biết mất đi biết bao nhiêu lúa, khoai của dân mà kể. Mong sao dự án sớm được triển khai, góp phần giải quyết việc làm cho người dân chứ nguy cơ tái nghèo ở các khu tái định cư là rất cao” - ông Nguyễn Văn Đạt, một nông dân ở xã Bình Đông xót xa nói.

Sự chậm triển khai Dự án thép Guang Lian còn kéo theo nhiều hệ lụy không những đối với người dân địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay chủ đầu tư đã xây bờ tường chung quanh, chắn cả tuyến đường chính từ Dốc Sỏi về cảng Dung Quất gây cản trở giao thông cho người dân và phương tiện qua lại. Nhiều doanh nghiệp ở phía Tây Khu kinh tế Dung Quất hiện đang “khóc ròng” vì xe tải chở gỗ dăm phải tốn kém chi phí vận tải đi đường vòng xa hơn 4 km, tốn thêm tiền cước phí rất cao. Mỗi ngày có ít nhất khoảng 300 chuyến xe chở dăm gỗ về cảng phải chi thêm 27,8 triệu đồng/ngày…

Ván bài trì hoãn của nhà đầu tư

Tháng 3 vừa qua, Guang Lian đã có văn bản xin phép được tái khởi động lại dự án, đồng thời xin giảm quy mô vốn đầu tư xuống còn 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, kết luận thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi và chỉ đạo của Chủ tịch Trần Ngọc Căng dường như đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng tiếp tục kéo dài dự án của E-United và Tycoons Steel International. Điều này cũng tương tự như một thông điệp gửi đến nhà đầu tư rằng, chính quyền địa phương đã hết kiên nhẫn sau 10 năm chờ đợi.

Việc Quảng Ngãi tuyên bố kiên quyết loại bỏ dự án thép 3 tỷ USD diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về môi trường của các dự án thép, đặc biệt là từ nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), đang lên cao trước nghi vấn nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển miền trung, khiến cá biển chết hàng loạt dọc từ bờ biển Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế tháng trước. Cũng có thể trước những lo ngại đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng không còn thật sự mặn mà muốn níu kéo nhà đầu tư ở lại, cho dù lần này cả Tycoons Steel International và E-United cam kết hoàn thành dự án ngay trong 42 tháng kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.

Trong kết luận thanh tra, chính quyền tỉnh đã khẳng định rõ rằng, chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án theo đúng tiến độ với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ theo quy định. Theo kết luận này thì dự án “đủ điều kiện để nhà nước đơn phương chấm dứt hoạt động của dự án” theo Luật Đầu tư.

Đáng lưu ý, chỉ xét về chuyện quản lý và sử dụng đất, theo kết quả thanh tra, Guang Lian đã “vi phạm Luật Đất đai 2013”. Cụ thể, trong tổng diện tích mặt bằng mà chủ đầu tư dự định xây nhà máy, khu vực diện tích đất hơn 222 ha được giao từ tháng 10-2007 chậm tiến độ tới 40 tháng. Những phần còn lại, tùy thời gian giao đất, chỗ thì chậm tiến độ 28 tháng, nơi đã đủ điều kiện để thu hồi theo Luật Đất đai.

Tiến độ thực hiện Dự án cũng không khá hơn, khi theo cam kết cuối cùng, giai đoạn I hoàn thành tháng 10-2010, giai đoạn II hoàn thành 10-2012, thì tính đến thời điểm thanh tra là tháng 2-2016, thời hạn chậm tiến độ giai đoạn I là 64 tháng, giai đoạn II là 40 tháng. Nhà đầu tư đã không thực hiện Dự án theo tiến độ đã đăng ký, cũng không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện. Thực tế thì nhà đầu tư cũng đã tự dừng triển khai thi công trên mặt bằng nhà máy từ tháng 5-2013, còn trên khu nhà ở công nhân là từ tháng 8-2014 đến nay. Ngay cả việc thực hiện góp vốn cũng chậm trễ. Cho đến ngày 18-1-2016, con số mới chỉ là 43,35 triệu USD, bằng 7,2% vốn cam kết ban đầu. Còn phần vốn vay 2,4 tỷ USD thực tế dù có nhiều ý định thư, nhưng cũng chưa có ngân hàng nào chấp thuận ký hợp đồng tín dụng cho nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án.

Trong bối cảnh như vậy, Dự án thép Guang Lian nên chấm dứt. Vì thế, cùng với kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có văn bản tham vấn các cơ quan Trung ương liên quan về Dự án, trong đó thể hiện rõ quan điểm là đề nghị xử lý chấm dứt hoạt động Dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 30-6-2016. Dự án sẽ bị thu hồi toàn bộ diện tích đã cấp, đồng thời thực hiện thanh lý tài sản theo quy định, ưu tiên giải pháp thương thảo nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.

Hiện tại, nhà đầu tư đã chi 426,47 tỷ đồng cho việc triển khai Dự án. Còn ngân sách cũng đã bỏ ra hơn 179 tỷ đồng để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và bồi thường, tái định cư. Nếu xét cả về Luật Đất đai và Luật Đầu tư, kết luận thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự án này đều nằm trong diện phải thu hồi do vi phạm quy định về sử dụng đất và cam kết của nhà đầu tư.

Minh Trí (theo NDĐT)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Ngãi bỏ dự án thép của người Đài Loan sau nghi vấn Formosa xả thải làm cá chết