Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng là anh em một nhà. Tuy nhiên, dự án nhà máy thép Việt Pháp dự định đặt đầu nguồn sông Vu Gia khiến Đà Nẵng lo ngại ô nhiễm và đề nghị chia sẻ thông tin thì tỉnh Quảng Nam cho rằng không cần thiết và nếu xin ý kiến thì xin cấp trên chứ không phải Đà Nẵng.

Quảng Nam vẫn ‘anh em’ với Đà Nẵng nhưng ý kiến thì chỉ xin cấp trên

Lê Đình Dũng | 13/10/2016, 21:18

Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng là anh em một nhà. Tuy nhiên, dự án nhà máy thép Việt Pháp dự định đặt đầu nguồn sông Vu Gia khiến Đà Nẵng lo ngại ô nhiễm và đề nghị chia sẻ thông tin thì tỉnh Quảng Nam cho rằng không cần thiết và nếu xin ý kiến thì xin cấp trên chứ không phải Đà Nẵng.

Không ô nhiễm?

Chiều 13.10, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo liên quan đến dự án nhà máy thép Việt Phápcó chủ trương đóng tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), đầu nguồn sông Vu Gia gây lo ngại ô nhiễm vùng hạ du và ảnh hưởng đến nguồn nước sạch của Đà Nẵng.

Chủ trì cuộchọp báo là bàLê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam và tiến sĩHuỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp.

Quang cảnh buổi họp báo

Theo bà Hạnh, dự án nhà máy thép Việt Pháp do Công ty TNHH Thép Việt Pháp làm chủ dự án đã được UBND TX.Điện Bàn cho phép đầu tư vào cụm công nghiệp và dịch vụ (CCN&DV) Thương Tín 1 (xã Điện Nam Đông) vào năm 2011 và đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2013.

Trong quá trình hoạt động, Sở TN-MT phối hợp với công an tỉnh, UBND TX.Điện Bàn, P.Điện Nam Đông đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Qua đó, các kết quả phân tích đo đạc mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển đô thị tại TX.Điện Bàn; xét thấy CCN&DV Thương Tín 1 gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, môi trường và không được sự đồng tình của người dân địa phương nên UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo UBND TX.Điện Bàn phối hợp với Công ty thép Việt Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy.

Đến nay, Công ty thép Việt Pháp đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang với diện tích 17,3ha.

Trên cơ sở đó, Công ty thép Việt Pháp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nhà máy luyện cán thép với quy mô 180 ngàn tấn/năm gửi Sở TN-MT thẩm định. Ngày 28.9.2016, Sở TN-MT đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường tham gia thẩm định. Ý kiến của các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện báo cáo này về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời dân, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án.

BàLê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam

Quy trình công nghệ của dự án được thể hiện như sau: Sắt thép phế liệu, gang -> xử lý phế liệu -> nạp phế liệu -> nấu luyện (lò trung tần) -> lò trung gian -> máy đúc liên tục -> phôi thép -> hệ thống con lăn dẫn -> máy cán thô -> máy cán liên hoàn -> sàn làm nguội -> thép thành phẩm.

Nguyên liệu chính là sử dụng sắt thép phế liệu để nấu, không sử dụng quặng. Về công nghệ sản xuất, sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Nguồn nước cấp sẽ sử dụng nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và nguồn nước từ khe suối gần khu vực dự án.

Theo Sở này tóm tắt nội dung sơ lược các biện pháp giảm thiểu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường:Về nước thải sinh hoạt, chủ yếu là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn mỏng -> bể hiếu khí -> bể khử trùng -> bể sinh học -> xử lý đạt quy chuẩn và thải ra môi trường.

Về nước thải sản xuất, chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt áp bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại không thải ra môi trường.

Về bụi, khí thải được xử lý qua 3 công đoạn:bụi khí thải từ 6 cặp lò luyện cảm ứng và khí thải trên nóc 2 phân xưởng được thu gom qua quạt hút -> xyclon màng nước (công đoạn 1) -> tháp bọt + hấp thụ ướt (công đoạn 2) -> hệ thống hấp thụ ướt dạng sóng + tách nước (công đoạn 3) -> ống khói cao 30m -> thải ra môi trường đạt quy chuẩn QCVN 51:2013/BTNMT (cột B2).

Chất thải rắn và chất thải nguy hại sẽ hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom xử lý theo đúng quy định.

Dùng máy móc của Trung Quốc

Tiến sĩHuỳnh Ngọc Thạch cho rằng, nhà máy này không dùng quặng để sản xuất nên ô nhiễm chính là bụi và khói thải, còn tiếng ồn thì xuất hiện khi xe cộ chở sắt vào hoặc vận chuyển.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án

“Việc di dời lên Nam Giang là hoàn toàn đúng vì quy mô hiện nay ở Điện Bàn không đủ đáp ứng. Tôi cho rằng tỉnh có chủ trương dời lên Nam Giang là phát triển bền vững. Ví dụ như ở Đà Nẵng có nhiều nhà máy thép ở trong khu dân cư thì đấy là cái mà chúng ta khẳng định dùng phương pháp điện năng này là tồn tại lâu dài và đáng mừng”, ông Thạch cho biết và tiết lộ, hiện tại trang thiết bị của nhà máy này nhập từ Trung Quốc.

“Chúng ta lo lắng là hoàn toàn đúng nhưng lo phải có cơ sở để giúp cho địa phương và doanh nghiệp, vì doanh nghiệp hiện nay cũng khó khăn trong một thời kỳ dài. Nói dự án nào không gây ảnh hưởng môi trường là không thực tế nhưng nó có gây ảnh hưởng đến mức độ như quy định của nhà nước hiện hành không. Người dân họ nói có thể hơi quá về mức độ ô nhiễm nên chúng ta cần tỉnh táo”, ông Thạch nói.

Ông Đinh Phú Tân, Giám đốc nhà máy thép Việt Pháp cho rằng vị trí đặt nhà máyluyện cán théptại huyện Nam Giang cách thượng nguồn sông Vu Gia theo đường chim bay là khoảng 5km. Nhà máy có hai sản phẩm là phôi thép là 100.000 tấn/năm và thép thành phẩm là 80.000 tấn/năm. Nguyên liệu để sản xuất phôi thép là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng được thu gom trong nước và nhập khẩu các nước như Nhật Bản và Mỹ; mỗi lần nhập về được các cơ quan hữu quan kiểm định nghiêm ngặt. Việc xử lý sắt thép phếliệu bằng phương pháp cắt nhỏ gọn rồi đưa vào trong lò nấu điện.

Ông Đinh Phú Tân, Giám đốc nhà máy thép Việt Pháp

Tất cả các cơ quan chức năng ở Quảng Nam lẫn doanh nghiệp đều khẳng định dù có công suất hàng trăm ngàn tấn/năm nhưng lượng nước thải ra rất ít, chủ yếu là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày. Còn nước làm mát trong quá trình nấu sẽ được sử dụng tuần hoàn và xả định kỳ, nhưng rất ít và đã được xử lý.

Nhiều nguồn tin cho biết, việc Quảng Nam đồng ý cho đặt dự án nhà máy thép này ở thôn Hoa là tiến tới việc cho phép mở rộng công suất để khai thác hai mỏ quặng sắt ở gần Nam Giang; ông Nguyễn Hồng Quang khẳng định: “Tỉnh chưa có chủ trương nào cho phép khai thác 2 quặng sắt đó cả”.

Về thông tin công ty này đề nghị hỗ trợ hơn 123 tỉ di dời, ông Quang đính chính việc này là không đúng và do một số chuyên viên phát ngôn sai. “UBND tỉnh đã có văn bản phê bình một số chuyên viên phát ngôn không đúng”.

Nhiều phóng viên tiếp tục hỏi việc TP.Đà Nẵng đã có công văn bày tỏ quan ngại tới dự án thép đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn cấp nước sạch chủ yếu cho cả triệu dân Đà Nẵng, ông Quang nói: “Chúng tôi xác định Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 địa phương anh em, sắp tới đây còn tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm chia tách tỉnh. Trong vấn đề này đều có tham khảo lẫn nhau. Vừa qua chúng tôi xác định rằng những cái nào có ảnh hưởng thì trao đổi. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam thì đều xem xét trên các khía cạnh. Không dự án nào không gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng mà nó mức độ như thế nào thì UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm tính toán. Chúng tôi chỉ xin ý kiến cấp trên, còn trong các vấn đề liên quan thì chúng tôi chỉ đưa ra thảo luận”.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định rằng quy mô sản xuất 180 ngàn tấn/năm như nhà máy thép Việt Pháp thuộc thẩm quyền đánh giá tác động môi trường của Sở. Việc nhập phế liệu để sản xuất được Bộ TN-MT cho phép.

Tiếp tục, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang kể: “Nam Giang là huyện nghèo phía tây của tỉnh, đồng bào dân tộc chiếm 80%, cơ cấu kinh tế chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp. Do đó, chúng tôi rất cần dự án này, muốn phát triển thì phải đầu tư vào công nghiệp. Nam Giang chúng tôi rất vinh dự có nhà máy thép đặt vấn đề. Đầu tư như vậy thì quá hợp lý, quá thuận lợi. Chúng tôi đã tiến hành họp với 17 hộ dân bị ảnh hưởng. Hầu hết ý kiến người dân chỉ đề cập công tác đền bù có thỏa đáng hay không, di dời tái định cư có được hay không. Thứ tư người ta cũng có đặt đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Kết lại đều thống nhất cho công ty vào làm. Chưa ai thắc mắc, và từ đó đến nay Ban thường vụ Huyện ủy Nam Giang vẫn khẳng định chủ trương ủng hộ cho doanh nghiệp làm”.

Về thông tin Công ty thép Việt Pháp có năm đóng thuế chỉ mười mấy triệu, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết chưa nắm cái này và chưa chỉ đạo bên Cục Thuế rà soát lại.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết sẽ tiếp tục cho nghiên cứu triển khai dự án theo chủ trương của tỉnh. Hiện tại, hồ sơ đánh giá tác động môi trường về dự án nhà máy thép tại thôn Hoa đã hoàn thành và chỉnh sửa thêm nhiều điểm. Ông Quang cho rằng việc đánh giá môi trường chỉ là một trong nhiều khía cạnh để tỉnh xem xét và nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra quyết định.

Đáng lo ngại hơn, dự án nhà máy thép chỉ là bước đầu. Ông A Viết Sơn cho biết huyện đang lập đề án xây dựng cụm công nghiệp tại thôn Hoa.

Ông Nguyễn Hồng Quang cho hay: “Cụm công nghiệp thì huyện sẽ có quy hoạch, trong cái này sẽ có phân khu chức năng sau này sẽ tính toán. Có những khu công nghiệp sạch nhưng có những khu công nghiệp không sạch lắm nên sẽ xem xét lại trên tổng thể”.

Như vậy, đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn cấp nước sạch chủ yếu cho cả triệu dân Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ không chỉ một nhà máy thép mà cả cụm công nghiệp đóng chân.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Nam vẫn ‘anh em’ với Đà Nẵng nhưng ý kiến thì chỉ xin cấp trên