Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã cho phép công ty Phù Sa Đỏ đầu tư dự án hệ thống Zipline đa phương thức và tổ hợp các sản phẩm du lịch về mặt chủ trương và phải thực hiện đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên, quyết định 1306/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Ngân ký lại cho thuê cả đất hành lang an toàn giao thông đường bộ và ký khi chưa thông qua đánh giá tác động môi trường.

Quảng Bình: Cho thuê đất thuộc hành lang an toàn giao thông quốc gia

CTV bác Xuyên | 14/07/2017, 16:07

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã cho phép công ty Phù Sa Đỏ đầu tư dự án hệ thống Zipline đa phương thức và tổ hợp các sản phẩm du lịch về mặt chủ trương và phải thực hiện đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên, quyết định 1306/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Ngân ký lại cho thuê cả đất hành lang an toàn giao thông đường bộ và ký khi chưa thông qua đánh giá tác động môi trường.

Đất an toàn giao thông quốc gia thành thương mại

Quyết định 1306 được ban hành ngày 19.4.2017 có đoạn: Thu hồi 32.177,3 m2 đất gồm: 2.176,7 m2 đất bằng chưa sử dụng và 30.000,6 m2 đất sông ngòi, kênh, rạch, suối do UBND xã Phúc Trạch quản lý tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Chuyển mục đích sử dụng 40.540,7 m2 đất nông nghiệp tại xã Phúc Trạch sang đất phi nông nghiệp.

Từ đó quyết định cho Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Phù Sa Đỏ (địa chỉ: 11 Linh Giang, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thuê 72.718,0 m2 để sử dụng vào các mục đích đất thương mại, dịch vụ: 42.717,4 m2 trong đó có 3.012,4 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ; đất sông ngòi, kênh, rạch, suối: 30.000,6 m2.

Cấp phép xây dựng nhưng không đi thực địa khiến cấp phép không đúng thực tế tình hình

Được biết khu vực hơn 3.000m2 đất hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân ký cho thuê là phần đất cực kỳ quan trọng của đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đây là cung đường quốc gia hết sức trọng yếu. Một cán bộ cầu đường cho biết, lấy đất hành lang bảo vệ an toàn giao thông của đường quốc gia cho thuê là trái pháp luật vì đó là nơi đảm bảo an toàn giao thông chứ không phải để sinh lợi, bất chấp an toàn giao thông chung vì lợi ích riêng là khó có thể chấp nhận.

Mặt khác, quyết định 1306 tự ý đưa 3.000m2 đất hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường quốc gia vào đất thương mại dịch vụ mà không có ý kiến của Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam là trái nguyên tắc. Về mặt pháp luật, đất an toàn giao thông đường bộ không thể trở thành đất thương mại dịch vụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phước Đẳng, Giám đốc Chi cục Quản lí đườngbộ II.4, đơn vị chịu trách nhiệm quản lí các tuyến quốc lộ đi qua Quảng Bình nói: Ông không biết chuyện UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê hành lang an toàn đường bộ thuộc đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Nếu cho thuê thì là việc làm tự ý của UBND tỉnh Quảng Bình, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, cũng như Nghị định 11/2010 của Chính phủ và Thông tư 50/2015 của Bộ Giao thông vận tải.

Ông Đẳng nhấn mạnh: “Đấy là đất quốc gia do Bộ Giao thông quản lí, quyền quyết định và chịu trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông, UBND tỉnh Quảng Bình không có quyền biến đất hành lang an toàn ấy thành đất thương mại dịch vụ”.

“Đẳng cấp quốc tế” lại chưa xong đánh giá tác động môi trường

Ngoài ra trong mục 3 của điều 2 tại quyết định này, ông Lê Minh Ngân yêu cầu: “Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Phù Sa Đỏ có trách nhiệm lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, đầu năm 2017 công ty Phù Sa Đỏ tổ chức xây dựng khu vực nhà hàng, lúc này mọi thủ tục liên quan theo trình tự pháp luật chưa được hoàn thiện như chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng… Mãi thời gian gần đây Phù Sa Đỏ mới bổ sung được một số nội dung nhưng không đầy đủ, lại tự ý làm liều xây ngay dưới đường điện cao thế.

Đẳng cấp quốc tế nhưng ĐTM đến nay vẫn chưa được phê duyệt trong khi vẫn xây

Theo quy định, để dự án được phê duyệt toàn bộ phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đây là yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng địa phương đã giao đất, cho thuê đất, bản vẽ thiết kế được thẩm định, cấp phép xây dựng chóng vánh. Cả đơn vị cấp phép xây dựng là Phòng hạ tầng huyện Bố Trạch, và Sở xây dựng đều chỉ thẩm tra trên giấy, hoàn toàn không đi thực địa. Tài liệu hiện có cho thấy bản ĐTM của công ty Phù Sa Đỏ hiện chưa được phê duyệt vì còn một số lỗi chưa được Hội đồng thẩm định thông qua, ấy vậy mà công ty này đã xây dựng trái pháp luật.

Một chuyên gia về bảo tồn cho biết, công trình đẳng cấp quốc tế của công ty Phù Sa Đỏ nằm ở giáp ranh di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, là nơi có rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng, đáng ra phải có ĐTM và phải được thẩm định từ đầu mới cấp phép theo tuần tự nhằm tránh các ảnh hưởng nhạy cảm lên di sản, nhưng đằng này lại bỏ qua các quy trình và tiến hành xây dựng là chưa cẩn trọng.

Nguyễn Đình Vy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Bình: Cho thuê đất thuộc hành lang an toàn giao thông quốc gia