Không để phạm nhân vuột mất có hội được sớm trở về với xã hội, cán bộ quản giáo đã đưa 5 triệu đồng cho Hoàng vay để đủ điều kiện được đặc xá, dù biết rằng chọ phạm nhân nghèo vay tiền, chẳng biết khi nào mới được trả. Hành động đẹp này đã khiến không ít nguời nể phục, cảm động.
Đó là câu chuyện về thiếu tá Phạm Công Tiến, cán bộ quản giáo tại Trại tạm giam Nghi Kim (Nghệ An). Vị cán bộ này đã mang 5 triệu đồng cho phạm nhân Lê Đăng Hoàng (SN 1988), trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vay để đủ điều kiện được đặc xá. Số tiền tuy không lớn, nhưng hành động đẹp trong hoàn cảnh này đã khiến gia đình phạm nhân vô cùng xúc động, giúp mở ra tương lai cho cả một đời người.
Bi kịch của một phạm nhân
Khi biết mình có tên trong danh sách 33 phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp Quốc khánh 2.9 năm nay, phạm nhân Lê Đăng Hoàng vô cùng phấn chấn. Thế nhưng, niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo đã ập đến khi nghĩ đến số tiền hơn 23 triệu đồng đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại chưa biết lấy đâu mà đưa cho họ. Bởi theo quy định, phạm nhân phải hoàn thành các khoản nghĩa vụ liên quan mới được xét đặc xá. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình của phạm nhân Lê Đăng Hoàng rất khó khăn, cơm ăn ngày hai bữa còn chạy đôn chạy đáo nên không biết lấy tiền ở đâu để đền bù thiệt hại gây ra.
Lê Đăng Hoàng sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, Hoàng là con út, bố mẹ làm ruộng. Học đến lớp 7, mẹ chẳng may qua đời, Hoàng cũng bỏ ngang chuyện học từ đó. Không lâu sau, bố Hoàng đi bước nữa, 3 anh em Hoàng rơi vào cảnh bơ vơ, tự rau cháo nuôi nhau. Rồi anh chị cũng người lấy chồng, kẻ cưới vợ, còn mỗi Hoàng sống dựa vào bố và dì, làm đủ thứ việc để kiếm sống.
Trong một lần sang xã bên dự lễ cưới người bạn, nhóm bạn choai choai của Hoàng gây gổ, xích mích rồi ẩu đả với nhóm thanh niên ở làng đó nên bị đánh hội đồng. Trong lúc cố gắng chống cự để thoát thân, Lê Đăng Hoàng trên đường bỏ chạy đã vơ đủ thứ để chống đỡ. Khi vớ được thanh gỗ, Hoàng nhằm vào đối tượng đang đuổi theo mình là anh Chu Tuấn Phương phang thật mạnh. Hậu quả, anh này bị thương nặng, hỏng một mắt vĩnh viễn.
Lê Đăng Hoàng cùng nhóm bạn gồm 3 người khác lĩnh án tù. Với bản án 52 tháng tù giam, Hoàng được thụ án tại Trại giam Nghi Kim. Nhà vốn dĩ đã nghèo, neo đơn, trong thời gian anh Phương nằm viện điều trị, để có tiền thuốc thang, chăm sóc, gia đình đã gần như bán kiệt những tài sẵn có giá trị. Chính bởi vậy, từ ngày tòa tuyên bụộc phải bồi thường số tiền 23.477.000 đồng cho gia đình bị hại đến nay, dù đã gần 3 năm, gia đình Hoàng vẫn chưa khắc phục được đồng nào.
Khi thấy tên mình có trong số 33 phạm nhân lần này được về với xã hội, Lê Đăng Hoàng đã khóc như mưa, gọi điện về nhờ cha vay mượn số tiền nói trên để sớm được trở về. Ông Lê Đăng Thái, bố đẻ phạm nhân Lê Đăng Hoàng, xót xa, bản thân ông đi phụ hồ, tiền kiếm được hàng ngày chưa đủ nuôi bản thân và vợ cùng 3 đứa con, trong nhà chưa bao giờ có nổi một triệu đồng dư dả, huống hồ số tiền ấy lên đến vài chục triệu, quả thực là một số tiền khổng lồ. Mặc dù vậy, thương con, ông đã đi vay mượn khắp nơi, vận động anh em, bà con góp tay giúp sức.
Lần đầu tiên, ông vay mượn được 10 triệu đồng đưa nộp cho con trai. Lần thứ 2, ông vay thêm được 9 triệu, còn gần 5 triệu nữa nhưng không biết tìm đâu ra. Bất lực, người cha già ấy đã vào gặp con, nước mắt giàn giụa: “Thôi con ạ, lần này chưa về thì lần sau cũng được. Cha đã làm hết cách để kiếm đủ tiền cho con khắc phục hậu quả, nhưng đành bất lực”.
Quản giáo cho phạm nhân vay tiền để được đặc xá
Biết được hoàn cảnh gia đình bi đát của gia đình phạm nhân Lê Đăng Hoàng, thiếu tá Phạm Công Tiến, cán bộ quản giáo Đội 3 nơi Hoàng đang thụ án, đã không ngại ngần đưa số tiền 5 triệu đồng cho ông Thái vay để nộp tiền án phí cho con trai, cầm số tiền trong tay, ông Thái ngỡ ngàng quên cả nói lời cảm ơn, líu ríu mang đi nộp thi hành án cho con trai.
Chia sẻ về việc làm của mình, thiếu tá Tiến cho biết, lúc ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu vì số tiền này mà để vuột mất cơ hội được sớm trở về với xã hội của một con người, cánh cửa tương lai bị đóng sập lại với rất nhiều cơ hội làm lại cuộc đời phía trước, thì sẽ vô cùng tiếc nuối và ân hận. “Gia cảnh tôi cũng vất vả, con dại, vợ chưa có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng trông chờ vào khoản tiền lương nên số tiền ấy cũng chẳng hề nhỏ. Tuy vậy, so với gia cảnh của phạm nhân Hoàng, tôi còn có thể xoay xở được nếu cần số tiền ấy. Lúc trao tiền cho bố phạm nhân, ở cương vị là người cha, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu không có đủ tiền đóng để “chốt” danh sách đặc xá cho Hoàng, nó suy nghĩ bồng bột, oán trách bố hoặc có hành động, suy nghĩ tiêu cực trong trại giam thì khổ”.
Nhờ hoàn thành trách nhiệm dân sự, có thành tích cải tạo tốt, chấp hành nghiêm nội quy, quy định của trại giam, nên Lê Đăng Hoàng có tên trong danh sách đề nghị xét đặc xá, giảm án của Hội đồng xét đặc xá Trại tạm giam. Qua mấy vòng bình chọn, xét duyệt, Lê Đăng Hoàng là một trong 33 phạm nhân đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đặc xá ra tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh 2.9 năm nay.
“Biết chuyện cán bộ Tiến mang tiền cho vay để đủ điều kiện đặc xá, em rất xúc động và cảm ơn cán bộ nhiều lắm. Ra tù, nhất định em sẽ hoàn lương, em sẽ đi học một cái nghề thật tử tế để kiếm sống, tích cóp đủ tiền quay lại trả ơn cán bộ. Gần 3 năm sống cảnh cơm tù áo số, em đã thấm thía cái giá của sự mất tự do. Trở về, em sẽ nhớ đến mối ơn này để sống tốt”, phạm nhân Hoàng cho biết thêm.
Theo Thuận Thành/ Chuyện đời