Reuters ngày 14.11 đưa tin: quân đội Myanmar “tự tha” họ khỏi các cáo buộc rằng quân đội đã cưỡng hiếp tập thể, đốt nhà và giết chết tộc người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi sống ở bang Rakhine.

Quân đội Myanmar vừa thay tướng, vừa phủ nhận gây tội ác với người Rohingya

Trần Trí | 14/11/2017, 15:43

Reuters ngày 14.11 đưa tin: quân đội Myanmar “tự tha” họ khỏi các cáo buộc rằng quân đội đã cưỡng hiếp tập thể, đốt nhà và giết chết tộc người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi sống ở bang Rakhine.

Trong khi đó, Cao ủy nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad al-Hussein cũng tuyên bố những hành vi của quân đội Myanmar đáng đưa vào sách giáo khoa về tội “thanh trừng chủng tộc”.

Trước đó vào ngày 10.11, quân đội Myanmar đã “chuyển công tác” với Thiếu tướng Maung Maung Soe khỏi vai trò lãnh đạo Bộ Chỉ huy Cánh tây ở bang Rakhine, mà không nêu lý do.

Thiếu tướng Aye Lwin, Phó chủ nhiệm vụ Tâm lý chiến và quan hệ cộng đồng của Bộ Quốc phòng Myanmar, nói với Reuters: “Tôi không biết lý do ông ấy chuyển công tác. Hiện ông ấy chưa giữ vị trí nào, đang được đặt ở mức dự phòng”.

Bộ Chỉ huy Cánh tây của quân đội Myanmar gồm 3 sư đoàn, chịu sự giám sát của Cục Chiến dịch đặc biệt và báo cáo về Đại tướngMin Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar.

Thủ phạm đích thực là quân nổi dậy

Trong một báo cáo công bố ngày 14.11,nói cuộc điều tra nội bộ đã tha cho quân đội về mọi cáo buộc trên. Các phát hiện của nhân viên điều tra được tải lên Facebook của Tổng tư lệnh quân đội, Đại tướng Min Aung Hlaing.

Cuộc điều tra nội bộ nói số tay súng ARSA thảm sát chính dân tộc của họ là 10.000 người, gấp đôi ước tính chính thức lúc đầu. Và theo câu trả lời của 2.817 người tộcRohingya, binh lính chính phủ không bắn “dân thường vô tội”, không cưỡng hiếp hoặc gây bạo lực tình dục đối với phụ nữ.

Quân đội cũng không đánh đập hoặc giết chết dân làng, không hôi của và không đốt giáo đường của tộc người Rohingya. Báo cáo kết luận quân đội chỉ dùng vũ khí hạng nhẹ để chiến đấu với quân ARSA, và không có chứng cứ nào cho thấy họ sử dụng “vũ lực quá đáng”.

Quân đội Myanmar cũng qui trách nhiệm cho ARSA tấn công dân thường, đốt cháy rụi 200 ngôi làng của tộc người Rohingya và hù dọa, o ép họ phải từ bỏ nhà cửa. ARSA đã phủ nhận tất cả cáo buộc này.

Bộ Chỉ huy Cánh tây phụ trách chiến dịch quân sự tiêu diệt quân nổi dậy ở phía bắc bang Rakhine, để trả đũa những cuộc tấn công có điều phối của ARSA vào 30 đồn cảnh sát và 1 căn cứ quân đội ngày 25.8.

Chiến dịch này đã khiến khoảng 600.000 người Rohingya phải chạy qua Bangladesh tị nạn. Họ kể đã bị quân đội Myanmar đốt phá làng, cưỡng hiếp và giết nhiều người trong gia đình họ.

Ngày 12.11, một quan chức cấp cao LHQ đã thăm các trại tị nạn ở Bangladesh trong 3 ngày, cáo buộc quân đội Myanmar (có tên là Tatmadaw) đã cưỡng hiếp tập thể và phạm nhiều tội chống lại loài người đối với tộc người Rohingya.

Đặcsứ đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về vấn nạn bạo lực tính dục trong chiến tranh, bà Pramila Patten nói bà sẽ lên tiếng cáo buộc quân đội Myanmar trước Tòa án hình sự quốc tế The Hague: “Quân đội Myanmar còn có tên là Tatmadaw, đã ra lệnh, tổ chức và vi phạm tội ác bạo lực tình dục. Cưỡng hiếp là một hành vi và là một loại vũ khí của thanh trừng chủng tộc”.

LHQ cũng đã gọi cuộc chạy giặc của tộc Rohingya là “vụ tị nạn khẩn cấp tiến triển nhanh nhất thế giới”, và cáo buộc Myanmar (đa số dân theo đạo Phật) tiến hành ‘thanh trừng sắc tộc’ chống lại tộc Rohingya thiểu số theo đạo Hồi.

Myanmar xem tộc người này là di dân trái phép từ Bangladesh tràn qua. Năm 1982, Myanmar ra luật loại bỏ quốc tịch của người Hồi giáo Rohingya, khiến nhóm người này thành sắc dân lưu vong đông nhất thế giới.

Sức ép dồn lên Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi

Ngày mai 15.11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến thăm Myanmar. Có thông tin ông sẽ chuyển một thông điệp nghiêm khắc đến các tướng lĩnh Myanmar vốn vẫn còn nắm nhiều quyền lực - như nắm hai Bộ Quốc phòng và Nội vụ - trong khi Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi không thể kiểm soát được quân đội.

Người phát ngôn Katina Adams của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Mỹ biết thông tin việc thay tướng Maung Maung Soe, và nói thêm: “Chúng tôi rất quan ngại với những báo cáo về sự ngược đãi nhân quyền và bạo lực mà lực lượng an ninh Myanmar gây ra. Những người gây ra ngược đãi nhân quyền phải bị qui trách nhiệm”.

Hiện các nghị sĩ Mỹ đang gây sức ép thông qua lệnh trừng phạt kinh tế và cấm xuất cảnh đối với quân đội Myanmar và các quyền lợi của lực lượng này. Họ nói Mỹ phải phát đi thông điệp rõ ràng này: không chấp nhận việc gây tội ác với dân thường Myanmar.

Hiện cộng đồng quốc tế gây sức ép, để Myanmar bảo đảm an ninh cho tộc người Rohingya, và cho phép họ quay trở về nơi sinh sống. Hôm 1.11, người phát ngôn Zaw Htay của chính phủ Myanmar cáo buộc chính phủ Bangladesh trì hoãn thực hiện việc giúp người Rohingya hồi hương.

Lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã lập một ủy ban phụ trách việc đưa tộc người này từ Bangladesh về Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyitừng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì những hoạt động không mệt mỏi cho dân chủ tại Myanmar. Tuy nhiên, đã có sự kêu gọi thu hồi giải này, trách bà không làm gì để ngăn chặn thảm họa nhân đạo đối với tộc người Rohingya.

Bích Ngọc (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar vừa thay tướng, vừa phủ nhận gây tội ác với người Rohingya