3 phóng viên, 2 nhà hoạt động Myanmar đã bị bắt tại Thái Lan vì nhập cảnh bất hợp pháp và có thể bị trục xuất.

Quân đội Myanmar dùng máy bay không người lái Trung Quốc, 3 PV và 2 nhà hoạt động bị bắt ở Thái Lan

Nhân Hoàng | 11/05/2021, 09:47

3 phóng viên, 2 nhà hoạt động Myanmar đã bị bắt tại Thái Lan vì nhập cảnh bất hợp pháp và có thể bị trục xuất.

Đài phát thanh truyền hình DVB (Đài tiếng nói Dân chủ Miến Điện) cho biết 5 người này đã bị bắt hôm 9.5 tại thành phố Chiang Mai và kêu gọi chính quyền Thái Lan không trục xuất họ về Myanmar, nơi các tổ chức tin tức đã bị quân đội cấm hoạt động.

Aye Chan Naing, Giám đốc điều hành DVB, cho biết: “Tính mạng của họ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu quay trở lại. Họ đã đưa tin về các cuộc biểu tình ở Myanmar cho đến 8.3 - ngày chính quyền quân sự thu hồi giấy phép truyền hình của DVB và cấm DVB thực hiện bất kỳ hình thức truyền thông nào”. Ông kêu gọi sự giúp đỡ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn để bảo vệ sự an toàn cho các nhà báo và cộng đồng quốc tế yêu cầu chính phủ Thái Lan không trục xuất họ.

Aye Chan Naing cho biết 3 nhà báo cùng 2 nhà hoạt động mà ông không nêu danh tính bị bắt trong một cuộc khám xét ngẫu nhiên của cảnh sát.

Tuyên bố cho biết họ đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của quân đội ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, trong đó hàng chục nhà báo nằm trong số hàng ngàn người bị bắt. DVB và một số tổ chức truyền thông độc lập khác đã bị thu hồi giấy phép.

Từ những bức ảnh được các phương tiện truyền thông địa phương ở Thái Lan đăng tải, có vẻ như các nhà báo đã tiếp tục đưa tin từ ngôi nhà một tầng, trong đó họ dường như dựng xưởng sản xuất video tạm bợ.

Chính quyền quân sự Myanmar cố gắng bịt miệng các phương tiện thông tin độc lập bằng cách rút giấy phép của họ và bắt giữ các nhà báo. Khoảng 40 người đang bị giam giữ, trong đó có ít nhất hai người làm việc cho DVB.

Hầu hết các nhà báo đang bị giam giữ theo một điều khoản trong Bộ luật Hình sự cấm các bình luận “gây sợ hãi”, lan truyền “tin tức sai sự thật, kích động trực tiếp hoặc gián tiếp hành vi phạm tội với nhân viên chính phủ”. Nếu vi phạm, có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Thapanapong Chairangsri, Cảnh sát trưởng quận San Sai, ngoại ô Chiang Mai, nói với Reuters rằng 5 công dân Myanmar đã bị bắt vì nhập cảnh trái phép và sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 11.5.

Ông Thapanapong Chairangsri cho biết 5 người này sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật, nhưng nói thêm rằng do sự bùng phát của coronavirus, họ sẽ bị giam giữ trong 14 ngày trước khi được giao cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Quân đội Myanmar dùng máy bay không người lái Trung Quốc

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Myanmar có thể đang tận dụng khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất để theo dõi tình hình đang diễn ra từ bầu trời.

Theo báo cáo gần đây của CSIS, máy bay không người lái Caihong 3A (CH-3A) đã được phát hiện tại một căn cứ Không quân Myanmar trong phạm vi hoạt động ở Mandalay và Sagaing, hai thành phố là trung tâm của cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính.

Việc nhìn thấy các máy bay không người lái đã được đưa tin trên mạng xã hội trong bối cảnh các cuộc biểu tình. Một bài báo được đăng bởi Janes vào ngày 8.4 xác nhận sự hiện diện của ít nhất 2 Caihong 3A (CH-3A) tại Căn cứ Không quân Shante vào ngày 31.1. Căn cứ không quân này đóng vai trò là trụ sở Trung tâm điều hành hoạt động của Không quân Myanmar và là nơi có một số phi đội, bao gồm cả một đơn vị CH-3A.

Không rõ liệu những CH-3A này có thực sự được sử dụng để theo dõi các cuộc biểu tình hay không, nhưng các khả năng giám sát và trinh sát của nền tảng cung cấp cho quân đội Myanmar phương tiện sẵn sàng để nâng cao nhận thức tình huống của họ về các cuộc biểu tình chống đảo chính.

quan-doi-myanmar-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-trung-quoc-1-.jpg
quan-doi-myanmar-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-trung-quoc-2-.jpg
Ảnh chụp từ vệ tình Căn cứ Không quân Shante của quân đội Myanmar 

Việc sử dụng máy bay không người lái của quân đội Myanmar từ lâu đã bị nghi ngờ, nhưng có rất ít thông tin về cách các chúng được tận dụng.

Các báo cáo cho thấy quân đội đã bắt đầu triển khai CH-3A vào năm 2015 hoặc 2016 để hỗ trợ các hoạt động chống nổi dậy ở các khu vực phía bắc Myanmar gần biên giới với Trung Quốc. Tháng 1.2021, Đại tá Win Zaw Oo thuộc Bộ Chỉ huy phía Tây của quân đội Myanmar xác nhận việc sử dụng máy bay không người lái để giám sát ở bang Rakhine phía bắc Myanmar.

CH-3A là một biến thể của CH-3 phổ biến do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) sản xuất. Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra rằng Myanmar đã mua 12 chiếc CH-3A từ năm 2014 đến 2015. Dù CH-3A không phải là nền tảng không người lái tinh vi nhất Trung Quốc nhưng cung cấp khả năng nâng cao so với đội bay cũ của Myanmar.

Chúng chỉ thực hiện các nhiệm vụ giám sát cơ bản. CASC cũng vận hành một nhà máy ở Myanmar để chế tạo những chiếc CH-4 mới hơn, có những nâng cấp so với phiên bản trước về khả năng chịu tải và độ bền. Không rõ liệu Myanmar có mua lại nền tảng mới hơn hay không.

Quân đội Myanmar chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc để trang bị cho đội ngũ của mình. Theo SIPRI, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 56% lượng vũ khí nhập khẩu từ nước ngoài cho Myanmar từ năm 2010-2019. Các vụ mua lại này bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và hàng trăm tên lửa đất đối không. Một số nhà cung cấp này nằm trong Danh sách người dùng cuối quân sự theo Mục 744 của Quy định Quản lý Xuất khẩu Mỹ.

Trong khi hầu hết các cường quốc đều lên án quân đội Myanmar về cuộc đảo chính, Trung Quốc vẫn nhón chân xung quanh vấn đề này. Vai trò quan trọng của Trung Quốc dưới tư cách là nhà cung cấp vũ khí có thể giúp tăng cường quan hệ với quân đội Myanmar, đặc biệt khi hồ sơ nhân quyền tồi tệ của quân đội Myanmar có thể khiến nước này bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế.

Bài liên quan
Chính phủ Thống nhất Quốc gia lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, quân đội Myanmar nói vụ nổ chết nhà lập pháp do chế tạo bom
Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập bởi những người phản đối sự cai trị của quân đội, hôm 5.5 cho biết đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân để bảo vệ những người ủng hộ mình khỏi các cuộc tấn công quân sự và bạo lực do chính quyền kích động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar dùng máy bay không người lái Trung Quốc, 3 PV và 2 nhà hoạt động bị bắt ở Thái Lan