Dù muốn phô trương sức mạnh quân sự với CHDCND Triều Tiên nhưng quân đội Mỹ rất "đau đầu" khi tính chuyện bắn hạ tên lửa Triều Tiên, vào lúc Mỹ muốn phô trương sức mạnh quân sự với Bình Nhưỡng, theo báo Guardian (Anh) ngày 18.4.

Quân đội Mỹ 'đau đầu' tính chuyện bắn hạ tên lửa Triều Tiên

19/04/2017, 15:33

Dù muốn phô trương sức mạnh quân sự với CHDCND Triều Tiên nhưng quân đội Mỹ rất "đau đầu" khi tính chuyện bắn hạ tên lửa Triều Tiên, vào lúc Mỹ muốn phô trương sức mạnh quân sự với Bình Nhưỡng, theo báo Guardian (Anh) ngày 18.4.

Đội tàu tấn công với tàu sân bay Carl Vinson hướng đến bán đảo Triều Tiên - Ảnh: EPA

Tờ Guardian dẫn hai nguồn tin biết kế hoạch này, nói rằng Lầu Năm Góc đang tìm một dạng chiến tranh ngắn hạn nhằm buộc CHDCND Triều Tiên chấp nhận hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, nhất là nếu Bình Nhưỡng muốn thử hạt nhân lần thứ sáu.

Mỹ sợ bắn hụt thì bị bẽ mặt

Hai nguồn tin nói quân đội Mỹ không xét việc sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đã chuyển cho Hàn Quốc. Tầm bắn 200 km của THAAD và radar hiện đại đã khiến Trung Quốc lo ngại, nhưng khó có thể dàn xong THAAD trước ngày 9.5, ngày Hàn Quốc bầu cử tổng thống mới.

Thay vào đó, Lầu Năm Góc tính chuyện bắn hạ một tên lửa Triều Tiên phóng thử, bằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt trên một khu trục hạm của hải quân Mỹ, hoặc thuyết phục Nhật sử dụng khả năng tên lửa phòng không của họ để bắn chặn một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên phóng vào lãnh hải Nhật. Hiện hạm đội tàu tấn công - với tàu sân bay Carl Vinson - gồm khu trục hạm trang bị tên lửa Aegis đang hướng đến bán đảo Triều Tiên.

Một yếu tố gây phức tạp cho ý tưởng bắn hạ tên lửa Triều Tiên là Mỹ sẽ bị bẽ mặt nếu như tên lửa Aegis bắn hụt mục tiêu. Vụ bắn hụt này sẽ khiến Bình Nhưỡng lên mặt và làm các đồng minh của Mỹ trong khu vực lo ngại.

Patrick Cronin, chủ nhiệm Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc trung tâm nghiên cứu vì một nước Mỹ mới) nhất trí rằng việc không bắn hạ được một tên lửa sẽ cho Triều Tiên “một ưu thế về tâm lý”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã báo cáo Quốc hội Mỹ, nhưng quân đội Mỹ chưa quyết định có nên ngăn chặn Triều Tiên phóng thử một tên lửa hay không.

Một quan chức Mỹ nói rằng chiến lược bắn hạ tên lửa phóng thử này sẽ diễn ra ngay sau một cuộc thử hạt nhân, nhằm cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng Mỹ có thể áp đặt hậu quả quân sự. Một quan chức khác cho biết quân đội Mỹ đã tính đến khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên, trước khi Tổng thống Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6.4 ở Florida.

Cuộc bàn luận này cũng diễn ra trước lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 15.4 vừa qua, trong đó có giới thiệu vài kiểu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới và tên lửa chống hạm. Triều Tiên cũng đã phóng thử một tên lửa nhưng thất bại vào ngày 16.4.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc tuần này, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh cáo Bình Nhưỡng không nên thách đố “tính kiên quyết” của ông Trump và ông tuyên bố “chiến lược kiên nhẫn” với Triều Tiên của thời Tổng thống Barack Obama đã kết thúc.

Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-Ryol nói với BBC rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa “hàng tuần, hàng tháng và hàng năm”. Ông còn nói chiến tranh tổng lực sẽ xảy ra nếu Mỹ có hành động quân sự.

Bắn hạ tên lửa chỉ chọc tức ông Kim Jong-un

Các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia nói rằng việc bắn hạ một tên lửa Triều Tiên phóng thử có nguy cơ gia tăng căng thẳng, mà hậu quả tàn phá rất lớn cho hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Washington cũng không thể kiểm soát sự căng thẳng này và có thể làm bùng nổ chiến tranh.

Abraham Denmark, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách chính sách về châu Á thời Obama, nói: “Tôi sẽ xem hành động của Mỹ là leo thang căng thẳng nhưng tôi không thể đoán ông Kim Jong-un diễn giải nó thế nào. Tôi lo ngại ông ấy cảm thấy cần phản ứng mãnh liệt vì ông ấy không muốn tỏ ra yếu ớt”.

Các quan chức quân sự Mỹ được cho là rất đau đầu, sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngày 11.2 đã gây bất ngờ cho họ. Tướng không quân John Hyten chỉ huy lực lượng vũ khí hạt nhân Mỹ, gần đây đã báo cáo Thượng viện Mỹ: "Cuộc phóng thử ngày 11.2 của Triều Tiên diễn ra ở một nơi mà chúng tôi chưa bao giờ thấy".

Việc Triều Tiên đạt tiến bộ về tên lửa, dàn phóng di động và thoát được vệ tinh kiểm soát đang khiến các nhà kế hoạch quân sự Mỹ lo sợ họ không đủ thời gian phát hiện Triều Tiên phóng các đợt tên lửa kế tiếp.

Nhiều quan chức thời Obama từng xem xét cách bắn hạ tên lửa Triều Tiên phóng thử, nhưng đã bác bỏ phương án này sau khi đánh giá những hậu quả từ việc khiêu khích một đối thủ khó lường trước và thích gây sự. Các quan chức Lầu Năm Góc xem phương án bắn hạ được cho là đã thừa nhận không thể biết rõ Bình Nhưỡng sẽ phản ứng như thế nào.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross nói: "Chúng tôi đang xem xét các biện pháp an ninh, ngoại giao và kinh tế. Chương trình vũ khí phi pháp của Triều Tiên là một mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Mỹ. Triều Tiên đã công khai rằng tên lửa đạn đạo của họ sẽ mang vũ khí hạt nhân để đánh các thành phố của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản".

Ông Ross cũng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ các hành động hung hăng, khiêu khích và gây bất ổn; đồng thời kêu gọi Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí phi pháp. Ông còn tái khẳng định việc Mỹ quyết tâm bảo vệ các đồng minh Hàn - Nhật đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Kim Hương (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Mỹ 'đau đầu' tính chuyện bắn hạ tên lửa Triều Tiên