Thông qua dự án nổi tiếng “Con đường tơ lụa”, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực phía Tây, với chiến thắng mới nhất tại Pakistan, cửa ngõ để Bắc Kinh hướng sang Trung Đông.

Mỹ ngại 'nuôi' đồng minh, Trung Quốc sốt sắng o bế để thông đường sang Trung Đông

17/04/2017, 09:48

Thông qua dự án nổi tiếng “Con đường tơ lụa”, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực phía Tây, với chiến thắng mới nhất tại Pakistan, cửa ngõ để Bắc Kinh hướng sang Trung Đông.

Ông Trump và ông Tập tại Florida cuối tuần trước

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Florida cuối tuần trước chứng kiến sự yếu thế và nhượng bộ đáng kể của Trung Quốc nhằm đảm bảo duy trì mối quan hệ kinh tế - thương mại quan trọng với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng ở ngoài phạm vi mối quan hệ song phương Mỹ - Trung thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác.

Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Pakistan và đưa quốc gia Nam Á này ngày càng tiến sâu hơn vào quỹ đạo của mình bằng cách khiến chính phủ tại Islamabad dần khép cửa với các khoản đầu tư từ phía Mỹ. Thông qua dự án nổi tiếng “Con đường tơ lụa”, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Nam và Trung Á, trong khi về phía Mỹ lại diễn ra theo chiều ngược lại.

Dự án khổng lồ về tuyến đường thương mại “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road) đang giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đáng kể tại Pakistan, khi hàng tỉ USD đầu tư đang được đổ vào để giúp quốc gia Nam Á này cải thiện đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém cùng hàng loạt các lĩnh vực quan trọng khác. Theo đó, các khoản giải ngân đầu tiên của khoản vay trị giá khoảng 55 tỉ USD được ký kết giữa hai nước cách đây 2 năm cho dự án hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã bắt đầu được thực hiện. Theo số liệu của ngân hàng trung ương Pakistan thì đầu tư trực tiếp của Mỹ tại nước này trong giai đoạn từ tháng 7.2013 đến tháng 1.2017 đạt khoảng 505 triệu USD, trong khi của Trung Quốc trong cùng giai đoạn lên tới 1,82 tỉ USD.

Bilal Khan, nhà kinh tế học cao cấp tại Standard Chartered chi nhánh Karachi lý giải về sự khác biệt này: “Trong khi Mỹ đang có xu hướng tập trung vào các vấn đề nội tại của mình, thì Trung Quốc lại vươn ra ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong tình hình hiện nay, mức vốn đầu tư FDI của Mỹ vào Pakistan sẽ chỉ nhỏ giọt và không thay đổi đáng kể, còn của Trung Quốc thì tràn vào như một cơn lũ”.

Đây được xem là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này lên mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ trở lại đây. Còn với Trung Quốc, nước này đang có tham vọng tiến hành dự án “Con đường tơ lụa” nhằm kết nối thương mại khắp Trung Á và sang cả châu Âu thông qua một hệ thống đường sắt, bến cảng và đường cao tốc. Theo báo cáo của Ủy ban chứng khoán và thị trường chứng khoán tại thủ đô Islamabad, Bắc Kinh cũng đang gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại Pakistan, với mức kỷ lục là 77 công ty đã niêm yết tại quốc gia này.

So với Trung Quốc thì các khoản đầu tư từ Mỹ có vẻ kém hấp dẫn hơn với nền kinh tế Pakistan. Những khoản đầu tư FDI từ Mỹ thường không phải là tiền mặt và là các dự án tái đầu tư từ những công ty đã có trụ sở trước đó tại Pakistan với số lượng khá khiêm tốn. Chẳng hạn như công ty thuốc lá Philip Morris International mới đầu tư thêm 105 triệu USD để cải thiện cơ sở sản xuất và lắp đặt thêm máy móc vào năm ngoái.

Mặc dù các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ như Proctor & Gamble hay General Electric đều đã xuất hiện tại Pakistan nhưng mức độ hợp tác và đầu tư còn khá ít. Phải đến gần đây thì hợp đồng có thời hạn 10 năm cung cấp 7 đầu máy xe lửa cho công ty đường sắt Pakistan trị giá khoảng 400 triệu USD mới được hoàn tất là một ví dụ điển hình.

Ông Abdul Aleem, Tổng giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp nước ngoài có trụ sở ở Karachi cho biết, cơ quan ông đang đại diện cho khoảng 195 công ty nước ngoài đang hoạt động tại Pakistan, trong đó chỉ có 31 công ty đến từ Mỹ. Ông Aleem cũng nói thêm rằng thái độ các nhà đầu tư Mỹ không được tốt: “Khi chúng tôi đề cập đến việc đầu tư vào Pakistan thì họ thường lảng đi”.

Theo bà Chen Fengying, chuyên gia kinh tế thế giới tại Học viện quan hệ quốc tế Trung Quốc, hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan nằm ngay tại ngã tư của hai mạng lưới chính mà Bắc Kinh đang xây dựng. Đầu tư song phương tăng trưởng nhanh chóng vì có sẵn một niềm tin khá lớn giữa chính phủ hai nước suốt thời gian qua. Bà Chen cho biết: “Pakistan hiện là nước duy nhất được chính phủ Trung Quốc xếp vào diện Đối tác chiến lược trong mọi điều kiện”.

Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mang tên “Diễn đàn hợp tác quốc tế về chương trình Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh vào tháng 5 tới với nguyên thủ đến từ khoảng 20 quốc gia. Trong khi đó, các nhà phân tích chính trị cho rằng có nhiều hơn những lý do về kinh tế cho sự sụt giảm đầu tư của Mỹ vào Pakistan. Bà Shaista Tabassum, trưởng khoa quan hệ quốc tế của Đại học Karachi, cho biết: “Đang có một sự dịch chuyển nhất định. Dự án CPEC đang đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Pakistan hơn nhưng cánh cửa với Mỹ vẫn chưa hẳn đã khép lại”.

Các vấn đề về an ninh là một trong những lý do khiến quan hệ giữa Mỹ và Pakistan trở nên căng thẳng. Từ nhiều năm nay Pakistan bị cáo buộc là chứa chấp các chiến binh tiến hành các vụ tấn công và khủng bố ở Ấn Độ và Afghanistan, khiến cho Mỹ không ít lần phải lên tiếng. Trong khi đó, Chính phủ Pakistan lại luôn phủ nhận những cáo buộc này.

Sự xích lại ngày càng gần hơn với Trung Quốc cũng khiến phát sinh những lo ngại về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Pakistan, khi nước này đang là quốc gia đứng thứ 6 trong danh sách các nước được Mỹ cung cấp nhiều viện trợ nhất. Đề xuất ngân sách 2018 được Nhà Trắng trình lên Quốc hội Mỹ mới đây được xem là một phần trong chính sách “nước Mỹ trước tiên” (America First) của ông Trump, trong đó đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài ở mức khoảng 28,5%.

Tuy nhiên, có vẻ như dòng vốn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc chảy vào Pakistan đang khiến nước này không có lý do gì để cảm thấy phải lo ngại về điều đó. Phát ngôn viên của Ngân hàng trung ương Pakistan, Abid Qamar, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây ở Karachi rằng dòng vốn đầu tư lớn của Trung Quốc vào nền kinh tế nước này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế khác làm điều tương tự: “Chúng tôi kỳ vọng rằng hiệu quả kinh tế từ chương trình CPEC sẽ khôi phục lại sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế với thị trường Pakistan”.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ ngại 'nuôi' đồng minh, Trung Quốc sốt sắng o bế để thông đường sang Trung Đông