Kiểm toán Deloitte đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã chứng khoán PVX) vì nhiều vấn đề lớn trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu PVX đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

PVC có nguy cơ rời sàn vì kiểm toán từ chối kết luận báo cáo tài chính

tuyetnhung | 19/09/2019, 18:03

Kiểm toán Deloitte đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã chứng khoán PVX) vì nhiều vấn đề lớn trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu PVX đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính soát xét được thực hiện bởi công ty kiểm toán Deloitte, con số lỗ lũy kế tính đến 30.6 tại PVC đã tăng 3.746 tỉ đồng, đạt ngưỡng gần 94% vốn điều lệ (4.000 tỉ đồng). Riêng trong nửa đầu năm 2019, PVX báo lỗ ròng gần 112 tỉ đồng. Phía công ty cho biết đã thực hiện triệt để công tác tiết giảm chi phí quản lý nhưng hoạt động kinh doanh của tổng công ty và các công ty thành viên đều gặp khó khăn.

Hai năm liền trước, doanh nghiệp này cũng đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỉ đồng năm 2017 và 414 tỉ đồng năm 2018. Nếu không thể kéo lợi nhuận thoát lỗ trong 6 tháng cuối năm, PVX sẽ có 3 năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm.

Đây là một trong các điều kiện khiến các doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012. Nếu không khắc phục được các nguyên nhân và công ty kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra ý kiến trong báo cáo tài chính năm 2019, PVX chắc chắn sẽ phải rời sàn.

Nguyên nhân khiến Kiểm toán Deloitte từ chối đưa ý kiến vì PVC “vướng” tới 9 vấn đề không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận. Cụ thể:

Thứ nhất, tại ngày 30.6, tổng lỗ lũy kế của PVC khoảng 3.746 tỉ đồng và tại ngày 31.12.2018 là 3.686 tỉ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn khoảng 352 tỉ đồng. PVC đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn có số dư gốc vay 1.122 tỉ đồng. Các yếu tố này dẫn đến nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của tổng công ty.

Thứ hai, PVC có số dư khoản cho khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh số tiền 200 tỉ đồng và số dư dự phòng đã trích lập cho khoản thu này là 124,4 tỉ đồng. Kiểm toán viên không thể thu thập được các bằng chứng liên quan đến giá trị có thể thu hồi khoản cho vay này và không thể xác định liệu có cần thiết điều chỉnh các số liệu hay không.

Thứ ba, báo cáo tài chính cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30.6 chưa được soát xét của Công ty CP Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land - công ty con của PVC) được hợp nhất với báo cáo tài chính giữa niên độ với tổng tài sản 1.115 tỉ đồng, nợ phải trả 1.097 tỉ đồng, tổng lỗ sau thuế khoảng 3,5 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính chưa soát xét của PVC Land cung cấp tại ngày 30.6 thì nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 264 tỉ đồng và lỗ lũy kế khoảng 232 tỉ đồng, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của PVC Land. Tuy nhiên, do PVC chưa đánh giá được ảnh hưởng này nên kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Thứ tư, Công ty CP Dầu khí Mỹ Phú - công ty con của Công ty CPĐầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (một công ty con của PVC) là chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú. Tại ngày 30.6, Mỹ Phú chưa tiến hành phân bổ giá trị tầng hầm để xe thuộc khu chung cư (đang được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với số tiền khoảng 58,9 tỉ đồng) vào giá vốn của hàng hóa bất động sản đã bán ra trong các năm tương ứng với diện tích tầng hầm sở hữu chung của cả tòa chung cư.

Thứ năm, số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá trị gốc lần lượt khoảng 249,7 tỉ đồng và 25,8 tỉ đồng. Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, PVC đang làm việc với các cơ quan liên quan để điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án.

Thứ sáu, PVC có một số khoản vốn góp vào các đơn vị khác được ghi nhận với tống giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng lần lượt là 49,7 tỉ đồng là 18,2 tỉ đồng. PVC chưa đánh giá được hết sự suy giảm giá trị các khoản đầu tư nêu trên.

Thứ bảy, Công ty CP Dầu khí Đông Đô (công ty con) ghi nhận số dư đầu tư vào tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ siêu thị và văn phòng làm việc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (dự án Dolphin Plaza) khoảng 37,1 tỉ đồng. Kiểm toán không thu thập được các bằng chứng thích hợp để đánh giá liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này hay không.

Thứ tám, thành phẩm bất động sản tồn kho của PVC đến 30.6 bao gồm công trình chung cư thuộc dự án khách sạn dầu khí Thái Bình với giá trị ghi sổ khoảng 38 tỉ đồng. PVC chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của công trình này.

Cuối cùng, PVC đã thực hiện hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh cho Công ty CP Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) vay vốn với số tiền khoảng 99,9 tỉ đồng trong năm 2016. Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, PVC vẫn đang làm việc với PVC-SG và tổ chức tín dụng để giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh.

Đến cuối quý 2/2019, tổng tài sản của PVC giảm về còn 10.000 tỉ đồng, nhưng giá trị tồn kho và các khoản phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm lần lượt gần 36% và 33% tài sản. Cổ phiếu PVXđang giao dịch tại giá 1.400 đồng/cổ phiếu. Dù vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, giá trị vốn hóa của PVC chỉ ở mức 560 tỉ đồng.

PVC là tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, một trong các dự án trọng điểm quốc gia đang dang dở, chậm kế hoạch. Cũng liên quan đến dự án này, nhiều cựu lãnh đạo của PVC như cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận… vướng vòng lao lý. Trên danh nghĩa, PVC vẫn là tổng thầu dự án. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết tập đoàn đang làm thay, trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn…

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PVC có nguy cơ rời sàn vì kiểm toán từ chối kết luận báo cáo tài chính