Những câu hỏi quan trọng cần giải đáp về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:50, 25/05/2022

Các chuyên gia về dịch bệnh Nam Phi không thấy cần phải có các chiến dịch tiêm vắc xin đậu mùa khỉ đại trà trên toàn cầu hoặc không tin rằng các ca bệnh sẽ bùng phát theo cách tương tự như nCoV.

Cho đến ngày 25.5, Nam Phi chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ nào. Thế nhưng, các cơ quan y tế nước này đã cảnh giác sau khi hơn 200 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận nhiễm vi rút đậu mùa khỉ xuất hiện tại ít nhất 19 quốc gia kể từ đầu tháng 5, phần lớn ở châu Âu.

Adrian Puren, Giám đốc điều hành của Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi, nói trong một cuộc họp báo: “Tại thời điểm này, chúng tôi không thực sự cần các chiến dịch vắc xin hàng loạt”.

Adrian Puren cho biết việc sử dụng vắc xin nên được ưu tiên cho các bệnh nhiễm trùng khác có khả năng gây bệnh cao hơn hoặc gây chết người.

Chúng tôi cần một chương trình nghị sự về những loại vắc xin nào nên được ưu tiên và cách chúng tôi tiếp cận vấn đề đó, bởi một lần nữa, có một lượng tài chính hữu hạn có thể sử dụng cho vắc xin. Tôi hiểu áp lực nhưng nghĩ rằng trong bối cảnh cụ thể này, chúng ta cần thận trọng", ông nói.

Bà Jacqueline Weyer từ Trung tâm các bệnh ký sinh trùng và động vật mới nổi của NICD, tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay bên ngoài châu Phi có thể được kiềm chế nhanh hơn thông qua xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, theo dõi và cách ly hơn là tiêm vắc xin.

Jacqueline Weyer cho biết trong số 11 ca mắc bệnh đậu mùa ở khỉ đã được giải trình tự gien, hầu như không có thay đổi nào so với các trường hợp nhiễm vi rút ở Nigeria những năm gần đây.

"Vì vậy, không có gì lạ, không có gì mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây, ngoại trừ việc nó đang diễn ra ở một nơi khác", bà nói.

Jacqueline Weyer cho biết thêm, bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng lây truyền cao như vi rút SARS-CoV-2 và các cơ quan y tế có thể vượt qua nó bằng cách áp dụng các kỹ thuật tương tự như được sử dụng để kiểm soát sự lây lan Ebola.

Trước đó, WHO cho rằng dịch đậu mùa khỉ bùng phát bên ngoài châu Phi không dẫn đến cần phải tiêm vắc xin hàng loạt vì các biện pháp như vệ sinh tốt và hành vi tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan của nó.

Richard Pebody, người đứng đầu nhóm mầm bệnh có mức độ đe dọa cao tại WHO khu vực châu Âu, nói với Reuters rằng nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng vi rút ngay lập tức tương đối hạn chế.

Xem thêm: Những loại vắc xin và thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Ông Richard Pebody cho biết các biện pháp chính để kiểm soát sự bùng phát là theo dõi tiếp xúc và cách ly, lưu ý rằng đây không phải là một loại vi rút lây lan rất dễ dàng và đến nay chưa gây ra bệnh nghiêm trọng. Ông nói thêm, vắc xin được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ có thể có một số tác dụng phụ đáng kể.

Hầu hết quốc gia đều cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn vi rút lây truyền. Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 21 ngày.

Giáo sư Moritz Kraemer của Đại học Oxford đã nói trong cuộc hội thảo riêng rằng rất khó dự đoán quỹ đạo các ca bệnh đậu mùa khỉ. "Còn quá sớm để làm bất kỳ mô hình nào", ông nói.

Theo Moritz Kraemer, các câu hỏi chính vẫn cần được trả lời bao gồm: Khi người khác truyền bệnh đậu mùa khỉ, liệu nó có lây truyền trước khi có các triệu chứng rõ ràng không? Có bao nhiêu người tiếp xúc gần sau đó mắc bệnh đậu mùa khỉ và họ có kết quả dương tính nhanh như thế nào?

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và thường tự khỏi.

Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.

WHO nhấn mạnh rằng, tuy đợt bùng phát bệnh là bất thường nhưng vẫn ở mức "có thể kiểm soát được".

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhiễm vi rút thường nhẹ, phổ biến ở các vùng Tây và Trung Phi. Nó lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc gần và cho đến khi bùng phát gần đây, hiếm khi được nhìn thấy ở các khu vực khác trên thế giới.

Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ để xem mức độ lây truyền như thế nào và biết nó đang đi đến đâu”, Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý Nguy cơ lây nhiễm của WHO, nói.

Bà cho biết không rõ các vụ việc là "phần nổi của tảng băng chìm" hay đỉnh điểm về sự lây truyền đã qua đi.

nhung-cau-hoi-quan-trong-can-giai-dap-ve-dot-bung-phat-benh-dau-mua-khi.jpg
Ca bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở ít nhất 19 nước nhưng các chuyên gia khuyên người dân không nên quá lo lắng - Ảnh: Internet

Hôm 24.5, Cơ quan giám sát y tế quốc gia Nga (Rospotrebnadzor) tuyên bố không có lý do gì để hoảng sợ trước đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới.

Anna Popova, người đứng đầu Rospotrebnadzor, nói với Đài Russian KP rằng căn bệnh này đã được nhân loại biết đến rất nhiều.

Anna Popova nói đến nay không có ca bệnh đậu mùa khỉ nào “nhập khẩu” vào Nga, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có hệ thống xét nghiệm với khả năng phát hiện vi rút trong mẫu bệnh phẩm trong vòng vài giờ.

Nhà chức trách Nga đã đưa ra các biện pháp kiểm soát vệ sinh và thông báo cho các nhân viên y tế về tình hình, bà nói thêm.

Điều quan trọng là phải cảnh giác”, Anna Popova nói khi bà kêu gọi các bác sĩ chú ý đến các triệu chứng nhất định có thể là dấu hiệu của căn bệnh này.

Người đứng đầu Rospotrebnadzor khuyên những người đã đến các khu vực có nguy cơ và cảm thấy bị bệnh sau đó nên thông báo cho các bác sĩ về chuyến đi của họ.

Theo Anna Popova, các quốc gia châu Âu đến nay đã phải đối mặt với biến thể ít nguy hiểm nhất của vi rút đậu mùa khỉ. “Nó ít gây bệnh hơn. Nó gây ra một căn bệnh nhẹ hơn”, bà nói.

Anna Popova cũng nói rằng vi rút này không có nhiều đột biến so với hai chủng trước đây. 

Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ: Chủng Tây Phi nhẹ hơn, đang lưu hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, có tỷ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1%; chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

Theo Anna Popova, những người Nga sinh trước năm 1980 cũng không nên đặc biệt lo lắng về căn bệnh này, giải thích rằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa là bắt buộc ở Liên Xô trước năm đó và việc này cũng có thể mang lại hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Sơn Vân