“Biên bản thặng dư” của nhà thơ Phùng Hiệu gồm 41 bài thơ viết về những con người lao động, về giai cấp công nhân, về những mảnh đời bất hạnh, những số phận hẩm hiu, những con người bị bóc lột sức lao động thặng dư…

Phùng Hiệu và câu chuyện trong ‘Biên bản thặng dư’

Tiểu Vũ | 02/11/2019, 06:40

“Biên bản thặng dư” của nhà thơ Phùng Hiệu gồm 41 bài thơ viết về những con người lao động, về giai cấp công nhân, về những mảnh đời bất hạnh, những số phận hẩm hiu, những con người bị bóc lột sức lao động thặng dư…

Sáng 1.11.2019, tại TP.HCM nhà thơ Phùng Hiệu đã cho ra mắt tập thơ Biên bản thặng dư (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9.2019). Buổi ra mắt thơcũng là dịp để nhiều ngườigiới văn nghệ sĩ Sài Gòn nhưnhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhà thơ Lê Tú Lệ, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà thơ Phan Hoàng, PGS-TS Bùi Thanh Truyền…đến chia vui cùng tác giả và cùng nhau “bàn chuyện văn chương thế sự”…

Phùng Hiệu được giới văn chương Sài Gòn nhận xét như là một nhà thơ “chịu chơi” bởi sự dấn thân đầy đam mê của anh vào con đường văn chương chữ nghĩa trong suốt hơn một thập niên qua. Hiếm thấy một doanh nhân, một nhà báo lại có nhiều tác phẩm thơ như Phùng Hiệu. Biên bản thặng dư là tác phẩm thứ 5 của anh, trước Phùng Hiệu cũng đã tạo dấu ấn riêng với công chúng qua 4 tập thơ Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Trong thế giới ngụy trang, Dấu chân biển cả.

Biên bản thặng dư của Phùng Hiệu ra mắt lần này không chỉ dừng lại ở một tập thơ. Thơ chỉ là phương tiện nghệ thuật để anh cất lên tiếng nói, tiếng gào thét gần như tuyệt vọng trước thực tế nghiệt ngã của của xã hội đương thời. Đọc chậm thơ của Phùng Hiệu có thể cảm nhận rõ đượcmỗi con chữđều gồng gánh nặng trĩu những trăn trở suy tưvề thân phận con người, về những điều bất công còn tồn tại trong xã hội.

Gói sự thật vào giấc mơ

Tôi đi tìm công lý

Tin chắc ở phía chân trời có ánh bình minh

Nhưng khi vừa đến chân trời tôi chạm phải bóng đêm

Đi sâu vào bóng đêm

Là cả hành trình lương tri lộ diện

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCMnhận xét về thơ Phùng Hiệu

Đọc thơ của Phùng hiệu đôi khi có cảm giác như đang đọcbản tin thời sự xã hội nóng bởi những câu chuyện rất đời thường:

Chị rời khỏi xưởng may

Và vội vả bước chân về sáng

Đêm đã lắng nghe tiếng đời đã cạn

Trăng ngã về phía tăng ca…

Trong Biên bản thặng dư, người đọc có thể bắt gặp vô số những câu chuyện thời sự như thế trong các bài Quét rác, Tiếng rên gạch cát, Cuộc mưu sinh, Em vẫn lớn lên, Giấc mơ hiện thực, Sau lưng tiếng kẻng công trường, Tiếng nấc trong khu rừng cao su, Quy hoạch tự do, Phía sau bức tường giải tỏa, Biên bản thặng dư, Sự thật không thể bị giết chết…

Nhà thơ Phùng Hiệu tai buổi ra mắt tập thơ mới

“Nhà thơ Phùng Hiệu còn là một nhà báo, đó cũng là một lý do khiến anh quan sát đời sống này một cách chi tiết và trung thực. Những hình ảnh, con người, sự việc trong thơ Phùng Hiệu trên bề mặt chỉ mang đến cho chúng ta những thông tin xã hội. Nhưng khi những hình ảnh ấy, những con người ấy và những sự việc ấy đã được Phùng Hiệu thi ca hóa thì hoàn toàn khác… Tập thơ Biên bản thặng dư này, có hai thách thức quá lớn không chỉ đối với nhà thơ Phùng Hiệu mà đối với hầu hết các nhà thơ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét về thơ Phùng Hiệu.

Có thể nói Phùng Hiệu rất can đảm khi chọn đề tài vừa khô khan vừa “nhạy cảm” để làm chất liệu sáng tác cho tập thơ mới của mình. Những bài thời đó “thời sự” có thể gây nhàm chán cho người đọc khi mà những phát hiện của Phùng Hiệu không còn quá xa lạ trong xã hội ngày nay.41 bài thơ viết anh viết về những con người lao động, những con người bị bóc lột sức lao động thặng dư nhưng được hợp thức hóa bằng những bản hợp đồng, bằng cam kết tự nguyện tăng ca, bị ràng buộc vào những văn bản pháp lý kinh tế để làm việc cả ngày lẫn đêm trên công trường, nhà máy, xí nghiệp để rồi nhận lại bằng những đồng lương rẻ mạt.

Văn nghệ sĩ TP.HCM đến chia vui cùng nhà thơ Phùng Hiệu

Tuy nhiên chúngta cũng phải cảm ơn sự can đảm này Phùng Hiệu bởi thơ cũng chính là thái độ và trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề nhức nhói còn tồn tại trong xã hội. Nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Qua câu chua chát lại thấy vẻ đẹp của nước mắt, qua những lời ai oán lại thấy sức mạnh của tình thương. Thi ca sẽ chẳng có giá trị gì, nếu ý tứ không bênh vực nhân phẩm, nếu chữ nghĩa không cổ vũ lẽ phải. Trong nhộn nhịp tốc độ đô thị hóa, Phùng Hiệu giúp độc giả thấu hiểu sự cơ cực của nhiều người: Trong sôi sục khao khát hiện đại hóa, Phùng Hiệu giúp độc giả thấm thía sự ngậm ngùi của từng người: “Em nổi trôi theo từng dự án/ Như thể dòng sông không dừng lại bao giờ/ Lán trại mùa này không chứa nổi giấc mơ/ Để em có được bầu trời yêu thương hoang tưởng/ Sau lưng tiếng kẻng công trường”.

Thơ có nhiều cách để dự phần và để tồn tại. Dắt thơ lặn lội qua tăm tối cõi người, để thơ được bật sáng, cũng là một cách thú vị. Và Phùng Hiệu đã chọn lựa cách ấy, để bày tỏ sự thao thức nhà thơ.

“Phùng Hiệu lập biên bản phần hiện thực bị che khuất, đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm”, cái khó là làm sao nói lên sự thật mà không bị hiểu lầm. Điều này nhà thơ đã có kinh nghiệm và anh đã viết được những bài thơ có thể lay động những trái tim vô cảm. Thái độ lên tiếng nói trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề của thời đại là thái độ cần phải có của lương tâm. Viết về người công nhân rơi từ tầng 18 xuống đất chết (Sự mất tích của người công nhân) nhà thơ bày tỏ nỗi xót thương trĩu nặng đồng thời nói lên cái nghịch lý của những “dự án thặng dư” để đặt vấn đề với những người có trách nhiệm. Viết về “Em lớn lên bằng vòng tay vé số/ Em lớn lên từ ve chai sắt vụn/ Em lớn lên bằng sự thờ ơ lạnh lẽo” nhà thơ bày tỏ một lòng tin về "Sự sống vẫn mãnh liệt hơn những gì tôi biết” (Em vẫn lớn lên).

Nếu tình cảm là gốc của thi ca thì ở bài thơ nào Phùng Hiệu cũng không kiềm chế được sự bức xúc trước những bất công người lao động phải chịu đựng. Những bài thơ Bước tha phương, Lửa-trên nóc nhà thế giới, Em giữa miền trung… có mạch cảm xúc dào dạt nhưng lại lắng đọng rất sâu về tình người, về những khát vọng. Nhiều bài thơ kết bằng một tứ thơ rất lạ, Sự thật không thể bị giết chết, Quét rác, Sa thải một cơn mơ, làm người đọc ngạc nhiên thú vị ở cách cấu tứ như thế”.

Nhà thơ Phùng Hiệu tên thật Phùng Văn Hiệu, sinh năm 1976 tại Thành phố Đà Nẵng, lớn lên tại Phú Ngọc, Định Quán Đồng Nai. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật TPHCM, hiện đang công tác tại Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam, Chi hội trưởng Chi Hội Nhà văn Bến Nghé - Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ biên trang Văn Chương Phương Nam - Diễn đàn của Hội Nhà văn TP.HCM. Ngoài ra anh còn làm kinh doanh trong lãnh vực xây dựng, là Giám đốc Cty CP Xây dựng Lạc Hồng.

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phùng Hiệu và câu chuyện trong ‘Biên bản thặng dư’