Thừa Thiên Huế xác định TP Huế là hạt nhân của mô hình đô thị di sản đặc thù của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Du lịch có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế.
Cũng như tất cả các địa phương trong cả nước, đại dịch COVID-19 quét qua TP Huế đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, dịch vụ. Năm 2020 doanh thu du lịch của TP Huế giảm sâu ở mức 66% so với cùng kỳ năm 2019, ước giảm khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch chỉ bằng ¼ so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu trong lĩnh vực chỉ bằng 1/5 so với năm 2019. Số lao động nghỉ việc trong ngành du lịch của thành phố khoảng 8.000 người, 90% cơ sở lưu trú dừng đón khách còn các hoạt động lữ hành gần như tê liệt hoàn toàn.
Câu chuyện phục hồi và phát triển du lịch Huế trong những ngày này vẫn là chủ đề nóng trên những diễn đàn của chính quyền và giới doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của thành phố. Đây là một bài toán khó cho cả chính quyền, doanh nghiệp và cả người dân.
Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, định hướng của ngành du lịch, TP Huế cũng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước phục hồi, biến thách thức thành cơ hội, đưa điểm đến Huế mộng mơ phát triển trở lại với một số trọng tâm sau:
1. Xây dựng điểm đến an toàn trong phòng chống dịch, phục hồi từng bước.
An toàn trong phòng chống dịch là yếu tố quyết định cho tiến trình phục hồi du lịch. Thời điểm để bắt đầu cho công cuộc phục hồi lại du lịch Huế chỉ có thể là khi người dân trên địa bàn thành phố hoặc xa hơn là toàn tỉnh được tiêm vắc xin một cách cơ bản.
Huế đã triển khai tiêm vắc xin cho người làm việc trong các ngành du lịch, dịch vụ từ rất sớm; đồng thời, cũng đã triển khai cấp thẻ QR code phòng chống dịch cho gần như toàn dân và tiến hành tập huấn, quy định bắt buộc quét QR code đối với tất cả các cơ sở tập trung đông người.
Nếu lượng vắc xin được phân bổ đúng theo dự kiến và cũng không có vấn đề đột biến trong diễn biến dịch COVID-19, tháng 12.2021được kỳ vọng là thời điểm tốt đểkhởi động đồng bộ công cuộc phục hồi cho du lịch Huế.
Về lộ trình phục hồi du lịch, trước tiên cần tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, tạo đà cho các cơ sở kinh doanh lưu trú thu hút khách.
Huế là địa phương triển khai phòng chống dịch khá tốt nên từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch vẫn có thể hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy, khi chính quyền cho phép, các doanh nghiệp này có thể nhanh chóng triển khai hoạt động bình thường trở lại.
Mặt khác, quá trình phòng chống dịch đã làm cho nguồn nhân lực trong ngành du lịch có sự chuyển dịch theo hướng một bộ phận có kinh nghiệm rời bỏ các đơn vị lưu trú, nghỉ dưỡng để tự làm dịch vụ nhằm nuôi sống bản thân và gia đình mình. Do đó, các ngành dịch vụ sẽ có thêm sự phong phú, sức phát triển dồi dào, mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, các cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng lớn cũng sẽ phải gặp những khó khăn bước đầu trong quá trình tái hoạt động. Đây là vấn đề cần lưu ý để có những lộ trình phù hợp từ phía doanh nghiệp, cũng như chính quyền.
2. Chỉnh trang hạ tầng đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng về đô thị du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Phát triển các sản phẩm mới liên quan đến ẩm thực, di tích, di sản, du lịch cộng đồng để tạo sự khác biệt mang đến trải nghiệm cao.
Trong 2 năm vừa qua, tận dụng bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội bị hạn chế, Huế đã đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang hạ tầng đô thị, đầu tư các đường dạo quanh sông Hương, nâng cấp đường phố vỉa hè, công viên, chỉnh trang cây xanh, giải phóng khu vực 1 quần thể di tích Huế…
Cùng với việc lập lại trật tự đường phố, bến xe thuyền, các chợ lớn và giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, phục vụ khách du lịch, thành phố đang tạo ra những chuyển biến lớn trong việc tạo ra một môi trường đồng bộ, phù hợp cho phát triển du lịch trong thời gian tới.
Khắc phục tình trạng khai thác, phát triển dưới tầm tiềm năng trong một thời gian dài. Các đơn vị trên địa bàn thành phố Huế đã và đang tập trung đa dạng và nâng cao chất lượng các điểm di tích, đặc biệt khai thác các dịch vụ cao cấp như tại Duyệt Thị Đường, Đông Khuyết Đài, sản phẩm hàng lưu niệm,...
Tái hiện, phục dựng các sinh hoạt, hoạt động thời vua chúa trong Hoàng cung (Lễ Ban sóc, Lễ đổi gác, Lễ dựng nêu), các trò chơi dân gian, khai thác mô hình thực tế ảo, sân khấu thực cảnh,…
Phát huy các giá trị bên ngoài Đại Nội để khai thác các dịch vụ, trải nghiệm phục vụ khách du lịch mà bên trong không khai thác được như Thái Y Viện, ẩm thực cao cấp (ngự thiện), bảo tàng cung đình,...
Điểm nhấn của các hoạt động này sẽ tập trung vào việc khai trương phố đi bộ quanh Đại Nội, qua các trục đường 23 tháng 8 - Lê Huân- Đặng Thái Thân - Đoàn Thị Điểm diễn ra vào khoảng tháng 12.2021 với định hướng đưa các hoạt động nghệ thuật cung đình đến gần gũi với người dân, khách du lịch hơn, thông qua tạo ra sự liên thông giữa Đại Nội và đường phố chung quanh, sự phối hợp đan xen quảng diễn giữa nghệ thuật cung đình với nghệ thuật đường phố thông qua sự phối hợp tổ chức giữa UBND thành phố Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Đề án này hứa hẹn sẽ là sự thành công tiếp theo của đề án phố đi bộ phía bờ Nam sông Hương nhưng với xu hướng khác – nặng về trải nghiệm văn hóa - nghệ thuật nhằm phát huy thế mạnh độc đáo của du lịch Huế.
Song song với các sản phẩm du lịch trên, Huế cũng đã triển khai tạo các điều kiện thuận lợi để người dân có thể phát triển các dịch vụ ẩm thực dân gian thông qua việc cho phép thí điểm triển khai kinh doanh trên vỉa hè và một số không gian công cộng phù hợp, tạo điều kiện cho du khách có thể trải nghiệm ẩm thực Huế một cách gần gũi, dân dã.
Việc mở rộng thành phố theo Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã mở ra cơ hội cho Huế có thêm nhiều dư địa để phát triển du lịch. Thành phố đang gấp rút triển khai chuẩn bị đầu tư để hình thành nên cụm du lịch cộng đồng ở phía Tây thành phố, bao gồm cửa biển Hải Dương, Thuận An, Rú Chá, Cồn Tè, phá Tam Giang với định hướng phát triển các hoạt động cắm trại, tổ chức các lễ hội âm nhạc, trải nghiệm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai… Cùng với các khu du lịch nghỉ dưỡng quanh khu vực này, du lịch Huế sẽ mang lại nhiều dịch vụ trải nghiệm thú vị mới, tạo dấu ấn khó quên với du khách.
3. Phát triển du lịch thông minh gắn với hệ sinh thái đô thị thông minh mà tỉnh đang tập trung xây dựng và hoàn thiện.
Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước các năm qua về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển du lịch thông minh. Các sản phẩm đang lần lượt ra đời để phục vụ khách trong thời gian tới là dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide/ minh họa qua quét QR) phục vụ khách du lịch tham quan quần thể di tích Cố đô Huế và các điểm đến khác; hệ thống xe đạp thông minh; giải trí thực tế ảo VR, VR 360, thực tế ảo tăng cường; trang bị hạ tầng du lịch thông minh; các ki ốt cung cấp thông tin và xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, triển khai vé điện tử... để tạo tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch khi đến Huế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch địa phương với phương châm: quản lý thông minh, trải nghiệm thông minh và quảng bá thông minh.
4. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, mang tính đại diện và dấu ấn thương hiệu.
Để kéo dài ngày khách lưu trú và khiến du khách "móc hầu bao" nhiều, trong thời gian qua, rất nhiều sản phẩm và dịch vụ chủ đạo đã được tập trung xây dựng như Huế kinh đô áo dài, xây dựng Kinh đô ẩm thực gắn với phát triển loại hình Du lịch ẩm thực. Lấy ẩm thực làm trung tâm để xây dựng các tua tuyến. Thay đổi nhận thức ẩm thực là một hoạt động đi kèm của du lịch thành một loại hình du lịch đặc sắc.
Với hướng tiếp cận đó, tinh hoa của ẩm thực Huế từ các món ăn cung đình, cơm chay, các món dân dã, đường phố, các món đặc sản vùng biển, đầm phá, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đã được thống kê, lưu giữ, phục hồi chế biến đúng kiểu cách theo đúng nguyên liệu, gia vị truyền thống mà còn phải nhanh chóng đưa vào khai thác trong những tua ẩm thực chuyên nghiệp, riêng biệt tại nhiều địa điểm với những đặc trưng khác nhau.
Việc đa dạng hóa sản phẩm còn được thể hiện qua việc xây dựng các sản phẩm ở khu vực vệ tinh, chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với đô thị di sản. Các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vùng biển, đầm phá, du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng, làng nghề, nghề truyền thống, nhà vườn, nhà rường… đã được chú trọng xây dựng, chuẩn bị tích cực trong giai đoạn dịch để mở cửa đón khách khi các thị trường du lịch mở cửa trở lại.
Thừa Thiên Huế xác định TP Huế là hạt nhân của mô hình đô thị di sản đặc thù của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Du lịch có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế. Đây không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là ngành động lực để thúc đẩy các lĩnh vực mà tỉnh Thừa Thiên Huế có thế mạnh để phát triển như y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghệ thông tin...
Trong phạm vi bài viết này, không thể kể hết những việc cần làm và sẽ làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua dịch bệnh, Huế cũng đã có đủ thời gian để nhìn nhận lại mình với tất cả những điểm mạnh, điểm yếu, những điều cần khắc phục, những điều cần thay đổi và những điều cần trân quý gìn giữ, phát huy.
Người viết tin chắc rằng, du lịch Huế sẽ có những bước khởi sắc đầy hứng khởi với những sản phẩm độc đáo, đặc thù, để lại cho du khách những cảm nhận tốt khó quên, cùng với du lịch Việt Nam tạo nên những dấu ấn mới, trong một thời kỳ phát triển mới.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”