“Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công, tập trung vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt của các gói tài chính...”, PGS.TS. Nguyễn Đắc Hưng, Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Phục hồi kinh tế sau dịch: Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công?

Lam Thanh | 19/10/2020, 10:09

“Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công, tập trung vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt của các gói tài chính...”, PGS.TS. Nguyễn Đắc Hưng, Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Nhiều gói hỗ trợ chưa hiệu quả

Theo PGS.TS. Nguyễn Đắc Hưng, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho đến nay, chưa có ý kiến chính thức và chưa có công bố của tổ chức có uy tín về tình trạng nền kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng. Song suy giảm kinh tế, tăng trưởng âm của nhiều quốc gia hàng đầu đang cho thấy mức độ ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu.

ho-tro.jpg
Nhiều gói hỗ trợ chưa hiệu quả - Ảnh: Internet

Nhìn lại lịch sử khoảng 40 năm gần đây cho thấy, bình quân cứ 10 năm một lần, thế giới lại xảy ra khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, nghiên cứu về các biện pháp tài chính - tiền tệ được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đưa ra hiện nay để có chiến lược chủ động cho lâu dài 5 - 10 năm nữa là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết.

Như nhiều nước trên thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các gói hỗ trợ thuộc phạm vi điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, góp phần tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, cho nhiều hộ gia đình và cá nhân, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tạo đà tăng trưởng GDP.

Đến nay, Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ nền kinh tế và anh sinh xã hội để vượt qua khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Ước tính tổng giá trị thực tế về mặt tài chính mà Chính phủ và hệ thống các TCTD cam kết khoảng 181,4 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, có thể thấy trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ, tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại các gói hỗ trợ khác rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Lấy ví dụ gói hỗ trợ về tài khóa, ông Hưng đánh giá kết quả giải ngân gói hỗ trợ tài chính này rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp đã nộp tiền thuế TNDN năm 2019 ngay trong quý 1/2020; một số doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất từ đầu năm 2020 nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn; tâm lý e ngại thủ tục rườm rà.

Về gói an sinh xã hội có giá trị khoảng 45,8 nghìn tỉ đồng (0,8% GDP), chứ không phải là con số 62 nghìn tỉ đồng - đây là con số dự kiến (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỉ đồng, đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay), tính đến ngày 13.7.2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh.

“Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm, trong đó, gói 16.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được. Lý do là điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; nhiều doanh nghiệp tự xoay sở”, ông Hưng nói.

Hơn nữa, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8.2020 mới đạt 50% kế hoạch là quá chậm. Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỉ đồng. Đồng thời, một số đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỉ đồng.

“Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%, bởi vậy, mục tiêu là phải giải ngân 100% vốn đầu tư công”, ông Hưng nói.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo đó, chuyên gia này cho rằng Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn, giải thích các trường hợp có các cách hiểu khác nhau đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng; sớm xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021, cho ứng vốn một số dự án triển khai đầu tư công năm 2021, có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Tiếp theo, chuyên gia này cho rằng các bộ ngành và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cần tiếp tục triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng gói hỗ trợ bằng tiền mặt, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó, hết sức chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin như: dịch vụ mobile money, ví điện tử... Kèm theo đó, tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng, giám sát của người dân, của cộng đồng, của dư luận xã hội.

Cũng chuyên gia này, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp khác mang tính bổ trợ và dài hạn khác như: nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ khẩn cấp cho cả thiên tai, dịch bệnh với cơ chế đặc thù, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả); tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử…, vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

Một giải pháp nữa là trong trung và dài hạn khi xây dựng và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp đối với nền kinh tế gặp khó khăn bởi cả thiên tai, dịch bệnh luôn luôn sử dụng đồng thời cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ của cả hai chính sách này.

“Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công và tốt nhất tập trung vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, giải trình, điều chỉnh, linh hoạt của các gói tài chính, các công cụ chính sách tiền tệ”, ông Hưng nói.

Việt Nam đã thực hiện một số gói hỗ trợ:

Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỉ đồng (1,2% GDP) gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỉ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỉ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến ngày 31.7.2020 khoảng 56.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 31,2% quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỉ đồng (0,6% GDP), bao gồm: mức lãi suất khi các TCTD cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỉ đồng; các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5%/năm cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...

Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20 - 25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng.

NHNN cũng đã hai lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Theo NHNN, đến ngày 13.7.2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỉ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.

Gói an sinh xã hội tính đến ngày 13.7.2020 đã thực hiện giải ngân khoảng 12 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm, trong đó, gói 16.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được.

Các gói hỗ trợ khác ước tính có tổng giá trị 26 nghìn tỉ đồng (0,43% GDP) bao gồm: gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỉ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỉ đồng. Đến hết ngày 30.6.2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỉ đồng (62,4%).

Tác giả trích dẫn

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi kinh tế sau dịch: Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công?