Lính biên phòng cũng có gia đình và cất giấu bao nỗi buồn vui, nhưng những ngày này họ đành rời xa hậu phương, gác chuyện cá nhân để bám biên chống dịch COVID-19. Những cống hiến tận tụy, không quản hiểm nguy, ngày đêm vì cộng đồng. Tôi chỉ muốn bạn biết rằng, những người lính áo xanh ấy luôn sát cánh chiến đấu cùng các bạn để chế ngự đẩy lùi dịch bệnh.

Phóng sự về lực lượng biên phòng nơi biên giới phía nam những ngày chống dịch

Tô Văn | 16/10/2021, 12:15

Lính biên phòng cũng có gia đình và cất giấu bao nỗi buồn vui, nhưng những ngày này họ đành rời xa hậu phương, gác chuyện cá nhân để bám biên chống dịch COVID-19. Những cống hiến tận tụy, không quản hiểm nguy, ngày đêm vì cộng đồng. Tôi chỉ muốn bạn biết rằng, những người lính áo xanh ấy luôn sát cánh chiến đấu cùng các bạn để chế ngự đẩy lùi dịch bệnh.

Trở lại vùng biên

Những ngày cuối tháng 9, từ TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) tôi phi xe gắn máy để đến thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Đó là cách đi nhanh nhất để có thể vượt qua quãng đường hơn 100km, trong đó phải qua hàng chục chốt cơ động kiểm soát dịch trên đường. Khi đến Trạm kiểm soát cửa khẩu Khánh Bình, Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang... tôi dắt xe vào trạm để hỏi thăm. Mặt đất vùng biên giới như bị rang lên. Nắng cuối tháng 9 hầm hập quất xuống như lửa. Thỉnh thoảng, gió vùng biên thổi vào làm rát mặt. Tôi ì ạch bước chân vào trạm.

3-thieu-ta.jpg
Nhiệm vụ của người lính áo xanh vừa chống dịch vừa lo cuộc sống cho dân - Ảnh: Tô Văn

Tại trạm, một đội hình (khoảng 20 người) với quần áo bảo hộ kín mít, bên cạnh là chiếc xe tải chất đầy rau củ quả. Chưa kịp hỏi, một hạ sĩ tiến lại đưa chai nước suối về phía tôi, rồi chỉ tay về đội hình và bảo: "Các bạn đó đang chuẩn bị phát gạo và rau củ, quả cho các hộ trong khu vực bị phong tỏa”. Hạ sĩ này lẩm nhẩm tính: “Hôm nay, 50 phần tại xã Khánh An, 60 phần tại thị trấn Long Bình..". Được một lúc thì có một người đàn ông cưỡi xe gắn máy chạy vào. Đó là người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, dáng khẳng khiu nhưng giọng nói thì rất khỏe khoắn – Một thứ thổ ngữ trắc trở thường thấy người dân duyên hải Miền Trung. Qua giới thiệu thì được biết đó là thiếu tá Hồ Minh Tuấn – Trạm trưởng trạm kiểm soát cửa khẩu Khánh Bình.

2-thieu-ta.jpg
Thiếu ta Tuấn cùng đồng đội đi chợ hộ cho những hộ dân bị phong tỏa - Ảnh: Tô Văn

Thiếu tá Tuấn cho biết, anh vừa cùng đồng đội phát khẩu trang và hỗ trợ những anh em trong lực lượng test nhanh tại địa bàn xã Khánh An mới xong công việc và quay về nghĩ ngơi.

Chưa kịp hỏi tôi là ai, thiếu tá Tuấn cùng vài đồng đội khoát tay rồi lao ngay vào khu thay đồ, xịt khuẩn và nói vọng ra: “Mấy anh em chuẩn bị trang bị kỹ đầy đủ lương thực chưa, bắt đầu xuất phát thôi, còn mấy anh em đi chợ hộ dùm người dân lên danh sách đủ chưa?”.

Tiếp chuyện với tôi bên tách trà, thiếu tá Tuấn tâm sự: “Từ khi những hộ dân bị phong tỏa, ngoài việc phát lương thực, đơn vị còn làm thay việc đi chợ hộ. Tôi lo nhất việc đi chợ hộ có thể tiếp xúc gần mấy anh em dễ lây nhiễm cao. Vì vậy, tôi đã trang bị đầy đủ khẩu trang N95, nước rửa tay, đồ bảo hộ. Nói chung trang bị từ đầu đến chân…Ngoài ra, tôi động viên anh em thường xuyên, nhắc nhở anh em giữ khoảng cách, và tuyên truyền bà con nhận thức được việc phòng dịch”.

7-thieu-ta.jpg
Công việc cửa các chiến sĩ bám chốt là mỗi ngày tuyên truyền cho người dân về việc phòng chống dịch, xuất nhập cảnh trái phép, đồng thời còn cung cấp lương thực giúp người dân - Ảnh: Tô Văn 

Thiếu tá Tuấn cho biết thêm, cuộc sống người dân vùng biên còn rất khó khăn phải mưu sinh bằng nhiều cách nên việc phòng dịch còn hạn chế, họ chỉ nghĩ bệnh này là cảm cúm thông thường, lấy sả, gừng xông là hết bệnh. Vì cách nghĩ đó, họ lơ là và khó chịu khi nghe anh em bộ đội, các chiến sĩ bám chốt giải thích, tuyên truyền.

“Tuy nhiên, trước sự bùng phát dịch hình như người dân bắt đầu cảm thấy việc suy nghĩ trước đó là sai nên bây giờ họ rất nghiêm chỉnh chấp hành khi được nghe tuyên truyền về phòng dịch”, thiếu tá Tuấn nói.

1-phong-toa-long-binh.jpg
Phần lớn nhà dân vùng biên đều là nhà sàn, phía sau là con kênh, cánh đồng, từng ngõ liên thông với nhau. Vì vậy chỉ cần lơ là trong việc cảnh giác phòng dịch thì sẽ lây nhiễm cao - Ảnh: Tô Văn

Trước khi đi đến đây, tôi cũng đã kịp nhìn thấy những cảnh giăng dây trước những ngôi nhà sàn, ngôi nhà thiếc lấm lem xiêu vẹo, ở đó có những người đàn bà gầy guộc, da nhăn nheo đang núp ló trong căn nhà, những đứa trẻ ló mặt ra trước khung cửa sổ. Phần lớn nhà dân ở vùng biên đều là nhà sàn, phía sau là con kênh, cánh đồng, từng ngõ liên thông với nhau. Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng ở vùng nông thôn người dân thường trao đổi qua lại với nhau bằng chén cháo, bó rau theo câu nói “tình làng nghĩa xóm”. Vì vậy, chỉ cần lơ là trong việc cảnh giác phòng dịch thì sẽ lây nhiễm cao.

Bám chốt mùa nước nổi

Với đoạn biên giới dài hơn 15 km nên Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội biên phòng An Giang phải bố trí 28 tổ, chốt (26 chốt cố định, 2 tổ kiểm soát lưu động) với khoảng cách từ 200m đến 300m. Nhìn xa xa, những chốt canh cứ như “mọc” lên trên mặt nước với ngọn cờ Tổ quốc phần phật bay trên nóc những mái nhà.

1-dich.jpg
Một tổ kiểm soát lưu động Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn đang trên đường tuần tra - Ảnh: Tô Văn

Đầu tháng 10 âm lịch, nước lũ tuy về chậm nhưng cũng đã tràn đồng. Người viết bài cùng với đại úy tên Long ngồi trên chiếc vỏ lãi len lõi đường theo kênh vĩnh tế (tuyến biên giới) để đến trước một căn nhà rộng khoảng 10 mét vuông. Đại úy Long chỉ tay: “Chốt chống dịch đó anh”. Tôi nhìn lên. Có thể nói là nhà không? Cao như cổ cò. Mái lợp thiếc. Có cảm giác chỉ cần một cơn mưa là đồ đạc trong nhà mọi thứ sẽ dính nước.

4-dich.jpg
Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn có 28 tổ, chốt (26 chốt cố định và 2 tổ kiểm soát lưu động) - Ảnh: Tô Văn
6-dich.jpg
Nhìn xa xa, những chốt canh cứ như "mọc" lên trên mặt nước với ngọn cờ Tổ quốc phần phật bay trên nóc những mái nhà - Ảnh: Tô Văn

Chiều trở nên xám muộn. Đã có những miếng đen lẩn quẩn trong những bụi cây, bãi cỏ phản chiếu dưới mặt nước quanh chốt. Sau khi được sự giới thiệu, những chiến sĩ bám chốt mới dám bắt đầu cởi mở, trò chuyện.

Một chiến sĩ chốt Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết, tổ trực chiến 24/24, gác chốt làm 2 ca (từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya). Sau đó, mọi người sẽ thay ca, các anh em được luân phiên nghỉ ngơi.

“Các chiến sĩ ở chốt luôn sát cánh cùng người dân địa phương trong việc tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Tất cả đường mòn lối mở đều được chốt chặn, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm kiểm soát tốt nhất việc đi lại của người dân hai bên biên giới”, chiến sĩ này nói.

5-dich.jpg
Các chiến sĩ phải gác nỗi niềm riêng để kiên cường bám chốt  - Ảnh: Tô Văn
3-dich.jpg
Các chốt được bố trí cách nhau từ 200m đến 300m (chính giữa là những cột đèn năng lượng mặt trời để chiếu sáng khoảng trống nhằm hỗ trợ việc quan sát người dân xuất nhập cảnh  trái phép hay đai vác hàng lậu) - Ảnh: Tô Văn

Thiếu tá Nguyễn Trương Phong – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, đơn vị hiện quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 15 km, có 6 cột mốc chính (từ mốc 264 đến 269) và 23 mốc phụ. Ngoài ra, đơn vị còn theo dõi và nắm tình hình ngoại biên xã Chey Chouk và ấp Thma Bei Dom thuộc xã Kampong Krasang, huyện Bourei Cholsar, tỉnh Tà Keo, Campuchia với tổng số 759 hộ trên 3.305 khẩu (trong đó xã Chey Chouk: 605 hộ trên 2.571 khẩu; ấp Thma Bei Dom thuộc xã Kampong Krasang: 154 hộ trên 734 khẩu).

“Đơn vị đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền vận động được 4.039 hộ gia đình ở khu vực biên giới viết cam kết không tiếp tay cho người xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền lưu động qua loa đơn vị được 1.056 buổi trên 4.158 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia”, thiếu tá Phong nói.

Cũng theo thiếu tá Phong, về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, đơn vị rất thuận lợi khi được chính quyền và các cơ quan, ban ngành địa phương; các tổ chức, cá nhân thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, tặng quà và hỗ trợ các vật tư y tế, nhu yếu phẩm (gạo, mì tôm, nước suối, khẩu trang y tế...) cho các tổ, chốt phòng, chống dịch COVID-19; từ đó cán bộ, chiến sĩ luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm “chống dịch như chống giặc” khắc phục mọi khó khăn và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

“Hết dịch anh sẽ về chăm sóc em”

Đó là câu nói mà ngay đến cả trong giấc ngủ, trung úy Phạm Quang Tiến (30 tuổi, tổ 20 chốt chống dịch thuộc Đồn biên phòng Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đã ám ảnh. Và khi choàng tỉnh, anh mới biết lời hẹn về với người vợ đã sảy thai thể trạng còn yếu mà vẫn chưa thể thực hiện.

Một chiến sĩ chốt chống dịch COVID-19 tổ 20, cho biết, vợ chồng trung úy Tiến hiếm muộn, sau nhiều năm cố gắng vợ trung úy mới mang thai. Nhưng éo le thay, cách đây vài tháng vợ trung úy đã bị sảy thai “Tiến đã mỏi mòn chờ đợi gần vài năm để được làm cha, nhưng hạnh phúc đến với anh không vẹn toàn.”, người này kể.

Cũng theo chiến sĩ này, hai tháng trước khi hay tin vợ có thai, trung úy Tiến rất mừng chạy khoe với đồng đội và nói đợt này sẽ xin nghĩ phép về nuôi vợ đang mang thai.Nhưng tới lúc viết đơn thì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. “Cấp trên đã lệnh trên tuyến biên giới, mọi cán bộ chiến sĩ biên phòng phải thường trực 100% để phòng chống dịch bệnh. Nên trung úy Tiến phải gác chuyện của cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ của người lính?”, người này chia sẻ ngắn gọn.

Trung úy Tiến cho biết, những lúc ở đồn hay mỗi lần lên chốt, cùng đồng đội tuần tra dọc biên giới không lúc nào hình bóng người vợ đang mang thai đứng đợi chồng về biến mất trong tâm trí.

“Từ khi biết vợ sảy thai trong lúc mình đang công tác, không có bên cạnh để động viên an ủi, mình cảm thấy buồn. Nhưng vì là bản chất người lính Cụ Hồ phải hy sinh chuyện cá nhân để phụng sự cho đất nước, thì điều này có lẽ vợ mình cũng hiểu tính chất công việc, hiểu được sự khó khăn. Nhờ được người vợ cảm thông hiểu mình thì mới chính là động lực cho bản thân mình thêm sức mạnh và niềm tin, giữa lúc dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp. Vì vậy, bản thân mình phải chắt chiu từng giây phút khi có sóng điện thoại để hỏi thăm an ủi, động viên vợ từng ngày. Mỗi lần như vậy, chỉ nói được một câu rất ngắn: “ Hết dịch anh sẽ về chăm sóc em”.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng sự về lực lượng biên phòng nơi biên giới phía nam những ngày chống dịch