Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt. Như vậy, theo quy định của pháp luật, phân bón Thuận Phong là giả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Phân bón Thuận Phong là giả

Trí Lâm | 02/11/2017, 12:25

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt. Như vậy, theo quy định của pháp luật, phân bón Thuận Phong là giả.

Vụ việc phân bón Thuận Phong được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm 31.10 của Quốc hội. Đại biểu này cho biết “có cảm giác” như vụ này bị “chìm xuồng”, chờ mãi mà không thấy đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai lên tiếng.

Tranh luận lại với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho biết phân bón giả là vấn đề bức xúc của cử tri, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, quan điểm của các cơ quan tư pháp của Đồng Nai là cương quyết xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Riêng vụ việc liên quan đến công ty Thuận Phong, ông Năm cho biết, đó là một vụ phức tạp, ban đầu là do các cơ quan ở Trung ương kiểm tra phát hiện và chuyển cho Đồng Nai xử lý. Tuy nhiên, phải chờ giám định, xác định có hàng gian, hàng giả hay không mới khởi tố xử lý hình sự được. Nhưng qua quá trình giám định, 5 bộ chức năng có những quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ. Đặc biệt là, xác định đúng là có hàng giả hay không.

Đại biểu Năm thông tin, trong quá trình điều tra thụ lý thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, các ngành tố tụng ở Đồng Nai đã họp lại và xác định là chưa có dấu hiệu tội phạm, do đó không khởi tố.

Sau đó, khi có ý kiến của các ngành, các đại biểu, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo cho Viện Kiểm sát nhân dân Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra, và giao lại cho cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ, để xử lý.

Sau khi Ban Nội chính Trung ương vào cuộc thì các cơ quan tư pháp đã báo cáo, cấp ủy cũng báo cáo, đề xuất Ban Nội chính Trung ương cho quan điểm để xử lý vụ việc này, chứ không bao che.

Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đã tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Hồ Văn Năm. Ông Sơn cho rằng kết luận doanh nghiệp không có dấu hiệu tội phạm khiến ông không yên tâm.

“Tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ cử tri. Chúng ta thảo luận ở Quốc hội và nhân dân theo dõi trực tiếp, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu tội phạm thì cần có bằng chứng cụ thể. Sáng nay tôi đã đọc lại nhiều tài liệu liên quan đến vụ Thuận Phong, và các tài liệu này đi ngược lại với ý kiến của đại biểu Hồ Văn Năm. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục đeo bám và chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề này thì người dân mới yên lòng", đại biểu Sơn nói.

Vị này cũng nhấn mạnh rằng: “Đại biểu Năm nói rằng địa phương đã làm rất cẩn trọng, bảo vệ danh dự của doanh nghiệp. Kết luận lại là không có dấu hiệu tội phạm, đề nghị giải thích rõ việc này trước dư luận, nhân dân bằng các bằng chứng cụ thể".

Trao đổi với đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Hồng (đại biểu thuộc đoàn Đồng Nai) cho biếtđây là vụ án phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau, nhiều vấn đề được đặt ra như đó là hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả hay hàng kém chất lượng.... Vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao báo cáo về vụ việc.

"Hiện vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra chứ không phải đã kết luận là có tội hay không. Có thể trong quá trình trình bày đại biểu Hồ Văn Năm gây hiểu lầm là không có dấu hiệu phạm tội. Tôi khẳng định vụ án vẫn đang điều tra bổ sung", đại biểu Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh.

Nói tại Quốc hội sáng nay, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, trong vụ việc phân bón Thuận Phong, 6 bộ, ngành đã có những tranh luận về “thành phần chất chính và thành phần chính”. Cuối cùng, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt. Như vậy, theo quy định của pháp luật, phân bón Thuận Phong là giả.

Theo Phó thủ tướng, việc sử dụng kết quả của các bộ ngành trả lời là do cơ quan tư pháp. Nếu cần thì cơ quan tư pháp trưng cầu giám định, và VKSND Tối cao đã yêu cầu Viện KSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định phê chuẩn quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai. CQĐT Đồng Nai đã hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.

“Như vậy là CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra. Còn việc có tội hay không có tội thì phải thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử và tòa án sẽ quyết định theo thẩm quyền. Quá trình này thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Mặt trận đều có thể giám sát”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Phân bón Thuận Phong là giả