Ngày 19.8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Nhà nước phải tạo môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển

Bùi Trí Lâm | 19/08/2020, 16:12

Ngày 19.8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư.

Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng

Theo Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn trung hạn Bộ được phân bổ là 70 nghìn tỉ đồng; đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho các dự án là 69,9 nghìn tỉ đồng. Vốn đã được giao hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện 288 dự án là 62 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng).

Đối với vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết, lũy kế đến ngày 31.7.2020, Bộ NN-PTNT đã thực hiện giải ngân được 51.965 tỉ đồng (bằng 74,3% tổng nguồn vốn được giao). Theo đó, còn 17.956 tỉ đồng (tương ứng 25,7% tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020) chưa giải ngân.

Theo Bộ NN-PTNT, đối với gần 18.000 tỉ đồng chưa giải ngân, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ tập trung giải ngân 10.047,4 tỉ đồng; còn lại 7,9 nghìn tỉ đồng, Bộ sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021. Tính riêng trong năm 2020, Bộ NN-PTNT sẽ cần giải ngân 13.979 tỉ đồng.

Bên cạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, Bộ NN-PTNT cũng thông tin về tình hình thực hiện 288 dự án. Theo đó, đến hết trung hạn 2016 - 2020, Bộ sẽ hoàn thành 231/288 dự án; các dự án còn lại sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đối với các dự án trái phiếu chính phủ, các hợp phần xây dựng đến nay không vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, tỷ lệ giải ngân cả năm 2020 sẽ đạt 100%. Đối với các dự án ODA, tỷlệ giải ngân sẽ đạt 92,1% nếu điều chuyển 1.808 tỉ không có nhu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách sẽ đạt 97% kế hoạch năm 2020.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết tạo ra sự tăng trưởng trực tiếp của ngành xây dựng, tham gia vào tăng trưởng của cả ngành kinh tế dù ở mức độ khiêm tốn.

“Điều quan trọng nhất khi giải ngân vốn đầu tư công là vốn này đầu tư chủ yếu cho những công trình không thu hồi vốn, đó là kết cấu hạ tầng - trong nông nghiệp vô cùng quan trọng, là những công trình thủy lợi như hồ, đập, dự trữ đảm bảo an ninh nguồn nước, những công trình ngăn mặn, điều tiết nước, những công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình neo đậu, tránh trú bão… Đây là nhân tố để tạo môi trường cho huy động đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, những công trình này không có thì trồng trọt, thủy sản… không thể phát triển được”, Phó thủ tướng nói.

Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển.

“Môi trường ở đây thứ nhất là thể chế, thứ hai là hạ tầng và thứ ba là nhân lực. Đầu tư công là đầu tư cho hạ tầng, chưa nói việc chúng ta đang đầu tư tạo giống mới cho chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp. Hạ tầng tốt tạo ra các sản phẩm tốt, an ninh nguồn nước, lương thực cho xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Đây mới là điều quan trọng, chứ không phải đầu tư công để tạo ra tăng trưởng ngay”, Phó thủ tướng cho hay.

Nhiều thách thức do COVID-19

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, những năm qua, đặc biệt là năm 2020 có nhiều có khăn. Tình hình khô hạn, nhiễm mặn xảy ra ở ĐBSCL, cùng với đó hạn hán kéo dài ở nhiều địa phương, đặc biệt là duyên hải miền Trung và cả Tây Nguyên trong khi mưa lũ gần đây gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương ở vùng núi và trung du phía bắc, ảnh hưởng cả về người và tài sản.

Đặc biệt, cả thế giới phải đối phó với đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch này ảnh hưởng lớn tới kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, trực tiếp làm giảm cầu của thế giới.

Trong khi đó Việt Nam có một nền kinh tế mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu một năm khoảng trên 400 tỉ USD, nên tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực xuất khẩu. Ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu rất lớn, trong thủy sản, lâm nghiệp, lúa gạo, rau quả… xuất khẩu trên dưới 40 tỉ USD trong những năm gần đây.

“Trong điều kiện các ngành đa số đang suy giảm thì ngành nông nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhất định và chúng ta có cảm giác ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác. Dó đó ngành nông nghiệp không những đảm bảo tăng trưởng ngành mà đã góp phần quan trọng vào an ninh lượng thực quốc gia và khối lượng xuất khẩu lớn. Riêng ngành sản xuất lúa gạo năm nay được mùa, được giá đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nói chung và người dân tham gia sản xuất nông nghiệp nói riêng”, Phó thủ tướng đánh giá.

Phó thủ tướng cũng cho hay các sản phẩm khác cũng vẫn giữ được thị trường xuất khẩu, nên góp phần khá tốt phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yếu tố để bảo đảm đời sống của người dân trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân mất việc làm nhưng không bị đói, vẫn đảm bảo sức khỏe vì có ngành nông nghiệp là một bệ đỡ vững vàng trong lúc này.

Phó thủ tướng cũng đánh giá, mọi ngành nông nghiệp tăng trưởng khoảng 7%, nhưng năm nay rất khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu và Việt Nam, trực tiếp là xuất khẩu - nhân tố trực tiếp tạo tăng trưởng. Ngay trong ngành nông nghiệp cũng phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp như dịch tả lợn châu Phi. Chúng ta mới có kiểm soát kiềm chế chứ chưa có vắc xin, nếu bùng phát trở lại rất khó phát triển ngành chăn nuôi trong khi giá thịt lợn vẫn đang rất cao…

“Tôi đề nghị tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp, sản phẩm phụ thuộc vào thị trường nên tiếp tục rà soát để cập nhật hình hình và liên tục tái cấu trúc ngành và các sản phẩm, gắn với các thị trường trong nước và thế giới. Từ tái cấu trúc đó phải rà soát, bổ sung và lập mới các quy hoạch”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đi đôi với phát triển sản xuất gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và ứng phó với thiên tai.

“Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các bộngành, địa phương tháo gỡ nút thắt để phát triển ngành, đặc biệt phải gỡ được thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ và thiết lập cơ chế, chính sách để phát triển ngành nông nghiệp. Về tình hình thiên tai diễn biến phức tạp nên tiếp tục quan tâm”.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Nhà nước phải tạo môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển