Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế đối với phát triển lĩnh vực chíp bán dẫn. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này.
Khoa học - công nghệ

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực chíp bán dẫn

Lam Thanh 06/06/2024 11:15

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế đối với phát triển lĩnh vực chíp bán dẫn. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này.

Sáng 6.6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết trong thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chíp bán dẫn…

Tuy nhiên, một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan ngại là việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp. Thực trạng đó ảnh hưởng như thế nào đối với cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua?

thh-3.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rằng, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng đánh giá về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, kinh tế số phát triển nhanh. Đặc biệt, Việt Nam quan tâm giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu… Như vậy Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin. Ở trong nước, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh doanh số, trong thời gian vừa qua, tăng trưởng và đóng góp của ngành kinh tế số là 12 - 15%. Như vậy, tăng trưởng rất nhanh nên cơ hội này hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Hà nêu.

Về giải pháp lâu dài, Phó thủ tướng nhấn mạnh cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư, người được đào tạo trong các trường đại học đã có kiến thức nền tảng, có thể tiếp cận ngay để tham gia vào trong chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói...

thh-4.jpeg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Phó thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông, người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này.

Do vậy, song song với cơ chế chính sách để huy động sự tham gia của các nhà khoa học ở nước ngoài, Chính phủ cũng sẽ có những chủ trương chọn các trường đại học xây dựng trung tâm về công nghệ chíp bán dẫn Việt Nam. Cụ thể là đầu tư những phòng thí nghiệm tập trung, hiện đại để có thể thiết kế, kiểm chuẩn và sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi này…

Với câu hỏi về cung ứng điện, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong năm 2023 nước ta có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc, gây ảnh hưởng sản xuất.

Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các công trình dự án điện và tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư, giải quyết khâu phân phối điện qua xây dựng đường dây điện 500kV mạch 3 với thời gian thần tốc. Dự kiến cuối tháng 6 đường dây này sẽ hoàn thành, giải quyết điều tiết điện ở các vùng miền.

thh-2.jpeg
Quốc hội tiến hành chất vấn

Chính phủ cũng đảm bảo đa dạng hóa nguồn điện, cạnh tranh điện thông qua xây dựng nghị định mua bán điện; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để phục vụ tiêu dùng.

"Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ điện và doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo an ninh năng lượng", ông Hà khẳng định.

Với câu hỏi về công nghiệp phụ trợ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng trong thời gian qua, việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo ra hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những chuỗi này vẫn còn hạn chế. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm để chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

“Chúng ta cũng đã cấp các giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, nhưng chúng ta cũng phải đặt ra vấn đề rằng các doanh nghiệp đó có cam kết công nghệ những ngành mới nổi, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, có lộ trình nội địa hóa, hướng tới việc Việt Nam có thể làm chủ một số lĩnh vực”, ông Hà nêu.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái này như công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, chíp bán dẫn; đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được tài chính và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt nhu cầu thị trường.

thh-1.jpeg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi liên quan đến kinh tế số, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng tự nhiên về con người, do vậy Chính phủ cần dẫn dắt, kiến tạo chuyển đổi số từ sử dụng, khai thác tài nguyên tự nhiên sang tài nguyên số. Đây là kho báu lớn, là xu thế cần phải tận dụng hiệu quả.

Trong thời gian tới, các ngành, doanh nghiệp cần quan tâm tới xây dựng cơ sở dữ liệu - đây chính là tài nguyên. Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế chính sách đảm bảo vận hành an toàn, an ninh mạng, đầu tư cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
18 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực chíp bán dẫn