Việc đưa ra các tiêu chuẩn: Vàng, Bạch Kim, Kim Cương trong điều trị đột quỵ là để các bệnh viện tự vượt qua chính mình, chứ không phải để tạo sự ganh đua giữa các đơn vị điều trị đột quỵ.

Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam nói gì về các tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ?

Hồ Quang | 15/01/2023, 11:13

Việc đưa ra các tiêu chuẩn: Vàng, Bạch Kim, Kim Cương trong điều trị đột quỵ là để các bệnh viện tự vượt qua chính mình, chứ không phải để tạo sự ganh đua giữa các đơn vị điều trị đột quỵ.

GS.TS. BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam đã nhấn mạnh như thế tại lễ đón nhận tiêu chuẩn Kim Cương của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ do Hội đột quỵ thế giới trao tặng vào chiều 14.1.

Đưa ra các tiêu chuẩn là để bệnh viện tự vượt lên chính mình

Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, kể từ khi hoạt động vào năm 2019 đến nay, bệnh viện đã khám, điều trị cho hơn 160.000 lượt bệnh nhân đột quỵ.

pho-chu-tich-hoi-dot-quy-viet-nam-noi-gi-ve-cacchuan-trong-dieu-tri-dot-quy-hinh-anh(1).png
GS.TS. BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam (phải) trao chứng nhận tiêu chuẩn Kim Cương của Hội đột quỵ thế Giới cho lãnh đao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Ảnh: PV

Tính riêng trong năm 2022, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 81.000 lượt bệnh nhân đến vì đột quỵ; số ca mắc đột quỵ mới là 12.814 ca. Số lượng nhồi máu não chiếm 76%, xuất huyết não chiếm 24%. Thời gian vàng năm 2022 là 21% tăng so với 2021 (20%).

Theo GS.TS. BS Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đạt tiêu chuẩn Kim Cương – chuẩn cao nhất trong điều trị đột quỵ là bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là bệnh viện tư đầu tiên đạt tiêu chuẩn này. Đây là bệnh viện thứ 2 của cả nước (sau Bệnh viện Bạch Mai) và là 1 trong 40 đơn vị điều trị đột quỵ khác trên toàn thế giới đạt tiêu chuẩn cao nhất (tiêu chuẩn Kim Cương) của Hội đột quỵ thế giới.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng, việc đưa ra các tiêu chuẩn: Vàng, Bạch Kim, Kim Cương trong điều trị đột quỵ là để các bệnh viện tự vượt qua chính mình, chứ không phải để tạo sự ganh đua giữa các đơn vị điều trị đột quỵ.

“Bệnh viện đạt chuẩn Kim Cương chưa chắc đã điều trị tốt hơn bệnh viện đạt chuẩn Bạch Kim. Bởi số liệu trên dựa vào sự trung thực của bệnh viện. Chúng tôi đặt ra tiêu chí này để các bệnh viện tự vượt qua chính mình. Mục tiêu chính là sự đo lường chất lượng phục vụ cho bệnh nhân, chứ không phải là sự ganh đua của trung tâm này với trung tâm kia. Cái chính của những chuẩn này là để các bệnh viện tự đánh giá mình, vượt lên chính mình”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong “giờ vàng” chỉ có 10%

Theo bác sĩ Thắng hiện nay tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong “giờ vàng” (trước 3,5 giờ) còn rất thấp, chỉ khoảng 10%, trong khi đó tỷ lệ này đối với các nước lớn trên thế giới lên đến 70%.

Trong 10 tiêu chí khắt khe của Hội đột quỵ thế giới đưa ra đối với một đơn vị đạt tiêu chuẩn Kim Cương trong điều trị đột quỵ có 1 tiêu chí là tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tái thông tại bệnh viện đạt từ 25%. Tỷ lệ này lệ thuộc vào bệnh nhân đến “giờ vàng” có cao không. Điều này cần nâng cao ý thức cộng đồng để người dân nhận biết khi mình bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện kịp thời nhất.

Nếu như 100% bệnh nhân đột quỵ vào trong khoảng thời gian “giờ vàng” thì phải có đến 90% bệnh nhân đủ điều kiện để thực hiện tái thông, vì khi đó não chưa chết nhiều.

“Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào được điều trị tái thông cũng thành công, nhiều trường hợp điều trị tái thông lại xấu đi. Hiện nay tỷ lệ điều trị tái thông thành công chỉ có 50%, nhưng nếu không điều trị tái thông thì sẽ không có phần trăm nào cả hoặc dưới 10%”, bác sĩ Thắng lưu ý.

Đề cập đến sự phát triển vượt bật của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chỉ sau hơn 3 năm hoạt động đã đạt một thành tích cao như thế, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chia sẻ, ngay từ khi thành lập, bệnh viện đã nhắm đến các tiêu chuẩn của Hội đột quỵ thế giới. “Nếu không đạt một chuẩn nào đó sẽ không đánh giá được hiệu quả việc làm mình đến đâu. Do đó, ngay từ khi thành lập bệnh viện này, tất cả các phòng đều tập trung vào công việc đột quỵ”, bác sĩ Cường nói.

Người đứng đầu bệnh viện này cho biết, trong quá trình vận hành, bệnh viện phối hợp vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa đào tạo đội ngũ truyền thông cũng như kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức để người dân biết được đột quỵ là như thế nào, có thể chữa ở đâu là tốt nhất, thời gian vàng như thế nào…

“Rất may mắn, những việc làm của chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân, nhất là người dân miền Tây. Khi chúng tôi tuyên truyền thì nhận thức của người dân được cải thiện một cách rõ rệt”, bác Cường cho biết.

Việc đạt chuẩn Kim Cương trong điều trị đột quỵ đã khó, giữ được chuẩn này lại càng khó hơn. “Trong tương lai để duy trì chuẩn Kim Cương này thì câu chuyện quá tải của bệnh viện phải được giải quyết. Hiện nay bệnh viện chúng tôi đang thực sự quá tải. Một số phòng hành chính đã phải cải tạo để trở thành phòng khám. Việc làm này giúp giảm tải cho phòng cấp cứu cũng như cho khoa hồi sức để chúng tôi có thể dễ dàng nhận bệnh nhân nhiều hơn. Nếu để bệnh nhân nằm cấp cứu ở ngoài, không có máy chụp, không phòng mổ, không giường bệnh sẽ ách tắc làm giảm chất lượng thì chắc chắn sẽ khó giữ được chuẩn này”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam nói gì về các tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ?