Tất cả ý nghĩa mà bộ phim mang tựa “Bình Minh” muốn truyền tải đến người xem chỉ gói gọn trong một câu: Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối khi bạn không thể biết được những gì họ có thể làm…

Phim ngắn vợ bạo hành chồng: Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối!

22/03/2016, 13:00

Tất cả ý nghĩa mà bộ phim mang tựa “Bình Minh” muốn truyền tải đến người xem chỉ gói gọn trong một câu: Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối khi bạn không thể biết được những gì họ có thể làm…

Giấc mơ bị bạo hành ngược…
Sau khi vô tình thấy câu chuyện dường như “ngược ngạo” về người đàn ông bị chính người vợ bạo hành trên mạng xã hội, nhóm sinh viên gồm Võ Huy Thăng, Trần Ngọc Kim Cương (20 tuổi, ngụ Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã nảy ra ý tưởng làm một bộ phim nói về sức mạnh, vai trò của người phụ nữ.
Và hơn hết là báo động về nạn bạo hành gia đình đang xảy ra ở nhiều miền quê trên đất nước. Bộ phim ngắn khoảng 8 phút mang tên Bình Minh lấy bối cảnh một gia đình miền Tây, sinh sống trên chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ).
bao hanh gia dinh
Phim lấy bối cảnh ở chợ nổi Cái Răng
Mọi chuyện bắt đầu từ người chồng tên Lượm, thường ngày hay nhậu nhẹt, say xỉn, không lo làm ăn. Ông thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con. Ông xé nát giấc mơ vui chơi, được đến trường như bao bạn bè của đứa con gái. Ông vùi dập tuổi xuân của người vợ, bắt vợ mỗi ngày phải bươn chải ngoài dòng sông kiếm tiền rồi phải quay về nhà lo cơm nước, giặt giũ, chăm con.
Rồi trong cơn say, ông đạp đổ, đánh vợ như kẻ có tội. Chính những hành động ấy đã khiến mái ấm nhỏ không khi nào yên ổn, luôn có tiếng khóc, tiếng đổ vỡ phát ra. Vợ con ông Lượm luôn phải sống trong sợ hãi, lo âu…
bao hanh gia dinhTrong mơ, vợ ông Lượm lại là người khiến ông khổ sở

Đến một ngày, ông mơ giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, ông Lượm thấy mình đi về nhà trong tình trạng “bước thấp bước cao” nên bị rơi xuống sông ướt nhẹp người. Đang mơ màng ông Lượm giật mình bởi tiếng khóc thét của đứa con gái bị mẹ đánh, xé nát sách vở. Không chỉ có đứa con gái mà ngay cả ông còn bị người vợ chửi, đòi đánh ngay lúc đó.

Xuyên suốt giấc mơ “8 phút” của mình, ông Lượm và vợ lần lượt trải qua từng giây từng phút đầy đủ cái cảm giác của một cuộc sống trong gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”. Giống như cảnh đời thực của mình, có điều khác là người bị bạo hành chính là ông, người phải rơi nước mắt chính là ông.

Mọi thứ điều diễn ra như những gì cuộc sống của ông Lượm trước kia kể cả thái độ, hành động, lời nói... Phải sống quỳ khép gối dưới chân vợ để “cơm bưng nước rót”, bị vợ đập chén, hất mâm cơm, đổ canh lên người mình mà ông Lượm không dám phản kháng được...

Ông Lượm phải giặt giũ, chăm con, cơm nước, bị vợ chửi, lâu lâu còn bị vợ đè đầu ra đánh. Rồi ông thẫn thờ chứng kiến đứa con gái lớn phải bỏ học vì bị mẹ nó xé nát sách vở, bị đánh đập, bắt giữ em nhỏ và chỉ có mỗi món đồ chơi cũ rích mà cô bé luôn mang theo bên mình. Những lúc này, ông chỉ biết đứng nhìn mà rơm rớm nước mắt trong cảnh bất lực của một gã chồng vô dụng.

Nhưng ông Lượm chợt thức tỉnh nhờ tiếng khóc thét của đứa con gái. Ông giật mình không biết mình đang làm gì, trong hoàn cảnh nào. Câu hỏi của cô con gái: “Ủa ba thức dậy rồi hả?” khiến ông Lượm thoát khỏi cơn ác mộng.
bao hanh gia dinhBé gái trong phim cũng là con ngoài đời của vợ chồng ông Lượm

Và chính lúc này, người ta có thể thấy ông Lượm đã thức tỉnh cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Ông đưa mắt tìm vợ và hỏi con: “Mẹ mày đâu rồi Hân?”; “Sao hôm nay mày không đi học”.

Những câu hỏi tưởng chừng bình dị, đơn giản ấy vậy mà chưa bao giờ ông cất lên trong mái ấm của mình. Nghe câu trả lời của con: “Mẹ đi bán từ hồi sớm rồi”, “Hôm nay là thứ Bảy mà ba” ông thất thần, buồn nhìn xuống chiếc võng nơi đứa con út ông đang say giấc.

Rồi ông đưa mắt nhìn xa xăm về chiếc xuồng nơi vợ mình đang chèo chống, bán từng ly nước mong mỏi kiếm từng đồng tiền nuôi gia đình. Tiếp đó, là ánh mắt xa xăm của ông nhìn về phía mặt trời đang mọc, đón những tia nắng bình minh cho một ngày mới...

“Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối

Hình ảnh kết thúc phim đã để lại ý nghĩa về một cuộc sống mới cho gia đình ông Lượm. Hay cũng là một cuộc đời mới cho chính ông khi biết thay đổi, biết thương yêu vợ con, gia đình nhiều hơn.

Hơn tất cả là việc dừng ngay sự bạo hành, trở nên tôn trọng người bạn đời mình. Tám phút bộ phim đã trôi qua và truyền tải cho người xem một vấn đề nan giải của xã hội chính là bạo hành gia đình, mà đa số nạn nhân là phụ nữ.

“Đạo diễn” Huy Thăng, chia sẻ: “Với tựa phim là Bình Minh, tất cả ý nghĩa nhóm muốn truyền tải đến người xem chỉ gói gọn trong một câu: Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối khi không biết những gì họ có thể làm.

Phim có tình huống bi hài ở chỗ vợ bạo hành chồng chứ không đơn thuần là người chồng say xỉn đánh đập vợ con như trong thực tế. Nhưng nhờ giấc mơ đảo ngược đó mà ông Lượm mới thức tỉnh. Qua đó, làm nổi chủ đề chống bạo hành gia đình của bộ phim”.
bao hanh gia dinh
2 thành viên làm phim
Thăng cho biết: Một dịp tình cờ, nhóm được một người quen nhắc về cuộc thi làm phim ngắn của VTV6 với chủ đề Chung tay xóa bỏ định kiến giới từ đó có ý tưởng làm một tác phẩm truyền hình.

Thăng bắt đầu đi tìm nguồn cảm hứng đề tài qua cách nhìn về cuộc sống gia đình ở miền sông nước. Rồi trong một lần bắt gặp một câu chuyện vừa vui vừa buồn trên thực tế, Huy Thăng mới quyết định dựa vào đó để làm phim.

Bản thân Thăng ngay từ nhiều năm trước đã rất đam mê làm phim, nhưng lại đang theo học ngành sư phạm tiếng Pháp, cũng không liên quan gì đến truyền thông, phim ảnh. Nhưng với quyết tâm tìm tòi, học hỏi, sự đam mê và được nhiều bạn bè giúp đỡ, kết quả là thành công của phim ngắn nói trên đã đạt dược nhiều hơn kỳ vọng.

“Phim ngắn đã nhận được nhiều sự khen thưởng từ ban giám khảo về giải hình ảnh đẹp trong cuộc thi do VTV6 tổ chức. Ban đầu sau khi hoàn thành xong kịch bản, nhóm cũng đã được Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) cung cấp hoàn toàn kinh phí thực hiện”, Thăng chia sẻ.

Yêu cầu chính đối với nhân vật trong phim ngắn Bình Minh phải chân chất, mang đậm bản sắc người miền Tây để qua đó ý nghĩa của phim càng sâu sắc, gây chú ý hơn.

Diễn viên mà cả nhóm chọn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Lượm và bà Nguyễn Thị Kim Chưởng. Ông Lượm có tên thường gọi là Lý Hùng làm nghề đờn ca tài tử, còn vợ ông bà Chưởng bán nước ngọt trên chợ nổi Cái Răng. “Cô Chưởng không biết chữ, cô không thể thuộc kịch bản nên tụi em phải đọc từng câu chữ cho cô và nói những điều bình thường hằng ngày để cô có thể diễn được...

... Những ngày làm phim mọi người rất vui vẻ, hưng phấn. Đó chính là những kỷ niệm khó quên nhất đối với nhóm”, Thăng kể lại.

Thanh Huyền
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phim ngắn vợ bạo hành chồng: Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối!