Sau khi Đường tới thành Thăng Long bị nhà văn Nguyễn Quang Lập chỉ trích là "Bộ phim phỉ báng lịch sử dân tộc vì từ khâu đạo diễn, trang phục, đạo cụ, bối cảnh, diễn viên quần chúng cho tới việc làm hậu kỳ đều do Trung Quốc đảm trách thì không thể gọi là một phim Việt Nam". Mới đây nhất, bộ phim Mỹ Nhân nói về đề tài thời Trịnh - Nguyễn lại nhận "búa rìu" dư luận vì sự cẩu thả ở phục trang.
Từ nhiều năm nay, xu hướng làm phim dã sử và phim cổ trang được khuyến khích, các hãng phim nhà nước thực hiện ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, so với dòng phim cổ trang, các bộ phim theo lối dã sử hay ngoại sử có kết cấu kịch bản, nội dung và phục trang ít bị soi hơn, vì hầu như các bộ phim này không mấy liên quan đến lịch sử.
Trong khi đó, những bộ phim lịch sử như Đường tới thành Thăng Long hay Long thành cầm giả ca lại hoàn toàn khác biệt. Sự khắt khe không chỉ đòi hỏi ở tính nguyên bản về lịch sử, sự tỉ mỉ cẩn trọng về bối cảnh, đạo cụ mà còn nằm cả ở phục trang.
Mới đây nhất, bộ phim Mỹ Nhân do Hãng phim Giải phóng và đạo diễn Đinh Thái Thụy sản xuất, dự định ra rạp vào ngày 13.11.2015 nhưng chỉ mới sau mấy ngày tung ra trailer chính thức, bộ phim đã vấp phải sự chỉ trích từ phía nhà chuyên môn lẫn công chúng yêu điện ảnh Việt, khi bộ quan phục của nhân vật do diễn viên Châu Thế Tâm thủ diễn in hình sư tử hoạt họa giống trong bộ phim The Lion King của hãng Walt Disney (Mỹ).
Đạo diễn loạt phim tài liệu Đi tìm trang phục Việt, Hải Anh bày tỏ sự khó chịu khi nhà làm phim Mỹ Nhân không hề có kiến thức căn bản về lịch sử thời Trịnh – Nguyễn: "Gì vậy, để vị quan triều Trịnh - Nguyễn mặc áo thêu hình The Lion King của Walt Disney thì thật không còn lời nào để nói nữa”.
Một bộ phim về đề tài lịch sử thời Trịnh – Nguyễn được làm ra với ý nghĩa truyền tải tới công chúng nền văn hóa của một thời đại lịch sử của đất nước. Chính điều này khiến bất cứ một nhà làm phim, một đạo diễn hay một diễn viên nào đảm nhận đều cần cẩn trọng cũng như ý thức rất rõ phải tôn trọng lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, với chiếc áo in hình nhân vật hoạt hình Vua Sư tử trong phim Mỹ Nhân, cho thấy một sự cẩu thả đáng lên án không chỉ từ phía đơn vị chịu trách nhiệm phục trang mà còn ở đạo diễn và cả nhà sản xuất.
|
Bộ phim "Đường thành Thăng Long" bị lên án thậm tệ về phục trang. |
Với một phim lịch sử, tinh thần lịch sử của đất nước có được tôn trọng hay không nằm chính ở những khâu căn bản nhất. Bởi chỉ cần nhìn vào phục trang người ta có thể đoán biết được triều đại lịch sử, địa vị cũng như vai trò của nhân vật như thế nào trong lịch sử.
Chính sự cẩu thả từ cái khâu cơ bản nhất trong bộ phim là phục trang đã giết chết tinh thần lịch sử và niềm tự hào của sử Việt. Thông qua sự cố phục trang từ Đường thành Thăng Long cho tới Mỹ Nhân mới thấy, ở Việt Nam tìm ra một đội ngũ sản xuất giỏi, có hiểu biết và đặc biệt là yêu sử thật hiếm.
Vì tính cho tới thời điểm hiện tại, ở cả 2 trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và Hà Nội hay các trường Văn hóa Nghệ thuật vẫn chưa có bất cứ một ngành học nào liên quan đến việc phục trang. Hầu hết tất cả những người làm phục trang đều "lượm lặt" từ các tổ phục trang tự phát theo kinh nghiệm từ các đoàn phim truyền hình về thực hiện dưới sự chỉ đạo cửa họa sĩ thiết kế và đạo diễn.
Sau khi đưa ra những bất cập trên, nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam hy vọng các nhà sản xuất phim nếu có thực hiện những bộ phim về đề tài lịch sử, hay phim cổ trang hãy cố gắng cẩn trọng và tôn trọng lịch sử nước nhà trước khi bắt tay vào thực hiện và cho ra rạp. Vô hình chung sự cẩu thả, sai sót về lịch sử dân tộc có thể giết chết nền điện ảnh Việt vốn mãi "non trẻ" như hiện nay.
Diệu Linh