Trang Business Mirror của Philippines ngày 19.4 vừa đăng bài viết phân tích vì sao Philippines không thể phát triển như Việt Nam hiện giờ.
Bài viết trích Thông tấn xã Việt Nam: “Philippines ghi nhận mức tăng trưởng FDI là 41,5% trong tháng 1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Philippines trong tháng 1, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 961 triệu USD”. Thực ra, đây là con số được Ngân hàng Trung ương của Philippines đưa ra.
Con số đó có vẻ cao nhưng người Philippines vẫn cảm thấy không hạnh phúc khi so sánh với láng giềng mà cụ thể là Việt Nam. Bài báo viết: “FDI rất quan trọng đối với một nền kinh tế, và chúng ta xem xét những con số từ các nước láng giềng ASEAN giống như chúng ta tự hỏi làm thế nào mà hàng xóm của chúng ta có được một chiếc ô tô mới mỗi năm. Và "láng giềng", mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là Việt Nam. Làm sao chúng ta được như Việt Nam?”
Trong báo cáo vào tháng trước, Ngân hàng thế giới WB cho biết, sau khi giảm vào tháng 1.2021, vốn FDI đổ vào Việt Nam cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần về giá trị vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận cùng kỳ năm ngoái vào năm 2020. WB cho hay, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỉ USD vốn FDI. Đó là điều hết sức đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn đang chững lại trên toàn thế giới.
Những con số ấn tượng của FDI mà Việt Nam thu hút khiến người Philippines muốn tham khảo, học hỏi nhưng họ cũng tự nhận định rằng khó thực hiện. Bài báo viết:
“Bất lợi lớn đầu tiên mà Philippines gặp phải là chúng ta đang ở giữa đại dương. Đó lại là một lợi thế lớn cho Việt Nam vì chi phí vận chuyển đường biển đến / đi từ Philippines cao. Cũng vì ở giữa đại dương, Philippines hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm. Việt Nam hứng chịu khoảng 4,3 cơn “bão nhiệt đới” mỗi năm. Bão làm đình trệ hoạt động, hao tài tốn của, làm ăn thất bát.
Chúng ta cũng khó có thể hạ mức lương tối thiểu để phù hợp với Việt Nam. Kể từ tháng 1.2020, mức lương tối thiểu hằng ngày của Việt Nam tương đương từ 5,36 USD đến 6,04 USD. Trong khi ở Philippines, mức lương đó là 9,81 USD đến 10,54. USD Ngay cả trong Vùng 4A, mức tối thiểu cũng là 6,22 USD đến 7,85 USD. Các nhà hoạt động địa phương và các công đoàn đã kêu gọi mức lương cao hơn. Còn điều đó sẽ không xảy ra thường xuyên ở Việt Nam”.
Bài báo cũng chỉ ra rằng tình trạng bất ổn ở Philippines khiến quần đảo này không thể so bì với Việt Nam: “Ở Việt Nam, không có lực lượng nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ (như ở Philippines). Không có nhà đầu tư nước ngoài nào trả “thuế nổi dậy” để thiết bị của họ không bị đốt cháy. Bạn sẽ không bao giờ thấy cảnh này ở Việt Nam”. Bài báo cũng cho biết Việt Nam có luật pháp nghiêm trị những nguy cơ gây ra bất ổn, mất trật tự chứ không như Philippines. Chính điều đó đã thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Bài báo kết luận: “Việt Nam có lợi thế hơn Philippines về thu hút vốn FDI. Chúng ta (Philippines) có thể thay đổi một số “đặc điểm xấu” của mình nhưng không phải tất cả. Thật tệ là “anh rể của mọi người” (ám chỉ chính quyền Durtete) hoàn toàn không biết cách phát huy “phẩm chất tốt” của chúng ta”.