Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), một nhân chứng nói rằng các phi công trực thăng của hải quân Úc đã bị tia laser nhắm vào khi đang diễn tập trên Biển Đông, buộc họ phải đáp máy bay xuống để đề phòng.

Phi công hải quân Úc bị tấn công bằng tia laser trên Biển Đông

29/05/2019, 05:53

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), một nhân chứng nói rằng các phi công trực thăng của hải quân Úc đã bị tia laser nhắm vào khi đang diễn tập trên Biển Đông, buộc họ phải đáp máy bay xuống để đề phòng.

Tàu đổ bộ của Úc HMAS Canberra - Ảnh: Hải quân Úc

Viết trên trang mạng The Strategist thuộc Viện Chính sách & Chiến lược Úc hôm thứ ba 28.5, học giả Euan Graham, một nhân chứng có mặt trên tàu hải quân Úc HMAS Canberra trong hành trình từ Việt Nam tới Singapore, cho biết các tia laser đã được bắn ra từ tàu cá trong khi tàu Canberra đang bị tàu chiến Trung Quốc bám đuôi.

"Có phải những người ngư dân Trung Quốc bị giật mình đã phản ứng với những điều bất ngờ? Hay đó là một chiến dịch có phối hợp liên quan tới lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc? Thật khó để nói chắc chắn, nhưng những sự cố tương tự đã xảy ra ở phía tây Thái Bình Dương", ông Graham cho biết.

Bắc Kinh đã duy trì một lực lượng dân quân mạnh mẽ ở Biển Đông, gồm nhiều tàu đánh cá được trang bị vũ khí để thực hiện các nhiệm vụ trong chiến đấu. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết tuyến đường biển chiến lược này, và tỏ ra nhạy cảm đối với bất cứ hoạt động hải quân nước ngoài trong khu vực, đặc biệt là của Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Úc.

Các sự cố tương tự liên quan đến laser và quân đội Trung Quốc cũng đã được báo cáo như ở Djibouti- nơi Mỹ và Trung Quốc đều có căn cứ. Năm ngoái, Washington đã phàn nàn với Bắc Kinh sau khi các tia laser được nhắm vào máy bay quân sự của Mỹ tại quốc gia ở khu Sừng Châu Phi dẫn đến thương tích nhẹ cho hai phi công Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.

Tuy các liên lạc với phía Trung Quốc trong suốt cuộc hành trình vẫn lịch sự nhưng yêu sách của Trung Quốc đòi các tàu chiến Úc thông báo trước mọi thay đổi hướng đi - điều mà hải quân Úc sẽ không nhượng bộ trong khi thực thi các hành động thể hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, học giả Graham cũng nhấn mạnh.

Trước đó, chuẩn tướng Richard Owen thuộc quân đội Úc ngày 27.5 cho biết tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra của hải quân nước này đã bị tàu chiến Trung Quốc bám đuôi hai lần khi di chuyển qua khu vực phía bắc và phía nam Biển Đông hồi đầu tháng này.

Ông tiết lộ với đài ABC News rằng tàu chiến Australia bị Hải quân Trung Quốc theo sát vào đầu tháng 5, khi tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra và tàu hộ vệ tên lửa HMAS Newcastle đi qua Biển Đông để thăm cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Khi nhóm tàu rời Cam Ranh cũng bị các tàu Trung Quốc áp sát.

“Phía quân đội Trung Quốc muốn xác định nhóm tàu hải quân Úc đi đâu và mục đích là gì. Hai bên đã trao đổi một cách thân thiện và chuyên nghiệp”, ông Owen cho biết.

Được biết, 4 tàu chiến do tàu đổ bộ HMAS Canberra dẫn đầu, các máy bay và nhân sự hơn 1.200 người vào ngày 27.5 đã về đến Darwin, kết thúc nhiệm vụ mang tên Indo-Pacific Endeavour năm 2019 - thăm 7 quốc gia châu Á.

Hoàng Vũ (theo AP)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phi công hải quân Úc bị tấn công bằng tia laser trên Biển Đông