Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần, làm các xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa.
Ngày 6.4, sản phụ N.T.K.T. (24 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ khi thai 34 tuần 6 ngày (mang thai lần 2), vết mổ cũ, huyết áp cao, khó thở nhiều, mắt nhìn mờ.
Sau khi tiếp nhận, thăm khám, siêu âm ngay tại giường bệnh và thực hiện khẩn xét nghiệm, các y bác sĩ xác định sản phụ T. có rất nhiều bệnh lý nguy cơ cao xuất hiện trong thai kỳ cùng lúc. Đó là tiền sản giật nặng dọa phù phổi cấp trên vết mổ cũ lấy thai, đa ối và có khối u nang buồng trứng kích thước lớn chèn ép gây tình trạng khó thở nhiều, phổi nhiều ran ẩm, tiên lượng nặng...
Với sự chỉ đạo trực tiếp của BSCK2 Nguyễn Thụy Thúy Ái - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, người bệnh được chuyển đến phòng mổ cấp cứu dưới sự phối hợp khẩn trương của ê kíp bác sĩ trực cùng đội ngũ chuyên Sản phụ khoa - Gây mê hồi sức - Sơ sinh. Sau hơn 120 phút tập trung, ca phẫu thuật song hành vừa "bắt" bé trai nặng 2,7kg chào đời an toàn, vừa kết hợp cắt khối u buồng trứng phải nặng 4kg thành công. Hiện tại mẹ và bé đang được theo dõi tại khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc và khoa Nhi - Sơ sinh.
Theo BSCK2 Phạm Thị Linh: “U nang buồng trứng là khối u trú phát triển bất thường trong buồng trứng với tỷ lệ mắc khoảng 5-10% phụ nữ, có thể phổ biến trong cả thai kỳ. Đối với trường hợp này, sản phụ đã không khám sức khỏe định kỳ và thời gian mang thai không được theo dõi thường xuyên. Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần, làm các xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa.
Đặc biệt sản phụ mang thai được 3 tháng đầu nên đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên sản phụ khoa có kinh nghiệm, đầy đủ phương tiện để có thể sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý trong thai kỳ. Từ đó có kế hoạch theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra, giúp sản phụ có một thai kỳ khỏe mạnh.