Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), một loạt các nhà máy điện than sẽ được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Xoay quanh vấn đề quy hoạch phát triển nhiệt điện than tại khu vực này, đã có nhiều nghi ngại về những tiềm ẩn rủi ro.

Phát triển nhiệt điện than ở ĐBSCL: Cần xem xét những rủi ro tiềm ẩn

tuyetnhung | 27/03/2017, 05:54

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), một loạt các nhà máy điện than sẽ được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Xoay quanh vấn đề quy hoạch phát triển nhiệt điện than tại khu vực này, đã có nhiều nghi ngại về những tiềm ẩn rủi ro.

Công bố tại tọa đàm "Lựa chọn nào cho phát triển năng lượng ở Việt Nam" vừa qua, báo cáo của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã có những phân tích rõ nét về vấn đề này.

Tiềm ẩn nguy cơ về môi trường

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ xuống tỉnh Hậu Giang và tiếp ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện. Ngoài các nhà máy dọc theo sông Hậu ra đến biển, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng ở Long An (Long An I và II, với công suất lắp đặt 1.200 MW/nhà máy) và Bạc Liêu (1.200 MW).

Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau Ivà Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO.

Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than. Theo đánh giá của GreenID, trong các nguồn nhiên liệu hóa thạch dùng để phát triển, than là loại chất đốt gây ô nhiễm không khí cao nhất.

ĐBSCL có lợi thế là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, GreenID cho rằng để phát triển các nhà máy nhiệt điện than khu vực này cần phải xem xét nhiều yếu tố.

Thứ nhất, ĐBSCL là vùng kinh tế ít sử dụng điện vì đây là khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, người dân cũng đa phần là nông dân có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn chiếm 70% dân số. Đặc biệt, nơi đây rất nhạy cảm với ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Thứ hai, khu vực này do phù sa bồi tụ nên có kết cấu đất rất yếu. Thi công các nhà máy công nghiệp nặng lên vùng địa chất yếu sẽ rất tốn kém chi phí nền móng công trình và khối lượng cát đá san lấp rất lớn. Chi phí này cao hơn rất nhiều so với tiền đền bù đất đai nếu so với làm công trình ở những vùng khác có cấu trúc địa chất cứng chắc hơn.

Đặc biệt, GreenID cho biết trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không có đánh giá yếu tố địa chất công trình khi bố trí cụm các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL.

Thứ ba, các nhà máy nhiệt điện xây dựng ở gần bờ biển thìnguy cơ hư hỏng do xâm thực biển rất cao, từ nguyên nhân biến đổi khí hậu kết cấu công trình vùng xói lở.

Một ví dụ điển hình được đưa ra là Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1 ở Trà Vinh, khi xây dựng phải hút cát ven biển để đắp nền cho nhà máy với khối lượng khổng lồ là 26 triệu m3 cát. Việc làm rút cát ven biển này cộng thêm diễn biến của biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng sạt lở ven biển Trà Vinh thêm mãnh liệt, nhất là đoạn nhà máy và kéo dài cả 14km đường bờ biển chung quanh. Hệ quả là tỉnh Trà Vinh phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồnglàm kè gia cố đường bờ để đối phó với xâm thực biển đang xảy ra, nhưng đây lại chỉ là giải pháp tạm thời.

Rủi ro về nguồn than

Điện có thể được tạo ra từ nhiều nguồn năng lượng khác nhau, có thể là thủy điện, nhiệt điện, phong điện, quang điện... Vấn đề là xem xét nguồn tạo ra điện phù hợp với giá thành chấp nhận được mà không gây nhiều tổn hại lâu dài.

Theo GreenID, nếu trên 50% nguồn năng lượng cung ứng cho một hệ thống điện quốc gia phải nhập từ bên ngoài nghĩa là phải lệ thuộc và sẽ xảy ra rủi ro bất cứ khi nào. Thực tế, một số nhà máy nhiệt điện than hiện nay tại Việt Nam đang được thiết kế, cung cấp thiết bị và cả thi công lắp đặt từ Trung Quốc, có những trường hợp phía Trung Quốc tăng giá đột ngột hoặc ngưng cung cấp thiết bị thay thế với các nhà máy.

"An ninh năng lượng phải gắn liền với các an ninh khác như an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh chính trị... nếu không tính bền vững của an ninh năng lượng sẽ không đảm bảo vì tiềm ẩn nhiều rủi ro", GreenID nhận định.

Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định được nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thỏa thuận nhập với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc.

Nguồn than ở Việt Nam chủ yếu là than anthracite ở Quảng Ninh, than nâu vùng đồng bằng phía Bắc ở độ sâu 600 - 2.000m dưới đất, khó khai thác. Tương lai, khi nguồn than trong nước cạn kiệt thìphải nhập than ở nước ngoài như Indonesia, Úc... chủ yếu là than bitum.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 18.3.2016, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ có công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỉ kWh điện, chiếm 49,3% điện sản xuất toàn quốc, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than.

Đến năm 2030, tổng công suất điện than sẽ tăng lên khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỉ kWh, chiếm 53,3% điện sản xuất toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 85 triệu tấn than/năm cho sản xuất điện, gấp 2 lần khả năng cung cấp than ở trong nước (40 triệu tấn than/năm), vì đến thời điểm này, nguồn than ở Việt Nam đã dần cạn kiệt hoặc khó khai thác thương mại.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nhiệt điện than ở ĐBSCL: Cần xem xét những rủi ro tiềm ẩn