Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sao Hỏa có nước lỏng trên bề mặt trong thời gian gần hơn nhiều so với suy nghĩ của các nhà khoa học.
Các nhà khoa học từ lâu tin rằng sao Hỏa từng có sông và ao hồ cách đây khoảng 3 tỷ năm, cung cấp môi trường sống tiềm năng cho sự sống vi sinh vật. Khi bầu khí quyển của hành tinh mỏng đi theo thời gian, lượng nước đó bốc hơi để lại thế giới sa mạc đóng băng ngày nay.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đưa ra bằng chứng về nước lỏng trên sao Hỏa chỉ cách đây 700 triệu năm, đặt ra một câu hỏi mới cần giải đáp về hành tinh đỏ và lịch sử của nó. Kết quả nghiên cứu được mô tả trong một bài báo được công bố hôm 11.5 trên tạp chí Science Advances.
Nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu từ robot tự hành Chúc Dung của Trung Quốc, là một phần của sứ mệnh Thiên Vấn-1 đã hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa vào tháng 5.2021. Đặc biệt, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu mà tàu thăm dò thu thập được trong 92 ngày đầu tiên trên sao Hỏa tại địa điểm hạ cánh ở Utopia Planitia.
Kỹ sư Hiddekel Morrison giải thích cách Trung Quốc phát hiện ra nước trên sao Hỏa bằng cách phân tích dữ liệu từ tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung
Yang Liu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia (NSSC) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ ba thiết bị khác nhau trên robot Chúc Dung: máy quang phổ đánh thủng cảm ứng bằng laser (MarSCoDe), máy ảnh vi mô hình kính thiên văn và máy quang phổ hồng ngoại sóng ngắn.
Theo nhóm nghiên cứu, các công cụ này đã nghiên cứu các khoáng chất và nhận thấy sự hiện diện của một lượng nước lỏng đáng kể tại khu vực này khoảng 700 triệu năm trước.
“Đây là một kết quả rất thú vị. Chúng tôi có rất ít bằng chứng được ghi lại về hệ thống nước lỏng “trẻ” trên sao Hỏa. Và đối với những hệ thống ghi nhận được, chúng thường ở dạng muối khoáng”, Eva Scheller, nhà khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ California, người không tham gia vào nghiên cứu mới cho biết.
Các thiết bị của robot tự hành Chúc Dung đã phát hiện ra các phân tử nước bị khóa chặt trong đá. “Điều này rất thú vị và khác với các môi trường nước lỏng khác từng được quan sát. Nó có nghĩa là các dạng khoáng chất chứa nước cụ thể sẽ hình thành ở những khoảng thời gian muộn hơn nhiều so với những gì đã từng được xem xét trong các nghiên cứu khoa học trước đây”, theo Scheller.
NASA đã gửi các tàu thăm dò sao Hỏa đến các địa điểm hạ cánh cổ đại, có niên đại từ thời Noachian hơn 3,7 tỷ năm trước. Vì vậy, Chúc Dung không chỉ là một thiết bị bổ sung mà còn là một robot tự hành mạnh mẽ giúp khám phá một địa điểm mới, trẻ về mặt địa chất; đồng thời mở ra những cơ hội mới cho nghiên cứu về sao Hỏa.
Scheller nói: “Một trong những điều chính chúng ta sẽ phải tìm hiểu và mong muốn được thấy từ Chúc Dung là mức độ rộng lớn của các khoáng chất chứa nước này. Chúng phổ biến hay không phổ biến trong những lớp đất đá này?”.
Chúc Dung hiện đã thăm dò một khu vực rộng khoảng 2 km trong hơn 350 ngày trên sao Hỏa. Robot tự hành này đã phân tích một loạt các đặc điểm trong các chuyến du hành của nó, có nghĩa là nhiều thông tin chi tiết mới về sao Hỏa có thể sẽ tiếp tục được phát hiện.