Một loài giáp xác nước ngọt mới đã được phát hiện trong một chuyến thám hiểm sa mạc Lut ở Iran, nơi được mệnh danh là nóng nhất Trái đất.

Phát hiện loài giáp xác nước ngọt mới ở sa mạc nóng nhất Trái đất

Long Hải | 07/09/2020, 16:55

Một loài giáp xác nước ngọt mới đã được phát hiện trong một chuyến thám hiểm sa mạc Lut ở Iran, nơi được mệnh danh là nóng nhất Trái đất.

Loài giáp xác mới được xác định thuộc chi Phallocryptus, trong đó chỉ có 4 loài trước đây được biết đến từ các vùng khô hạn và bán khô hạn. Tiến sĩ Hossein Rajaei từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên bang Stuttgart của Đức và tiến sĩ Alexander V Rudov từ Đại học Tehran đã phát hiện được loài giáp xác này trong chuyến thám hiểm Lut để tìm hiểu về hệ sinh thái, đa dạng sinh học, địa mạo và cổ sinh của sa mạc.

“Trong chuyến thám hiểm đến một nơi khắc nghiệt như vậy, bạn phải luôn cảnh giác, đặc biệt là khi tìm thấy nước. Việc phát hiện ra loài giáp xác trong môi trường khô và nóng này thực sự rất bất ngờ”, tiến sĩ Rajaei nói và cho biết đã phát hiện loài này trong một hồ nước nhỏ theo mùa ở phía nam sa mạc Lut.

Tiến sĩ Martin Schwentner, chuyên gia về giáp xác từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Vienna của Áo, đã thực hiện các cuộc kiểm tra và cho biết chúng thuộc về một loài giáp xác nước ngọt mới. Phát hiện mới này đã được công bố trên tạp chí Động vật học ở Trung Đông.

Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho loài mới là Phallocryptus fahimii để vinh danh nhà sinh vật học bảo tồn người Iran, Hadi Fahimi, người đã tham gia chuyến thám hiểm năm 2017 và không may mất trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 2018.Theo nhóm nghiên cứu, Phallocryptus fahimii có hình thái tổng thể và đặc điểm di truyền khác với tất cả các loài Phallocryptus đã biết trước đây.

Tiến sĩ Schwentner, người đã từng làm việc với các loài giáp xác tương tự từ sa mạc Úc, cho biết thêm: “Những loài giáp xác này có thể tồn tại hàng thập kỷ trong lớp trầm tích khô cạn và sẽ hồi sinh vào mùa mưa khi các hồ nước đầy lại. Chúng thích nghi hoàn hảo để sống trong môi trường sa mạc. Khả năng sống sót ngay cả trong sa mạc Lut càng làm nổi bật khả năng sinh tồn của loài giáp xác này”.

Lut (hay còn gọi là Dasht-e Lut) là sa mạc lớn thứ hai ở Iran với diện tích hơn 51.800 km2. Sa mạc này nắm giữ kỷ lục về nhiệt độ bề mặt cao nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình hàng ngày dao động từ -2,6 độ C vào mùa đông đến 50,4 độ C vào mùa hè với lượng mưa hàng năm không quá 30 mm.

Dựa trên các phép đo vệ tinh năm 2006, NASA đã báo cáo nhiệt độ bề mặt kỷ lục của sa mạc là 70,7 độ C, gần đây đã tăng lên thậm chí 80,3 độ C. Phần nóng nhất của Lut là Gandom Beryan, một cao nguyên rộng lớn bao phủ bởi những dung nham tối,có diện tích khoảng 480 km2.

Sa mạc Lut hầu như không có thảm thực vật nhưng có một đời sống động vật đa dạng. Các hồ nước không thường xuyên được lấp đầy nên hệ sinh vật thủy sinh cũng rất hạn chế.

Ngày 17.7.2016, sa mạc này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới như là một trong số những ví dụ ngoạn mục nhất của đường lằn sóng lớn, các cột đá sa mạc, cồn cát và đại diện cho một quá trình địa chất đặc biệt đang diễn ra.

Long Hải (theo Scitech Daily)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện loài giáp xác nước ngọt mới ở sa mạc nóng nhất Trái đất