Từ lâu người ta vẫn tin rằng sự tích tụ của protein alpha-sinuclein gây tổn thương tế bào thần kinh sản sinh dopamine là nguyên nhân gây bệnh parkinson nhưng nay các nhà khoa học phát hiện thêm một chỉ dấu sinh học để chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, đó là nồng độ cao của một số loại phân tử chất béo trong não.
Theo Tân Hoa Xã, một nhóm nghiên cứu từ các trung tâm khoa học Harvard, Oxford và McLean Hospital (Mỹ)vừa phát hiện ra một chỉ dấu mới giúp chẩn đoán sớm bệnh parkinson. Chỉ dấu đó chính là nồng độ cao của một số loại phân tử chất béo trong não.
Được biết parkinson thuộc nhóm các bệnh thoái hóa thần kinh với đặc trưng là tình trạng suy giảm số lượng tế bào thần kinh tạo ra dopamine -một chất dẫn truyền thần kinh, có tác dụng hóa học trong quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong một số bộ phận của não. Những tế bào thần kinh này rất quan trọng đối với sự vận động của con người.
Trong một thời gian dài, giới khoa học tin rằng các tế bào thần kinh chỉ bị tổn thương do sự tích tụ của protein alpha-sinuclein. Tuy nhiên, 15 năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu mối quan hệ giữa nguy cơ mắc bệnh parkinson và một nhóm rối loạn gọi là bệnh lưu trữ lysosome, đặc biệt là bệnh gaucher, do đột biến dẫn đến mất chức năng trong gien glucocerebrosidase (GBA).
Gien GBA chịu trách nhiệm sản xuất một loại enzyme phân rã chất béo. Tuy nhiên, với một số đột biến nhất định (ví dụ như khi mắc bệnh gaucher) enzyme này hầu như không hoạt động. Kết quả là sự gia tăng nồng độ chất béo trong các tế bào. Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng những người không có bệnh gaucher, nhưng với một bản sao của gien khiếm khuyết, nguy cơ phát triển bệnh parkinson cũng tăng 7-10 lần. Và ở bệnh nhân parkinson, các nhà khoa học liên tục tìm thấy chất béo đặc biệt được gọi là glycosphingolipid trong một khu vực của não giữa.
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng để xác định những bệnh nhân có nguy cơ phát triển bệnh parkinson và giúp điều trị sớm bệnh.
Vũ Trung Hương