'Pháp sư mù' là phim Việt đầu tiên khắc họa thế giới huyền huyễn - nơi tồn tại cô hồn ngạ quỷ sống chung với người sống.

'Pháp sư mù' của Huỳnh Lập và bước đột phá của dòng phim linh-dị Việt

Chí Thiện | 07/11/2019, 06:51

'Pháp sư mù' là phim Việt đầu tiên khắc họa thế giới huyền huyễn - nơi tồn tại cô hồn ngạ quỷ sống chung với người sống.

Năm 2018, Huỳnh Lập tung ra web drama Ai chết giơ tay? trên Youtube tới nay đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem và tạo nên một con số chưa từng có cho một bộ phim mang chủ đề linh-dị (tâm linh - kinh dị). Không ít người cho rằng Ai chết giơ tay? xứng đáng được chiếu rạp do chất lượng không thua kém bất kỳ phim điện ảnh nào mà thậm chí còn chỉn chu hơn rất nhiều so với nhiều phim khác. Thế nhưng, họ hiểu rằng rất khó để một phim như thế này qua được khâu kiểm duyệt của Cục điện ảnh bởi sẽ dễ mang mác “mê tín dị đoan” hoặc nếu chấp thuận cũng bị chỉnh sửa, cắt bỏ rất nhiều.

Mặc dù vậy, chuyện đó đã không xảy ra với Pháp sư mù - phần ngoại truyện bản điện ảnh của Ai chết giơ tay?.

Pháp sư mù nối tiếp câu chuyện của Ai chết giơ tay? cho nên những khán giả chưa từng xem qua web drama này sẽ khó theo kịp. Tinh Lâm (Huỳnh Lập đóng) là một pháp sư trừ tà trẻ tuổi và bị mù do tai nạn. Nhằm chữa đôi mắt, anh đã cùng Nguyệt Minh (Khả Như đóng) - một pháp sư cao tay ấn - và Liên Thanh (Hạnh Thảo đóng) - một cô gái có con mắt âm dương - tìm kiếm sự trợ giúp từ cậu Út Quái bao năm không liên lạc (Đại Nghĩa đóng). Thụy Du (Quang Trung đóng) - chàng trai có khả năng cho hồn ma nhập vào - tỉnh dậy sau tai nạn và hội ngộ với nhóm. Tại đây, mọi bí mật dần hé lộ. Thiện - ác, đúng - sai đến phút cuối cùng mới được sáng tỏ.

Vốn là fan của thể loại phim tâm linh, Huỳnh Lập nghiên cứu rất kỹ trước khi viết kịch bản nhằm tạo sự khác biệt cho đứa con tinh thần của mình. Và anh đã thành công.

Điểm đặc biệt nhất của Pháp sư mù chính là nó sử dụng nhiều chất liệu dân gian Việt Nam, ví dụ như các bài đồng dao quen thuộc, nhằm khắc họa một khung cảnh gần gũi cho khán giả nhưng vẫn hấp dẫn và thu hút do lồng ghép yếu tố tâm linh. Ở nơi dành cho người sống tồn tại những vong hồn ngạ quỷ phản ánh “nghiệp” của họ lúc còn trên dương thế. Huỳnh Lập đã mượn hình ảnh này để tạo ra một thế giới kỳ ảo có nguyên tắc ứng xử riêng từ đó truyền tải những thông điệp nhân văn về luật nhân quả và kêu gọi mọi người hành thiện tích đức.

Hầu hết dàn cast của Pháp sư mù xuất thân từ sân khấu kịch do đó còn hạn chế trong phong cách diễn xuất, chưa mang tính điện ảnh rõ nét nhưng chấp nhận được. Bộ ba Việt Hương - Lê Giang - Phương Thanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ gây cười của mình một cách duyên dáng và giúp bộ phim trở nên nhẹ nhàng hơn. Đại Nghĩa trong vai Út Quái là gây ngạc nhiên nhiều nhất khi anh thể hiện thành công và thuyết phục hình tượng một pháp sư đầy quyền năng.

Kỹ xão của Pháp sư mù không có đột phá so với web drama Ai chết giơ tay? nhưng đủ để đáp ứng yêu cầu của kịch bản. Khán giả sẽ được chứng kiến những khung cảnh ấn tượng như linh hồn người chết oan tụ họp tại ngã 3 thường hay xảy ra tai nạn, ma chó nhập người hay cảnh đại chiến giữa các ngạ quỷ.

Sau Thất sơn tâm linhBắc kim thang, khán giả có lẽ đã bớt háo hức và cẩn thận hơn với những phim kinh dị Việt. Một phim do bị chỉnh sửa quá nhiều còn phim kia thì không có gì nổi trội. Pháp sư mù công chiếu sau cùng nhưng hóa ra lại đáp ứng đầy đủ mong đợi của khán giả. Đây có lẽ là phim Việt đáng xem nhất trong vài tháng trở lại đây bởi yếu tố mới lạ và mang tính đột phá.

Pháp sư mù được chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 8.11.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Pháp sư mù' của Huỳnh Lập và bước đột phá của dòng phim linh-dị Việt