Trưa đứng bóng, Sài Gòn nắng đổ lửa, Phạm Anh Khoa tỏ ra hơi ái ngại khi rủ tôi đến thăm ngôi nhà của anh chàng tận Nhà Bè, "hay là anh em mình ngồi đâu đó ở trung tâm Sài Gòn trò chuyện cũng được". Nhưng tôi nhất định phải khám phá ngôi nhà trên cây mà Khoa gọi gọn là “nhà cây” mới nghe qua đã thấy thú vị và anh chàng cũng chưa giới thiệu cho ai. 

Phạm Anh Khoa – kẻ ngông đi lạc trong phố thị

Một Thế Giới | 30/05/2015, 07:00

Trưa đứng bóng, Sài Gòn nắng đổ lửa, Phạm Anh Khoa tỏ ra hơi ái ngại khi rủ tôi đến thăm ngôi nhà của anh chàng tận Nhà Bè, "hay là anh em mình ngồi đâu đó ở trung tâm Sài Gòn trò chuyện cũng được". Nhưng tôi nhất định phải khám phá ngôi nhà trên cây mà Khoa gọi gọn là “nhà cây” mới nghe qua đã thấy thú vị và anh chàng cũng chưa giới thiệu cho ai. 

Thế là chiếc xe tay ga phố thị phóng theo chiếc mô tô cũ 200 phân khối, có bánh to và tiếng ống pô nổ giòn giã của gã chủ nhân hát rock, băng băng qua nhiều con phố chưa có tên về hướng Nhà Bè, vòng vèo hơn chục cây số qua những con phố mới còn hoang vu cây cỏ vì ít người đến ở. Anh chàng lái mô tô không bao giờ ngồi yên trên xe, hết đứng lại ngồi, rồi leo lên lề như tìm chút địa hình đường rừng khi đang ở phố, trông đầy hào hứng như đứa trẻ con mới có món đồ chơi mới.
Ngôi nhà trên cây
Ở cuối con đường nhỏ không tên, giữa những cây xanh, ngôi nhà trên cây nằm cặp ngay cạnh một con rạch, rộng chưa tới 30m vuông, gần như toàn bộ ngôi nhà sàn gá trên những thân cây có sẵn chung quanh, hệt như trong phim ảnh. (Mà thật, ngôi nhà vốn do một người bạn của Khoa có phim trường cạnh bên, khi định cất ngôi nhà để ghi hình cho một chương trình truyền hình, chính Khoa đề nghị làm luôn một ngôi nhà hẳn hoi để sau khi ghi hình xong thì anh dùng làm nơi ở cho đến khi nó “hết hạn sử dụng”). Một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, từ cửa, tủ, bàn ghế đến thùng đựng rác và các bồn hoa xinh xắn, và mỗi năm nó sẽ cao thêm một ít theo sự phát triển của cây mà nó gá lên.
Ngôi nhà đơn giản, chỉ có vài vật dụng cần thiết trong sinh hoạt. Giá trị nhất và cũng là dấu hiệu để nhận biết chủ nhân là cây đàn và chiếc loa thùng to, cùng với cây micro. Ngôi nhà không có quạt. Cũng dễ hiểu khi chủ nhà vốn có thói quen không dùng máy lạnh, quạt mà chỉ thích đón gió trời. Ngôi nhà chưa đầy 30m vuông có đến 6 cửa sổ. Ở đây gió lùa ngày đêm. Chỉ cơn gió lùa hơi mạnh một tí đã nghe âm thanh của các thân cây cọ quẹt với khung nhà. Một không gian rộng vắng với cây cỏ thiên nhiên sông nước chung quanh là một chất xúc tác tuyệt vời cho một gã đàn ông vốn không ưa đời sống đô thị.
Cả một buổi chiều đến tối mịt cùng ngồi vắt vẻo trên mấy cái lan can, nghe Khoa rất hào hứng khi kể về ngôi nhà này, mới hiểu thêm về cá tính rất bản năng của chàng rocker này. Lúc sôi nổi rộn rã kiểu ăn nói của dân xứ biển miền Trung, lúc lại lắng như thể đang “ngồi tự kỷ một mình” - theo cách nói của Khoa, ngồi bên lan can nhìn dòng nước đang trôi qua trước mặt. Lúc chạy vào nhà, bật mic lên, cầm đàn hát say mê vài đoạn nhạc rock ưng ý, lúc lại ngồi đợi con chim bói cá chiều chiều tầm 4 giờ lại đến đậu trên cây cọc Khoa đang đóng để làm bến bên nhà. Lúc say sưa nói về những dự tính trồng cây này cây kia quanh nhà, lúc lại lấy mấy thanh kiếm Nhật say sưa múa vài đường và không quên chỉ tôi xem những vết chém-thử-kiếm của anh chàng đang lưu dấu quanh các thân cây, và cả những chiếc lá cây. Lúc lại đợi nước ròng xách cần câu đi câu cá thòi lòi hay bơi thuyền qua bờ bên kia đi hái dừa nước. Dường như, có rất nhiều thái cực khác nhau ở rocker bụi bặm xăm trổ đầy mình thế này, trong một không gian sống bình yên tưởng như không liên quan gì đến những âm thanh điện tử sôi động mà Phạm Anh Khoa đang làm việc.
Khoa nói hễ có thời gian rảnh là lại chạy về đây để ở, để thở. Đây là nơi anh chàng giam mình trong những cảm xúc rất riêng của mình như một cách để cân bằng cuộc sống mình. Để Khoa thoải mái sáng tác, tập đàn, hứng chí là ôm đàn đứng vào cây micro luôn để sẵn mà luyện giọng hay hát ngẫu hứng vài đoạn nhạc ưng ý. 
pham anh khoa
 
Vẫn đeo rock đến suốt đời!
Khoa rất hào hứng với ngôi nhà cây này của mình. Anh chàng rất kỳ vọng nơi đây tương lai sẽ là một trại sáng tác nho nhỏ. “Nhiều người có tài năng trong nhạc rock ít có dịp hợp tác làm việc chung nhau, nên Khoa muốn đề xướng chuyện cùng làm ra sản phẩm hay từ những người tài”.
Tôi hỏi Khoa hát rock là chơi theo ý mình và kinh tế không phải là chuyện quan trọng? Khoa cười: “Anh nghĩ thử xem, ở xứ mình rock không có môi trường để phát triển. Nên Khoa cố gồng lên, tạo thành một lối đi. Từ live show vừa qua, Khoa đang muốn tạo ra một sân chơi định kỳ vào ngày 13 hàng tháng, để mỗi năm phong trào lại mở rộng hơn".
Từ nhiều năm nay, Khoa đã lập ban nhạc cho riêng mình và cũng rất vất vả để duy trì nó, sau nhiều lần xáo trộn thành viên. Bên cạnh đó là thực tế thị trường ca nhạc, bầu sô vốn không chuộng ban nhóm, cồng kềnh và tốn kém. (Cứ hình dung ca sĩ solo và ca sĩ đi cùng ban nhạc của mình, khi bay sô, tiền vé máy bay, khách sạn là đủ hiểu). Dù biết là chi phí mời show với một nhóm khá nặng và luôn khiến bầu sô phải cân nhắc. Nhưng dần dà, Khoa cũng đã thuyết phục được những bầu sô quen. Khoa cũng tự động chấp nhận phần thiệt về cát xê về mình, khi chi phí mời trọn gói ban nhạc không nhích hơn là bao so với việc mời cá nhân mình.
Sống bản năng đến tận cùng cảm xúc
Sống và làm việc theo cảm xúc, bị chi phối vì cảm xúc ngẫu hứng quá nhiều. Chính vì vậy mà trong cuộc sống đời tư va chạm rất nhiều với người thân. Nếu như khán giả là người nhận được các mặt tích cực của Khoa thì người thân thì phải nhận lại những giá trị tiêu cực rất nhiều.
Trước một việc nào đó, Khoa luôn kỳ vọng gấp đôi với người bên cạnh mình, nên áp lực dành cho người sống bên cạnh rất cao. Áo lực cho người sống bên cạnh mình rất là cao. Lúc trước cho phép cái tôi đặt lên trên tất cả, có một mình mình thì kệ, sao cũng được. nhưng đứng trước vị trí trưởng nhóm thì có nhiều việc phải lo, có nhiều điều phải suy nghĩ, tự thấy mình từng bước trưởng thành hơn, biết nhường nhịn hơn. Câu chuyện về kinh tế là chuyện trăn trở thường trực của Khoa. Nếu được thừa nhận đúng đắn, các thành viên không phải lo chuyện tài chính để tập trung thực lực cho sản phẩm âm nhạc. Nếu không đảm bảo được về kinh tế mà người ta vẫn ở lại với mình, thì mình có hướng đi chính xác và họ tin vào mình.
Khoa nói, anh sống bản năng, đàn ông 30 nhưng vẫn như một chàng thanh niên mới lớn, ham chơi và sẵn sàng đi đến tận cùng các thú vui.
Tôi thật bất ngờ khi Khoa có dự tính sẽ về lại Cam Ranh, và sẽ đem cả gia đình nhỏ của mình về theo. Đây không phải là sự ngẫu hứng mà Khoa đã suy nghĩ tới nó gần một năm nay. Khoa dự tính làm phòng thu ở đây để tập luyện. Ban nhạc của mình thì chỉ cần nằm một chuyến tàu lửa đêm từ Sài Gòn là tới, 3 ngày cuối tuần cũng không sao. Lại ở cạnh ba với mẹ. "Đã thử ở 12 năm Sài Gòn rồi và đang muốn tìm một không gian phù hợp với sự sáng tạo nghệ thuật của mình lâu bền,cũng như sở thích sống, chi bằng mình về quê", Khoa nói.
Từ khi lập gia đình, mọi chuyện tài chính vợ anh lo hết. nếu định mua sắm cái gì đó hay chi phí, khoa luôn hỏi ý kiến vợ xem có thiện không thì làm, và không bao giờ bận tâm về con số. Tôi đùa vậy Khoa không có quỹ đen sao, anh chàng cười: "Nói ra không ai tin, ngay cả khi gặp anh đây, sáng nay vợ phát em hai trăm ngàn, đồ xăng hết 100 còn dư 100 ngàn đây. Mỗi ngày em đều xin một vài trăm để bỏ túi. Còn trước khi lấy vợ thì sao, khoa cười hì hì lúc đó có tiền đâu mà giữ. Từng sống những lúc rất đói thời sinh viên, một tuần uống ngũ cốc 3 lần".
Khoa từng ăn chay trường 2 năm trời.
Khoa bảo mình đã và vẫn có 2 trạng thái sống trước và sau khi gặp thầy-nhạc sĩ Tuấn Khanh. “Trước đó mình thất bại nhiều lắm, nên sống rất bi quan". Khi bước ra ngoài làm việc, Khoa là con người năng động, không bao giờ ngồi yên một chỗ, lại chơi nhạc với tất cả say mê, rộn ràng.
Nhưng khi hỏi thói quen sinh hoạt của mình, người ta hay nhiếu mày khi Khoa có một lối sống mà Khoa tự nhận là giống sinh viên. Khoa cười cho biết. Sau tất cả công việc, Khoa chỉ thích về nhà. Phần lớn thời gian của Khoa là ở trong nhà mình. Khoa có một phòng riêng mà người trong nhà không bao giờ làm phiền. Là nơi để yên tĩnh suy nghĩ, rất ít nói, nơi để sạc lại năng lượng có thể gọi là tự kỷ vậy.
pham anh khoa
 
Tóc dài, râu ria chạy xe hầm hố, người xăm trổ đầy, nói chuyện nhanh nhạy, Khoa đúng kiểu hình mẫu một ca sĩ nhạc rock. Hay cười và nói chuyện liếng thoắng, chơi thể thao, tập võ, rành sử dụng kiếm Nhật, nói chuyện với Khoa mà lúc thấy anh ngồi trên ghế, lúc nhảy lên lan can, khi chạy vào trong nhà dạo nhạc minh họa cho một ý nói nào đó.
Nếu lần đầu gặp, hẳn sẽ có người cho là Khoa diễn, hoặc thuộc tuýp người ồn ào. Nhưng trang thái cảm xúc của quý ông 30 này diễn tiến rất nhanh mà nếu không để ý, bạn sẽ không theo kịp và thậm chí choáng. Khoa sống khá hồn nhiên, và bản năng. Điều này khiến cho rocker này thăng hoa hơn trong công việc, nhưng cũng khiến người thân của mình vất vả. Chính Khoa cũng thừa nhận điều đó.
Khoa là người đàn ông của gia đình, nếu không nghĩ đến gia đình thì sẽ chỉ nghĩ đến nghệ thuật mà thôi. Tôi thắc mắc sao Khoa có vẻ bỏ vợ con về đây được nhỉ. Khoa nói chủ yếu là do sự tin tưởng lẫn nhau. Và từ lâu anh đã thỏa thuận với vợ con rồi, mình luôn cần có một không gian riêng. Ngôi nhà cây này giống như căn phòng riêng của mình trong gia đình ở phố vậy.
Khoa cố gắng xây dựng một mô hình hạnh phúc là như thế nào? Tôi hỏi và Khoa trầm tư:"Lúc nhỏ, Khoa hay mơ ước có một gia đình hạnh phúc, lập gia đình sớm vì mình thiếu mái ấm gia đình từ bé, nên khi lấy vợ như mình đang trên hành trình tự dò dẫm xây dựng ngôi nhà hạnh phúc ấy, có lúc mình cũng có đôi lúc sai lầm, biết đó là kinh nghiệm chứ không quay đầu lại được. Và vẫn đang xây dựng. Gia đình Khoa kỳ quặc lắm. Một gia đình bất ổn, vì một nửa của gia đình là Khoa đã bất ổn".
Khoa tự nhận mình là người cực kỳ bất ổn về mặt cảm xúc, Khoa biết tiết chế nhưng vẫn vô cùng cẩu thả về mặt cảm xúc. Thích là sẽ làm chứ không phải theo nguyên tắc xã hội, nên cảm xúc phải luôn đánh nhau. "Bà xã mình là người chịu nhiều thiệt thòi lắm. Mình có những cái mà người khác không có, và ngược lại. Nhưng khi tham gia cuộc chơi này, dần dần 2 đứa cũng hiểu cách chơi với nhau sao cho ít bị thương nhất. Trong game gia đình này, Khoa là người dở hơn, vợ lớn hơn mình tuổi, lại học về ngoại giao nên khéo hơn, bình tĩnh, biết vun vén", Khoa cười hãnh diện khi nói về một nửa của mình.
Ngắm nhìn ngôi nhà trên cây của Phạm Anh Khoa:
pham anh khoa
 
pham anh khoa
 
pham anh khoa
 
pham anh khoa
 
pham anh khoa
 
pham anh khoa
 
Sơn Trà. Ảnh: HPLT
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Anh Khoa – kẻ ngông đi lạc trong phố thị