Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân".

'Phải chuẩn bị lương thực cho trường hợp xấu nhất, cách ly 1 thành phố hoặc vài tỉnh thành'

20/03/2020, 07:03

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân".

Việc cung ứng lương thực, thực phẩm được đảm bảo cho việc cách ly trên diện rộng - Ảnh: TN

Hà Nội đã chuẩn bị lương thực cho 5.000 người cách ly

Tại cuộc họp chiều 19.3, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

Cụ thể: Gạo 46.485 tấn; thịt lợn 9.297 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm 3.099 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; Dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; Rau củ 51.650 tấn; Thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; Thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó định mức cho 1 người trong 30 ngày, gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0.15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35 kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 gói.

Tổng lượng hàng cần thiết là: Gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75 nghìn quả; muối ăn, bột canh 750 kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 nghìn gói.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết chiều 19.3 đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.

Vụ Thị trường trong nước cho biết đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các "kế hoạch tác chiến", kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao?

"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng", đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân".

Tại cuộc họp tối 18.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết từ nay đến 3.4, Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch. Các trường hợp đã nhập cảnh vào Hà Nội từ ngày 3.3 cho đến trước ngày 15.3, đặc biệt từ châu Âu, Mỹ, những vùng có dịch, có thể tiềm ẩn nguy cơ dương tính với COVID-19, tới ngày 3.4 mới là thời điểm an toàn (do hết thời gian ủ bệnh).

Vì vậy, khả năng cao là số ca bệnh của Hà Nội trong những ngày tới sẽ tăng lên, cho đến khi đạt đỉnh và hạ xuống. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ kiềm chế dịch bệnh, gồm: tổ chức việc cách ly thật tốt; xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm; và tuyên truyền cho người dân nhận thức tốt về dịch, có ý thức tự giác trong phòng, chống dịch.

Ninh Thuận, Hải Dương... chuẩn bị nguồn hàng dự trữ theo cấp độ 5

Đối với mặt hàng gạo, Vụ Thị trường trong nước cho biết đã liên hệ triển khai việc điều phối nguồn cung gạo cho địa bàn Ninh Thuận. Đối với mặt hàng khẩu trang, đã cung cấp gấp 100.000 khẩu trang vải cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Thuận, hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã ổn định, nguồn cung hàng hóa đang được bổ sung tăng lên cũng đã góp phần ổn định tâm lý của người dân.

Tại Hải Dương, từ tối 18.3 đã có 1 thôn Tiêu Sơn bị cách ly với tổng số người khoảng 2.300 người. Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch COVID-19 theo 5 cấp độ lây lan của dịch bệnh tại đia phương kèm theo các phương án ứng phó, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo đó, địa phương đã dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 3.000 người trong thời gian 30 ngày. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu khi có tình huống cách ly xảy ra.

Sáng 19.3, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã bắt đầu triển khai các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu như kịch bản đã xây dựng. Vụ Thị trường trong nước đã trao đổi trực tiếp với Sở về kinh nghiệm của một số địa phương đã triển khai thông qua các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh để cung cấp hàng hóa cho các địa bàn bị cách ly.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương chiều 19.3, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh về cơ bản khá dồi dào, luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống (lưu chuyển thường xuyên trong ngày) và hàng dự trữ lưu thông bình quân (hàng thực phẩm có hạn sử dụng) của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 đến 40.000 người.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, nếu tính bình quân một khu vực bị cách ly có khoảng 3.000 dân, thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này sẵn sàng phục vụ từ 7 đến 12 khu cách ly (theo kịch bản) và khi cần có thể phục vụ 30 khu cách ly hoặc chi viện các địa phương khác trong cả nước.

Giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết đảm bảo ổn định theo diễn biến thị trường trước và trong thời điểm thực hiện cách ly, song đề nghị được giao hàng cho lực lượng chức năng tại chỗ để tiếp nhận, phân phối cho người dân khu cách ly và đề nghị có thỏa thuận rõ về phương thức thanh toán.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Phải chuẩn bị lương thực cho trường hợp xấu nhất, cách ly 1 thành phố hoặc vài tỉnh thành'